(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong Bài Ký ở Từ đường họ Ngô, Hoàng giáp Lễ bộ Thượng thư Hà Tông Huân (người Kim Vực) soạn năm Bảo Thái thứ 8 (1728), được dịch: “Một nhà mà tụ họp được phúc của trời đất/ Một người mà tiêu biểu được cho muôn đời/ Xét cho cùng là do lòng của tạo hóa, khí số thịnh suy không phải bàn nữa/ Nhưng trước hết phải có gốc, giữa phải có nối tiếp, sau mới có sở thành”. Một trong những người tiêu biểu của dòng họ Ngô đó chính là Ngô Kinh, người đất Đồng Phang, Châu Ái, nay là xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Ngô Kinh – từ gia nô trở thành công thần

Trong Bài Ký ở Từ đường họ Ngô, Hoàng giáp Lễ bộ Thượng thư Hà Tông Huân (người Kim Vực) soạn năm Bảo Thái thứ 8 (1728), được dịch: “Một nhà mà tụ họp được phúc của trời đất/ Một người mà tiêu biểu được cho muôn đời/ Xét cho cùng là do lòng của tạo hóa, khí số thịnh suy không phải bàn nữa/ Nhưng trước hết phải có gốc, giữa phải có nối tiếp, sau mới có sở thành”. Một trong những người tiêu biểu của dòng họ Ngô đó chính là Ngô Kinh, người đất Đồng Phang, Châu Ái, nay là xã Định Hòa, huyện Yên Định.

Ngô Kinh – từ gia nô trở thành công thầnPhúc Quang từ đường, nơi thờ thủy tổ dòng họ Ngô trên đất xã Định Hòa (Yên Định).

Theo Phan Huy Chú, Đồng Phang là “kết huyệt của vùng đất đế vương, một dòng suối, một quả núi cũng danh tiếng. Vùng đất có sông Ngọc Chùy, núi Đồng Cổ là tai mắt của nước nhà. Sông thì ứng với thiên hà hợp dòng về Đông Hải. Do non sông vun đúc linh khí nên ngoài bậc vương, công, tướng văn, tướng võ tiếp nhau xuất hiện toàn là những người tinh anh” (Sách Lịch triều hiến chương loại chí).

Từ một làng nông trở thành một làng quý hiển (đất ngoại thích của vua Lê), ngoài sự ưu đãi của thiên nhiên còn có sự nỗ lực của con người. Điều đó không thể không nhắc đến dòng họ Ngô trên mảnh đất này. Đó là Ngô Kinh và các dũng tướng Ngô Từ, Ngô Ký, Ngô Thế, Ngô Lan, những người có công lớn trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh. Dòng họ Ngô càng rạng danh hơn từ khi có Hoàng hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người sinh ra vua Lê Thánh tông...

Đó cũng là lý do mà các trang sử, gia phả của dòng họ Ngô chủ yếu chép từ thế kỷ XV với những câu chuyện về sự ra đời của Ngô Kinh. Rõ nhất có thể là những dòng ghi chép trong gia phả dòng họ Ngô: Ngô Kinh (1350-1437), mười bảy tuổi cha chết, hai mươi hai tuổi mẹ chết, gặp đời sống khó khăn, cơm không đủ no, trong làng có người tên là Lê Đào mách bảo, ở sách Khả Lam có Tù trưởng Lê Khoáng, nhà giàu có tính tình phóng khoáng, hay thương người nên đến đó nương nhờ làm ăn. Ngô Kinh tìm đến, ông bà Lê Khoáng hỏi rõ lai lịch, thương tình nhận làm gia nô.

Nhận thấy đây là chàng trai có tư chất thông minh, lanh lợi hoạt bát, cần cù thẳng thắn, gia đình ông bà Lê Khoáng không chỉ tin dùng, mà còn gả cháu gái Lê Thị Mười cho Ngô Kinh.

Địa chí huyện Yên Định có chép việc, khi Lê Lợi khởi binh, Ngô Từ đã xin ở lại nơi trông coi trại ấp Lam Sơn. Thấy vậy, Lê Lợi rất vừa ý nói: Binh lương hai việc trong lúc gây dựng nước nhà là vô cùng bức thiết. Ông còn khuyên Ngô Từ (con trai của Ngô Kinh): “Nhà ngươi nên ở lại cùng với cha để giữ gìn căn cứ, thu nhận hào kiệt để ta cùng với các tướng chuyên bàn mưu tính kế ra quân là việc hàng đầu. Bên trong lo việc điều binh, bên ngoài bắt kẻ gian nhòm ngó, việc đó ta giao cho cha con khanh đảm nhiệm. Người xưa coi công trạng gìn giữ căn cứ ngang với công đánh giặc”.

Trong khi Lê Lợi cùng các tướng đi đánh giặc, Ngô Kinh, Ngô Từ vừa sản xuất lương thực vừa tuyển quân gửi ra mặt trận, vừa tổ chức phục binh đánh lui nhiều cuộc vây ráp của địch hòng tiêu diệt căn cứ. Tất cả những việc Lê Lợi dặn dò ủy thác, 2 cha con Ngô Kinh đều làm tròn. Năm 1423, tạm thời hòa hoãn với quân Minh, Lê Lợi đem quân về Lam Sơn củng cố, ban thưởng công lao, phong Ngô Kinh làm Kiên tường Hầu, Ngô Từ là Bàng khê Hầu.

Khi thiên hạ được bình định, nhân dịp phong tước cho các công thần Phạm Văn Xảo, Lê Vấn..., Lê Lợi nói với các tướng: ”Các khanh theo Trẫm ra trận được cung cấp đầy đủ lương thực, đó là công của cha con Ngô Kinh, Ngô Từ. Trong khi chưa khởi binh, Ngô Kinh là gia nô của Tiên khảo, Ngô Từ là nô thần của Trẫm... Trẫm và các khanh mưu việc thiên hạ, ẩn náu nơi núi rừng trông nhờ vào cha con Ngô Kinh, Ngô Từ giữ gìn căn cứ địa, cung cấp lương thực, bổ sung lực lượng binh sĩ. Xưa vua Hán Cao Tổ được thiên hạ, quy công cho Tiêu Hà giữ đất Quan Trung, không ngừng cung đốn lương thực là công bậc nhất. Nay cha con Ngô Kinh có công giữ gìn căn cứ, lại có công đánh giặc, xứng đáng được phong Đệ nhất công thần”.

Và vua Lê Lợi đã ban quốc tính, phong Ngô Kinh Hưng quốc Công, Ngô Từ Chương khánh Công. Riêng Ngô Từ được Lê Thái tổ cho lấy họ nhà vua, đổi là Lê Từ. Lê Từ cũng chính là nhân vật mà khi vua Gia Long triều Nguyễn lên ngôi, chọn các Khai quốc công thần lục phong, triều Lê chọn được 15 người, Ngô Từ được chọn xếp vào hàng hai, cho một người con cháu trong dòng trưởng được miễn mọi thứ sưu dịch, lo việc hương khói từ đường.

Chính bởi thế mà các sử gia sau này đều nhận định rằng trong lịch sử triều Hậu Lê, các công thần theo giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành lại độc lập dân tộc, nhưng đau đớn thay, hầu hết đều “điểu tận cung tàn”, không mấy người thoát khỏi vòng ganh tị hiềm nghi và oan trái, riêng dòng họ Ngô, đặc biệt là Ngô Từ trước sau được các đời vua nối nghiệp và triều đình trọng vọng, công lao trọn vẹn cho đến về già.

Những huyền tích về dòng họ Ngô gắn liền với mảnh đất “cha bờ đó, mẹ xó chùa”, “cốc thần giáng sinh”, “mộng hoàng long”, “mộng Kim Đồng” chính là cách đề cao một dòng họ có gốc tích bình dân, trở thành tộc danh ở vùng đất quý, có bậc mẫu nghi thiên hạ và có những người đã chinh chiến từ những ngày khổ ải nơi rừng rú để thắng lợi trước quân xâm lược Minh.

Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao sau khi họ Lê nắm thiên hạ, con cháu họ Ngô lại có được vị thế lớn và rất đáng kể để thực hiện việc tiến thân. Dù công lao của Ngô Kinh không được chép nhiều trong sử sách, song những gì ông để lại cũng đủ cho hậu thế ngợi ca.

Về xã Định Hòa (Yên Định) nay chúng ta vẫn còn được nghe kể lại nhiều câu chuyện về dòng họ Ngô trên đất Đồng Phang xưa. Thắp nén nhang lên bàn thờ ở Phúc Quang từ đường, chúng tôi được ông Ngô Hùng Luận giới thiệu những sắc phong còn được lưu giữ, trong đó có sắc phong niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) và sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 24 (1763).

Tự hào nói về vùng đất Định Hòa, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Định Hòa khẳng định: Là vùng đất cổ nằm bên hai bờ sông Cầu Chày hiền hòa và thơ mộng, Định Hòa có bề dày về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng. Từ vùng đất “công thần ngoại thích”, hun đúc thành truyền thống quý báu để Nhân dân xã Định Hòa với tinh thần anh dũng, xả thân đã đứng lên chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, đến ngày nay tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống tốt đẹp.

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ Dòng họ Ngô ở Đồng Phang, xã Định Hòa, huyện Yên Định của tác giả Ngô Thị Giang).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]