(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng đúng tiêu chuẩn đang là yêu cầu cấp thiết phục vụ phát triển du lịch và xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bởi những công trình phụ này đang là vấn đề chính, làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhà vệ sinh công cộng: Công trình phụ - Vấn đề chính (Bài 1): “Đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh công cộng

Việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng đúng tiêu chuẩn đang là yêu cầu cấp thiết phục vụ phát triển du lịch và xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bởi những công trình phụ này đang là vấn đề chính, làm nảy sinh nhiều chuyện dở khóc dở cười tại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng.

Mức phạt 1 - 3 triệu đồng về hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định theo NĐ 155/NĐ-CP của Chính phủ, đã và đang gây lo lắng cho một bộ phận khách du lịch. Thế nhưng, thực tế hiện nay tại không ít khu, điểm du lịch, làng nghề, danh thắng, bến xe... phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại chưa có nhà vệ sinh công cộng, hoặc có nhưng không đảm bảo chất lượng phục vụ.

Nhà vệ sinh công cộng là một trong những công trình không thể thiếu tại các khu, điểm du lịch hoặc ở các khu vực đông người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay khi du khách đến với một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn phải “cố nhịn” về nơi lưu trú, hoặc một số trạm dừng chân, đổ xăng dầu, thậm chí là giải quyết “nỗi buồn” ngay tại ven đường, gốc cây...

Khu danh thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân) là điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh thường xuyên thu hút lượng du khách khá đông. Mặc dù tại đây đã được đầu tư xây dựng 1 nhà vệ sinh công cộng vào năm 2013, thế nhưng du khách không thể tìm thấy biển chỉ dẫn, và thực tế hiện nay công trình này đã xuống cấp không đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Vân (TP Thanh Hóa) cho biết, đầu năm mới gia đình tổ chức đi lễ chùa, có cả người già và trẻ em, thế nhưng sau quãng đường dài từ TP Thanh Hóa lên tới đền Cửa Đạt thì không tìm thấy nhà vệ sinh để sử dụng. Vì thế, sau khi tham quan trở ra bãi đỗ xe, những gia đình có trẻ em đành để các cháu đi vệ sinh luôn tại chỗ, người lớn thì sau khi lên xe đến điểm khác thì tìm chỗ để “giải quyết” dọc đường.

Một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nhà vệ sinh công cộng hoặc có nhưng không đảm bảo chất lượng phục vụ.

Ngược lên bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) - một trong những điểm du lịch cộng đồng đang thu hút lượng lớn du khách trong những năm gần đây, đặc biệt là khách quốc tế. Hệ thống cơ sở vật chất, đường giao thông khá ổn định. Thế nhưng, cho đến nay, nơi đây vẫn chưa hề có nhà vệ sinh công cộng. Trong khi đó, lượng khách có nhu cầu đi bộ hoặc xe đạp tham quan theo kiểu nối điểm ở đây rất lớn. Bởi vậy, sau một quãng đường dài đi tham quan vòng quanh bản, thậm chí có những đoàn khách lưu trú tại khu vực xã Thành Sơn như bản Báng, bản Kho Mường... khi đến đây “đỏ mắt” vẫn không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng.

Chị Mai Anh, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “chúng tôi nghỉ tại homestay trên thôn Báng, xã Thành Sơn, sau đó đi bộ xuống bản Đôn để tham quan. Do quãng đường đi bộ hơi xa nên tất cả các thành viên trong đoàn đều uống khá nhiều nước, thế nhưng khi đến nơi chúng tôi không tìm thấy nhà vệ sinh công cộng nào, vì vậy mọi người có ghé nhờ khu Pù Luông Retreat và một số home stay của người dân ở đây. Tôi nghĩ là ở đây làm du lịch cộng đồng nên mọi người cũng cởi mở, tuy nhiên rất cần có nhà vệ sinh công cộng để thuận tiện cho du khách khi có nhu cầu sử dụng”.

Thực tế, hiện nay tại 27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, số lượng nhà vệ sinh đảm bảo nhu cầu sử dụng rất hạn chế. Thậm chí, có những huyện đã được đầu tư từ 1 - 7 nhà vệ sinh công cộngnhưng đến nay không còn công trình nào đảm bảo để sử dụng như: Quan Hóa, Thường Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa. Ngoài ra, một số huyện đến nay vẫn ở tình trạng “trắng” nhà vệ sinh công cộng như: Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Lặc và Mường Lát. Đối với các khu du lịch ven biển như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... mặc dù số lượng khách du lịch rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, đa số khách du lịch tại đây là khách lưu trú, các nhu cầu về vệ sinh phát sinh chủ yếu ở nơi lưu trú. Mặt khác, cho đến nay hầu hết các trọng điểm du lịch biển đều đã được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng đảm bảo nhu cầu sử dụng.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 115 nhà vệ sinh đã được xây dựng tại các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng để phục vụ du khách. Trong đó có 40 nhà vệ sinh được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh, 21 nhà vệ sinh từ nguồn ngân sách cấp huyện, 1 nhà vệ sinh được xây dựng từ nguồn vốn phi Chính phủ (FFI), 6 nhà vệ sinh được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách xã, số còn lại được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhìn chung, đến nay hầu hết các điểm đến đều đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên hiện trạng đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ khách du lịch theo Quyết định 255/QĐ-TCDL của Tổng cục Du lịch về ban hành quy định tạm thời về tiêu chuẩn nhà vệ sinh công cộng phục vụ khách du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]