(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên được ngành Du lịch Thanh Hóa hết sức quan tâm. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ này đang vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên

(VH&ĐS) Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên được ngành Du lịch Thanh Hóa hết sức quan tâm. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ này đang vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành Nhà Hồ đã đón khoảng 40.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3% là khách quốc tế, chủ yếu đến từ các nước Pháp, Nhật, Mỹ, Trung Quốc… Đây cũng chính là điểm đến mà đội ngũ hướng dẫn viên (HDV), thuyết minh viên (TMV) thường xuyên đón tiếp và thuyết minh cho các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn ngoại giao của các nước và đoàn khách của các tỉnh bạn cũng như các cấp, sở, ban, ngành trong tỉnh. Nhằm đáp ứng ngày càng cao của khách tham quan, công tác chuẩn hóa đội ngũ thuyết minh viên đã được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ quan tâm, trước hết việc này được thực hiện từ khâu xét và thi tuyển. Bên cạnh việc tuyển đầu vào, trung tâm đã không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các TMV. Trước hết là việc chuẩn hóa những nội dung thuyết minh cơ bản trong khu vực di tích nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Tiếp theo là việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, thường xuyên tổ chức kiểm tra nghiệp vụ của các TMV nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cũng như củng cố kiến thức nền, truyền kinh nghiệm từ các TMV có kinh nghiệm cho các TMV mới vào nghề. Đồng thời tổ chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch do Sở VH,TT&DL Thanh Hóa tổ chức.

Hiện nay, đội ngũ thuyết minh của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ có 8 TMV, trong đó 100% TMV có trình độ đại học, tuy nhiên chỉ có 3 thuyết minh viên và sử dụng thành thạo 1 thứ tiếng nước ngoài (tiếng Anh).

Nhìn chung, tại các khu du lịch trọng điểm đều có đội ngũ TMV, HDV được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, đội ngũ này còn thiếu về số lượng, nhất là số lượng HDV, TMV có trình độ ngoại ngữ. Ở nhiều khu, điểm du lịch chưa thành lập Ban Quản lý, chưa có hoạt động thuyết minh phục vụ khách du lịch.

Hoạt động hướng dẫn, thuyết minh giúp sản phẩm du lịch được hoàn chỉnh và chất lượng hơn.

Gần đây nhất, tại buổi khai giảng lớp nghiệp vụ thuyết minh viên năm 2017, bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL đã đề cập đến thực trạng phát triển đội ngũ HDV, TMV trên địa bàn tỉnh. Bà Vương Thị Hải Yến chỉ rõ, hiện nay đội ngũ HDV, TMV trên địa bàn tỉnh không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Về chất lượng, trình độ chuyên môn của một số HDV, TMV chưa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách, biểu hiện ở nội dung thông tin thuyết minh còn sơ sài, không phong phú, hấp dẫn; kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn của các TMV còn hạn chế, nhất là giọng nói và phong cách hướng dẫn. Đáng chú ý đó là một bộ phận không nhỏ TMV không biết ngoại ngữ hoặc sử dụng chưa được tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch.

Theo con số thống kê của Sở VH,TT&DL đến hết tháng 6/2017, toàn tỉnh chỉ có khoảng 70 TMV và hơn 270 HDV được cấp thẻ (hơn 220 HDV nội địa và 50 HDV quốc tế). Trong đó có 4 HDV trình độ thạc sỹ, 180 HDV trình độ đại học, còn lại là trình độ cao đẳng và trung cấp.

Trước thực trạng trên, năm 2013, Sở VH,TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3173/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”. Theo đó, hàng năm Sở đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, đồng thời cấp trang thiết bị phục vụ công tác thuyết minh tại các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thuyết minh. Đồng thời chỉ đạo thanh tra ngành tăng cường kiểm tra các khu, điểm du lịch trong việc chấp hành Luật Du lịch về công tác sử dụng HDV, TMV. Ngoài ra, ban quản lý các khu, điểm du lịch hầu hết cũng đã xây dựng và triển khai quy chế tuyển dụng TMV phù hợp với đặc thù của đơn vị mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt quan tâm đến chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này.

Có thể khẳng định rằng, nhờ có hoạt động hướng dẫn, thuyết minh mà sản phẩm du lịch tại mỗi điểm đến được hoàn chỉnh, chất lượng hơn trong lòng du khách. Với một tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch như Thanh Hóa cần thiết phải xây dựng được đội ngũ HDV, TMV chuyên nghiệp, được chứng nhận đạt trình độ nghề theo Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam; đảm bảo về số lượng, hợp lý về cơ cấu.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]