(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch cả nước, từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh Hóa vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá cao. Đây là kết quả của tinh thần vượt khó từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm đổi mới môi trường du lịch và hình ảnh xứ Thanh trong lòng du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đổi mới đột phá của du lịch xứ Thanh

(VH&ĐS) Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch cả nước, từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh Hóa vẫn duy trì mức độ tăng trưởng khá cao. Đây là kết quả của tinh thần vượt khó từ tỉnh đến cơ sở, quyết tâm đổi mới môi trường du lịch và hình ảnh xứ Thanh trong lòng du khách.

Thành tựu đáng mừng

Điểm nhấn đáng kể nhất của Du lịch Thanh Hóa trong hơn 7 tháng của năm 2016 chính là sự đổi mới về môi trường, hình ảnh, đem lại sự mới mẻ cho không chỉ du khách mà cả những người làm du lịch của địa phương. Sầm Sơn chính là điểm nhấn đầu tiên với “sắc áo mới” hoàn toàn, cùng sự “lột xác” mạnh mẽ về hình ảnh lẫn môi trường du lịch của một đô thị du lịch biển hàng đầu của khu vực Bắc Trung Bộ.

Do làm tốt công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ thị xã đến các xã, phường, cùng với việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng du lịch qua việc đầu tư và đưa vào sử dụng một số dự án: Đường Hồ Xuân Hương, đường Trần Nhân Tông; dự án cải tạo không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương... đã làm thay đổi không gian biển theo hướng văn minh, hiện đại, hấp dẫn du khách. Trật tự kinh doanh đi vào nền nếp, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, giá cả hàng hóa niêm yết công khai; chất lượng công tác tuyên truyền, tập huấn nguồn nhân lực được nâng lên, qua đó ý thức, trách nhiệm của người tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến rõ nét,...

Nhờ đó, du khách đến Sầm Sơn trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng đột biến, đạt 2,7 triệu lượt khách, bằng 73,5% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ, doanh thu ước đạt 1.980 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch, tăng 61% so cùng kỳ.

Loại hình du lịch lễ hội ở Thanh Hóa đang trở nên hấp dẫn với du khách (ảnh: Trần Đàm)

Với một huyện miền núi giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, khám phá như Bá Thước cũng có những sự đổi thay mạnh mẽ nhờ vào nỗ lực vượt lên trên những khó khăn thách thức. Bên cạnh việc từng bước cải thiện về giao thông đến Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế hiện nay, huyện Bá Thước cũng có sự cải thiện trong việc kêu gọi đầu tư, cải thiện môi trường du lịch. Khu nghỉ dưỡng cao cấp Pu Luong Retreat được xây dựng và đưa vào sử dụng, phục vụ du khách tại xã Thành Lâm đã góp phần thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch.

Nhiều cơ hội phía trước

Trong 7 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt. Trong đó, 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai thực hiện với tổng vốn trên 1.000 tỷ đồng; 25 dự án đầu tư cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh được đưa vào khai thác với 2.100 phòng với số vốn đầu tư 800 tỷ đồng…Đây là cơ sở để du lịch Thanh Hóa tiếp tục bứt phát phát triển trong những năm tiếp theo.

Cơ sở để bứt phá phát triển du lịch còn ở việc các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và triển khai quy hoạch du lịch như: Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch Thác Voi (Thạch Thành); Quy hoạch chi tiết các điểm du lịch sinh thái Bản Khạn (Trung Thượng, Quan Sơn); Quy hoạch các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 khu du lịch, di tích văn hóa lịch sử khảo cổ Hàm Rồng - Núi Đọ và các danh thắng thuộc vành đai xanh Tây Bắc TP Thanh Hóa…

Ngoài ra, Sở VH,TT&DL cũng đã tham mưu cho tỉnh nhiều kế hoạch, đề án, dự án phát triển du lịch như: “Nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại các huyện miền núi Thanh Hóa”; Chương trình phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020; Đề án khai thác, phát triển du lịch Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ… Sở cũng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ mang tính chiến lược như: Đề án truyền thông du lịch Thanh Hóa đến năm 2020; Chiến lược thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025; Đề án phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Dự án xây dựng hệ thống biển chỉ dẫn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…

Các đề án, dự án nói trên được xem là những định hướng căn bản để Thanh Hóa tập trung nâng cao chất lượng công tác phát triển du lịch. Từ đó, các địa phương, ngành du lịch có đầu tư, chú trọng nâng cao từng bước hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường quảng bá, đặc biệt là cải thiện, nâng tầm môi trường du lịch…

Điểm tích cực nhất đã được ghi nhận từ đầu năm 2016 đến nay đó chính là môi trường và văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh ta đã được cải thiện rõ rệt. Tại các điểm danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch, đã có gần 100 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn được xây dựng, công tác vệ sinh môi trường tại các điểm, khu du lịch được bảo đảm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp và văn minh, gây ấn tượng tốt với du khách. Văn hóa ứng xử với khách du lịch đã có chuyển biến đáng ghi nhận, không còn tình trạng chặt chém, chèo kéo khách; giá cả dịch vụ được niêm yết công khai…

Lượng khách về Sầm Sơn đã tăng đột biến trong mùa hè năm nay. (ảnh: Lê Bá Dũng)

Nhờ đó, lượng khách tới tham quan các điểm, khu du lịch như suối cá thần Cẩm Lương, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu du lịch biển Hải Tiến, Khu di tích Lam Kinh… đều tăng hơn so với cùng kỳ. Nhiều huyện đã bắt đầu áp dụng và triển khai các tour, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú mang tính đặc trưng. Song song với đó là có nhiều chính sách tạo điều kiện để kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Nhờ những cách làm hiệu quả thiết thực, Thanh Hóa đã đón gần 4,9 triệu lượt khách du lịch trong 7 tháng đầu năm 2016, tăng 14,8% so với cùng kỳ, đạt trên 78% kế hoạch năm 2016. Trong đó lượng khách quốc tế đạt 88.000 lượt, tăng 21,7%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.207 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ, đạt 83,3% kế hoạch năm 2016. Đây được xem là những con số đáng mừng đối với du lịch Thanh Hóa trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch cả nước, trong đó lượng khách du lịch đều giảm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]