(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng ven biển Thanh Hóa có vị trí chiến lược đối với phát triển KT-XH và AN-QP, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch. Vì vậy, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực này được xem là yếu tố quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành “công nghiệp không khói” tỉnh Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều dự án du lịch ven biển gặp khó

Vùng ven biển Thanh Hóa có vị trí chiến lược đối với phát triển KT-XH và AN-QP, đặc biệt là phát triển kinh tế du lịch. Vì vậy, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai các dự án kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực này được xem là yếu tố quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành “công nghiệp không khói” tỉnh Thanh.

Khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (Quảng Xương) đến nay vẫn còn dang dở sau cả chục năm cấp phép.

Mảnh đất “màu mỡ”

Với kế hoạch và mục tiêu đã đặt ra trong việc phát triển du lịch biển, ven biển, tỉnh Thanh Hóa khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá nhân, doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư, phát triển các khu du lịch mới ở ven biển và ngoài đảo có cơ sở hạ tầng hiện đại, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng và giải trí dài ngày.

Trong đó tập trung phát triển một số khu du lịch, resort đạt tiêu chuẩn quốc tế ở ven biển và ngoài đảo, khách sạn đạt chuẩn 3 - 5 sao, có sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Đồng thời xây dựng thêm các khu du lịch sinh thái, du lịch bãi biển, du lịch giải trí ở một số điểm như cửa Trường Lệ (Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) và vùng phụ cận... Bên cạnh đó, phát triển đa dạng các hình thức du lịch biển và khuyến khích các công ty du lịch liên doanh, liên kết hình thành các tour du lịch kết hợp du lịch biển và du lịch đi biển, ra đảo, các tour du lịch miền Trung, tour du lịch Thanh Hóa đi qua các điểm, các tuyến du lịch vùng ven biển hướng đến phát triển vùng ven biển Thanh Hóa trở thành trung tâm du lịch ven biển và biển đảo tầm cỡ ở khu vực phía Bắc. Theo kế hoạch đến năm 2020, ngoài đô thị du lịch Sầm Sơn, tỉnh sẽ ưu tiên huy động vốn đầu tư xây dựng và phát triển thêm một số khu du lịch như: khu du lịch sinh thái Nghi Sơn, khu du lịch biển Hải Hòa, khu du lịch sinh thái cửa Trường Lệ, khu du lịch sinh thái Hải Tiến...

Cùng với đó, phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ven biển, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch kết hợp với xây dựng, phát triển một số loại hình dịch vụ du lịch cao cấp để hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như sân golf, casino ở các điểm du lịch của vùng và biển đảo, kết hợp loại hình du lịch sinh thái với du lịch nhân văn tham quan di tích văn hóa, lịch sử...

Đến nay, giá trị tài nguyên nổi bật và hầu hết các bãi biển hiện đang khai thác đã xây dựng được thương hiệu từ nhiều năm, hấp dẫn khách du lịch và các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là giao thông trục chính kết nối các khu, điểm du lịch biển với tuyến đường huyết mạch quốc gia, quốc tế được quan tâm tư, đường không, đường biển phát triển khởi sắc, tạo điều kiện cho Thanh Hóa hợp tác, giao lưu và kết nối phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng với cả nước và quốc tế... Bước đầu đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp du lịch có thương hiệu như: FLC, Sungroup, Vingroup, Viettravel, ORG, Flamingo... nghiên cứu đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mang tính định hướng cho cả khu vực ven biển, có sức hút và khả năng cạnh tranh cao.

Nhiều khó khăn

Tính đến nay, khu vực ven biển trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 57 dự án, với tổng giá trị khoảng 67.200 tỷ đồng. Trong đó, phải kể tên một số dự án nổi bật như: Dự án sân golf và khu biệt thự cao cấp FLC, dự án khu quảng trường biển, phố đi bộ TP Sầm Sơn, dự án khu du lịch sinh thái ven sông Đơ, dự án khu vườn đảo hoang và hoài niệm thuộc khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ (TP Sầm Sơn); dự án khu đô thị sinh thái biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương); dự án khu đô thị sinh thái biển Tân Dân (huyện Tĩnh Gia); dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của Sungroup...

Trong những năm qua số lượng các dự án kinh doanh du lịch biển không ngừng gia tăng theo các năm, tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư và hoàn thành dự án theo cam kết còn chậm, gây lãng phí tài nguyên và khó khăn trong công tác quản lý, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của hoạt động du lịch.

Điển hình phải kể đến khu đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang (Quảng Xương). Đến nay, sau cả chục năm được cấp phép đầu tư, giấc mơ về một khu du lịch “đáng sống” dường như vẫn còn “mơ hồ”. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 100,92 ha, thuộc địa giới hành chính các xã: Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Thạch. Đây là khu đô thị du lịch, nghỉ mát, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng, đồng thời là một phần trung tâm dịch vụ công cộng của khu vực và lân cận, được quy hoạch xây dựng một số phân khu chức năng như: Khu dân cư liền kề; khu du lịch sinh thái; khu nhà ở kiểu biệt thự; khu dịch vụ hỗn hợp; quảng trường trung tâm; khu thu mua, bảo quản thủy sản... Thực tế đến nay nhà đầu tư mới chỉ thi công các ki ốt, lát đá đường đi các ki ốt, quảng trường và vài ba điểm kinh doanh dịch vụ, hồ tiên cảnh, khu tắm tráng...

Cùng với đó, phải kể đến một số dự án chậm tiến độ khác như: Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Hòa, du lịch biển Golden coast resort (Tĩnh Gia); dự án biệt thự Hùng Sơn (xã Quảng Hùng, TP Sầm Sơn); khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hoá)...

Theo nhận định của một số ngành chức năng liên quan, thì sự chậm trễ trong triển khai các dự án có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là năng lực chuyên môn và năng lực tài chính, tinh thần trách nhiệm và mong muốn thực sự của nhà đầu tư. Mặt khác, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, mới chỉ tập trung đầu tư dịch vụ lưu trú du lịch, các dịch vụ khác như: vui chơi giải trí, thể thao, mua sắm... chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, do thiếu cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn. Ngoài ra, nguồn nhân lực phục vụ du lịch biển còn hạn chế về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư; môi trường tự nhiên, môi trường xã hội còn bất cập; trình độ quản lý chuyên ngành các cấp còn hạn chế... là những yếu tố tác động không nhỏ tới quyết định đầu tư của các doanh nghiệp.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]