(vhds.baothanhhoa.vn) - Do có công đầu trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống đế quốc Nguyên Mông giành thắng lợi, năm 1258 tướng Lê Tần có tên là Lê Phụ Trần được vua Trần Thái tông phong đất ở vùng A Lãng. Lê Phụ Trần đã đưa dòng họ đến khẩn hoang sinh cơ lập nghiệp và lập làng. A Lãng có nhiều lần đổi tên gọi như Lương Hà, Hà Lưỡng, Hà Lãng rồi Hà Lương. Hà Lương nay là khu phố Hà Lương, thuộc thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc.

Hà Lương – Oai phong đất võ, rạng rỡ đất văn

Do có công đầu trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống đế quốc Nguyên Mông giành thắng lợi, năm 1258 tướng Lê Tần có tên là Lê Phụ Trần được vua Trần Thái tông phong đất ở vùng A Lãng. Lê Phụ Trần đã đưa dòng họ đến khẩn hoang sinh cơ lập nghiệp và lập làng. A Lãng có nhiều lần đổi tên gọi như Lương Hà, Hà Lưỡng, Hà Lãng rồi Hà Lương. Hà Lương nay là khu phố Hà Lương, thuộc thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc.

Hà Lương – Oai phong đất võ, rạng rỡ đất văn

Đình làng Hà Lương.

Lê Phụ Trần là dòng dõi Lê Đại Hành (Lê Hoàn) có con trai là Trần Bình Trọng, có hậu duệ là Trần Khát Chân đều là tướng thời Trần và được nhà vua ban quốc tính (họ Trần).

Trần Khát Chân sinh năm 1370 ở Hà Lãng (tức Hà Lương). Vào cuối thế kỷ XIV, dựa vào quân đội mạnh, nước Chiêm Thành đã nhiều lần xâm chiếm Đại Việt. Mùa đông năm Kỷ Tỵ (1389) vua nước Chiêm Thành là Chế Bồng Nga dẫn đoàn quân hùng mạnh gồm cả thủy, bộ, có cả tượng binh tiến đánh Thanh Hóa. Hồ Quý Ly đã cầm quân đi chống cự nhưng bị thất bại nặng nề. Chế Bồng Nga cùng tướng quân Chiêm Thành là La Ngãi thừa thắng kéo về Thăng Long. Lúc này vào dịp Tết Canh Ngọ, Nhân dân ở kinh thành Thăng Long nhốn nháo phải tản cư về các vùng quê để tránh giặc. Thượng Hoàng Nghệ tông và vua Thuận tông phải xa giá về Hải Đông, kinh thành giao Hồ Quý Ly lo giữ. Trước tình hình đó, tháng 11 năm 1389, Thượng Hoàng sai Trần Khát Chân lúc này được phong Đô tướng đem quân đi chống giặc, ước mong kìm hãm được thế tấn công của giặc. Trần Khát Chân vâng mệnh, lạy tạ đi trong cảnh chia ly, nước mắt tuôn trào. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Khát Chân vâng mệnh, khẳng khái nhỏ nước mắt lạy tạ ra đi. Thượng Hoàng cũng khóc lấy nước mắt tiễn đưa”.

Quân Chiêm Thành lúc này rất mạnh, quân ta mới thua sau đại bại ở Thanh Hóa do Hồ Quý Ly và các tướng Đa Phương, Phạm Khả Vĩnh dẫn đến hoang mang, rối loạn trong quân.

Khát Chân vốn là một bậc tướng dòng dõi nhà binh, mưu trí, dũng cảm. Khi quân tới Hoàng Giang, thấy chỗ này không thể đánh thủy quân, Khát Chân cho lui quân về đóng tại ngã ba sông Luộc. Tháng Giêng năm 1390, Chế Bồng Nga cùng tướng Nguyên Diệu đem theo thuyền nhẹ tiến trước đến sông Luộc để dò xét tình hình, còn đại quân Chiêm tiến theo sau. Khát Chân liền ra lệnh cho tất cả súng lớn, súng nhỏ, tên đều nhất loạt bắn vào thuyền đó. Chế Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm bỏ chạy tan tác. Khát Chân sai Lê Khắc Khiêm đem thủ cấp của Bồng Nga về báo tin thắng trận với Thượng Hoàng. Chiến công này đã có tác dụng đập tan một đội quân xâm lược khá mạnh, đồng thời tránh cho Thăng Long khỏi tai họa bị tàn phá.

Do lập chiến công vang dội, triều đình ban thưởng cho Trần Khát Chân chức Thượng tướng quân (chức võ quan cao thứ hai của nhà Trần) quản lĩnh vệ quân Long Tiệp, ban tước Vũ Tiết quan nội hầu, được ban thái ấp ở Nam kinh thành, tức ấp Cổ Mai (thuộc Hà Nội ngày nay).

Năm 1395, Thượng Hoàng Trần Nghệ tông mất, quyền hành nằm trong tay Hồ Quý Ly. Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây kinh đô mới ở An Tôn (huyện Vĩnh Lộc), sau đó bắt vua Trần Thuận tông dời vào. Tại đây, vua làm lễ nhường ngôi cho con (mới 3 tuổi), tức vua Thiếu Đế.

Năm 1399, Quý Ly cho người giết Trần Thuận tông (cha của Thiếu Đế). Trần Khát Chân cùng Trần Nhật Đôn, Trần Hương, Hà Đức Lân... tổ chức cuộc mưu sát Hồ Quý Ly, chẳng may việc bị lộ, Trần Khát Chân cùng họ hàng thân thuộc tổng cộng hơn 370 người đều bị giết. Hiện nay, ở Thanh Hóa có nhiều đền thờ Trần Khát Chân. Tại Vĩnh Lộc có đền Đún (Đốn Sơn), đền Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh) được xếp hạng di tích cấp quốc gia, rồi đền Tam Tổng (làng Phương Giai) được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Ở Hà Lãng (Hà Lương) còn có một nhân vật lịch sử có tiếng đó là quan văn Lưu Hưng Hiếu. Theo sách Trạng Nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam ghi: “Lưu Hưng Hiếu (1456 - ?) người xã Lương Hà, huyện Vĩnh Ninh (nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), 26 tuổi đỗ Bảng nhãn khoa Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức 12 (1481) đời Lê Thánh tông. Ông từng đi sứ làm quan đến chức Thượng thư (Bộ trưởng) kiêm Đông các Đại học sĩ Chưởng Hàn lâm viện sự. Trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam triều vua Lê Thánh tông (1460-1497) với hai niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497) giữ một vị trí và vai trò nổi bật tiêu biểu cho một thời kỳ thịnh trị của quốc gia, một thành công lớn trong xây dựng đất nước và phục hưng dân tộc. Cùng với chính sách phát triển kinh tế, khuyến học tiến bộ của Lê Thánh tông, việc học thời bấy giờ đã trở nên quy củ. Thời Lê sơ Thanh Hóa có 51 người đỗ tiến sĩ thì 20 người đỗ dưới thời vua Lê Thánh tông, trong đó có những tên tuổi làm rạng danh quê hương như Lưu Hưng Hiếu.

Dưới thời Lê Thánh tông có một sự kiện văn học đáng chú ý là việc thành lập Hội tao đàn. Năm 1495, niên hiệu Hồng Đức thứ 26, nhân gặp năm được mùa, Nhà vua sáng tác 9 bài thơ hợp thành một tập gọi là Quỳnh uyển cửu ca và tập hợp 28 vị văn thần lại thành lập Hội tao đàn. Hội tao đàn gồm những học sĩ họ Thân, họ Đỗ, họ Ngô, họ Lưu là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Lưu Hưng Hiếu, họ Nguyễn, họ Dương, họ Chu, họ Phạm... Cả thảy 28 người ứng với nhị thập bát tú trên trời. Việc thành lập Hội tao đàn đánh dấu một bước phát triển cao của phong trào sáng tác ở cung đình và có tác dụng thúc đẩy cho phong trào đó càng rầm rộ hơn.

Như vậy Lưu Hưng Hiếu là một trung thần dưới triều Lê sơ – một triều đại cực thịnh của Nhà nước phong kiến. Ông được vua chọn vào “Tao đàn nhị thập bát tú” một tổ chức văn học tiêu biểu nhất của nước ta vào cuối thế kỷ XV do vua Lê Thánh tông lập ra và làm Tao đàn chính nguyên súy. Lưu Hưng Hiếu còn là một người thanh liêm được vua tin dùng và Nhân dân mến mộ. Ông để lại 10 bài thơ chép trong Toàn việt thi lục, gồm thơ họa Quỳnh uyển cửu ca, thơ viếng Quang thục Hoàng thái hậu và viếng vua Lê Thánh tông.

Trong suốt 38 năm ở ngôi Hoàng đế, Lê Thánh tông là một vị vua lỗi lạc, tài ba và anh minh. Ngày 30 tháng Giêng năm 1497, Lê Thánh tông băng hà, thọ 55 tuổi và được chôn vào bên tả Vĩnh Lăng (tức bên tả lăng Lê Thái tổ ở Lam Sơn), gọi là Chiêu Lăng. Con trưởng của Lê Thánh tông tên húy là Tranh lên nối ngôi. Trước là quan bộ lễ tâu xin lập bia khắc minh để tỏ rõ cơ nghiệp của tiên đế cho đời sau, vua cho lời tâu là phải, sai Đông các Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám tế tửu Thân Nhân Trung, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Đàm Văn Lễ và Đông các học sĩ Lưu Hưng Hiếu soạn văn.

Văn bia Chiêu Lăng do Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu cùng soạn đã nói lên được Lê Thánh tông vị hoàng đế anh minh của nước Đại Việt, một con người toàn năng, toàn tâm, toàn ý vì đất nước. Đồng thời văn bia Chiêu Lăng còn là một áng văn tuyệt bút, cho đến nay chưa có ai viết về Lê Thánh tông hay bằng các văn thần Thân Nhân Trung, Đàm Văn Lễ, Lưu Hưng Hiếu.

Lưu Hưng Hiếu vừa là một thầy dạy học nổi tiếng hay chữ, vừa là một quan nhân văn toàn tài, nên được dân làng Hà Lương tôn kính và lập đền thờ, gọi là đền thờ Lưu tiên sinh. Trải qua bao biến cố và thời gian đền thờ Lưu tiên sinh không còn. Hiện tại Bảng nhãn Lưu Hưng Hiếu đang được phối thờ tại đình làng Hà Lương cùng với Thành hoàng làng và Thượng tướng quân Trần Khát Chân. Cụm đình, đền, chùa Hà Lương được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Hà Lương, oai phong đất võ, rạng rỡ đất văn đang được người dân kính trọng, gìn giữ và phát huy.

Bài và ảnh: Lê Khắc Tuế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]