(vhds.baothanhhoa.vn) - ...những ngôi nhà cổ vừa như góp phần khẳng định giá trị truyền thống gia đình, làng xã, vừa là lời nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay biết hướng về nguồn cội, tiếp nối dòng chảy văn hóa, viết tiếp tương lai...

Nếp xưa nhà cổ

...những ngôi nhà cổ vừa như góp phần khẳng định giá trị truyền thống gia đình, làng xã, vừa là lời nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay biết hướng về nguồn cội, tiếp nối dòng chảy văn hóa, viết tiếp tương lai...

Nếp xưa nhà cổVợ chồng ông Lê Văn Hùng, bà Lê Thị Hải gắn bó với nhau dưới nếp nhà cổ.

Trước đây, thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, theo thời gian cùng với nhu cầu, nguyện vọng sửa chữa, nâng cấp của các gia đình, hiện trên địa bàn còn khoảng 6, 7 ngôi nhà lưu giữ được kiến trúc cổ, trong đó có một số ngôi nhà đã tồn tại hơn 100 năm. Giữa nhịp sống hiện đại, sức sống những ngôi nhà cổ vừa như góp phần khẳng định giá trị truyền thống gia đình, làng xã, vừa là lời nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay biết hướng về nguồn cội, tiếp nối dòng chảy văn hóa, viết tiếp tương lai...

Ở ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, vợ chồng ông Lê Văn Hùng, bà Lê Thị Hải (tiểu khu 13, thị trấn Thiệu Hóa) đon đả rót nước mời khách. Bà là cán bộ y tế về nghỉ hưu, ông là cựu thanh niên xung phong. Ở cái ngưỡng thất thập cổ lai hy, bà Hải có phần trẻ hơn so với tuổi, từng điệu bộ, cử chỉ nhẹ nhàng, nói chuyện có duyên lại có khiếu văn nghệ. Nhìn người đàn bà ấy, ít ai biết được rằng, từ lâu bà vẫn luôn là “chỗ dựa” cho chồng. Sức khỏe của ông Hùng không được tốt nên mọi sinh hoạt thường nhật đều cần có vợ chăm sóc.

Giữa không gian sân vườn thoáng mát, rợp bóng cây xanh cùng ngôi nhà vẫn vẹn nguyên kiến trúc cổ xưa, cuộc sống của đôi vợ chồng như những thước phim ngược dòng thời gian. Bà Hải tâm sự: “Khi tôi lấy ông Hùng thì ngôi nhà đã có nguyên trạng như thế này rồi. Theo lời các cụ kể lại, ngôi nhà đã có lịch sử hơn 100 năm, gia đình chúng tôi là đời thứ 4 sinh sống dưới nếp nhà này”.

Thắp nén hương, chắp tay vái lạy trước bàn thờ gia tiên xong, bà Hải nói: “Với cuộc sống xưa kia, để gây dựng được ngôi nhà khang trang như thế này là nỗ lực, cố gắng làm lụng, vun vén của cha ông chúng tôi”.

Chuyện xưa, chuyện nay dưới mái nhà cổ, bên ly nước chè xanh khiến chủ nhà và những vị khách tạm quên đi cái nắng. Bà Hải kể: "Các cụ nhà tôi trước kia cũng gọi là có của ăn của để, sống có tâm có đức, có nhiều đóng góp cho làng xã. Được thừa hưởng thành quả như thế này, với cương vị là người con dâu như tôi thực sự rất biết ơn các cụ".

Nếp xưa nhà cổBên trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Lê Doãn Tùng.

Được biết, ngôi nhà có kết cấu 5 gian chính và 2 chái nhỏ bên cạnh với vật liệu chủ yếu là gỗ lim. Hệ thống cửa gồm các mảng gỗ nhỏ xếp đặt cạnh nhau tuy đơn giản nhưng mang đến cảm giác tiện lợi, gần gũi. Nhiều chi tiết hoa văn chạm khắc tỉ mỉ, công phu góp phần làm nên nét tinh tế, độc đáo cho ngôi nhà.

Mang theo tâm trạng háo hức được ngắm nhìn những ngôi nhà cổ đã “sống” nhiều hơn tuổi đời của mình, chúng tôi tìm đến tư gia của gia đình ông Lê Doãn Tùng (76 tuổi, tiểu khu 13, thị trấn Thiệu Hóa). Mặc dù đã qua sửa chữa, tôn tạo, nhưng ngôi nhà vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ. Những hồi ức, kỷ niệm về năm tháng đã qua dưới mái nhà ấy vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi thành viên trong gia đình. Cả cuộc đời ông Tùng gắn bó với ngôi nhà, những dấu mốc quan trọng nhất của đời người cũng lưu dấu tại nơi này. Thời trai trẻ, ông theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Ngày trở về với thương tật mang theo, cũng chính dưới mái nhà ấy ông từng bước xây dựng cuộc sống của riêng mình.

Tập tễnh bước đi, ông Tùng nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi những nét độc đáo nhất trong ngôi nhà mình: “Ngôi nhà có kết cấu 3 gian, 2 chái, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ lim, do bàn tay tài hoa của những người thợ Đạt Tài, Hoằng Hóa làm”. Điểm đắt giá nhất của ngôi nhà là những họa tiết hoa văn chạm khắc ở kẻ hiên, bẩy với các chủ đề quen thuộc như: tùng - cúc - trúc - mai, họa tiết lá cách điệu... Nổi bật ở khu vực thờ tự trong ngôi nhà cổ là khám thờ bằng gỗ tinh xảo đến từng chi tiết. Ông Tùng cho biết: “Vào thời điểm còn nhiều thiếu khó, từng có một số người lặn lội tìm đến nhà đặt vấn đề mua lại khám thờ, kẻ hiên, bẩy có họa tiết chạm khắc với giá 500 triệu đồng nhưng gia đình chúng tôi từ chối”.

Nếp xưa nhà cổHoa văn trang trí đẹp mắt còn lưu giữ được trong ngôi nhà cổ của ông Lê Doãn Tùng. Ảnh: Tương Thảo

Theo thời gian, giữa nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, trong đó những ngôi nhà cổ cũng không là ngoại lệ. Bởi vậy, lắng nghe câu chuyện các thế hệ gia đình ông Lê Văn Hùng, bà Lê Thị Hải hay ông Lê Doãn Tùng, chúng ta càng thêm trân trọng, yêu mến. Cả khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, lúc đã sung túc, đủ đầy hơn, họ vẫn nhất quán quan điểm bảo tồn và phát huy ngôi nhà cổ như gìn giữ, tiếp nối mạch nguồn văn hóa, truyền thống gia đình. Từ trong gia phong, khuôn phép ấy, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia trưởng thành, không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến sức mình xây dựng quê hương, đất nước.

Nếp xưa nhà cổ - đó không đơn thuần là địa chỉ sinh hoạt của một gia đình nào đó. Ẩn hiện trong màu thời gian, trong từng hồi ức, kỷ niệm là truyền thống gia đình, giá trị văn hóa - lịch sử quý báu, là linh hồn của làng, xã. Dẫu đi góc bể, chân trời, những ngôi nhà cổ ấy là nơi chốn cháu con sum họp mỗi dịp lễ, tết, là điểm tựa tâm hồn, nẻo về nguồn cội...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]