Nơi lưu giữ giá trị văn hóa người Việt
Trải qua hàng trăm năm tuổi, nhiều ngôi đình cổ trên đất xứ Thanh vẫn trường tồn và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo.
Theo quan niệm, đình làng không chỉ đơn thuần là nơi thờ cúng linh thiêng của cộng đồng, là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian.
Là một trong những ngôi đình làng cổ lớn nhất Thanh Hóa, tọa lạc tại vị trí đắc địa, đình làng Đông Môn, thuộc làng Đông Môn (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc) nằm cách cổng thành phía Đông của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ khoảng 70 m.
Được xây dựng từ thời chúa Trịnh Tùng, trải qua hàng trăm năm với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình làng Đông Môn vẫn giữ được những giá trị văn hóa vốn có của nó.
Đình có kiến trúc gồm 5 gian, 2 chái, cấu trúc 4 mái. Đình trong giáp với đình ngoài tạo nên kết cấu theo kiểu chữ đinh (J). Kết cấu vì kèo của đình rất độc đáo, hai vì giữa chạm trổ cầu kỳ, phía trên kết cấu theo kiểu “giá chiêng, chồng rường”, soi gờ kẻ chỉ. Hai vì có hình đầu rồng được chạm trổ với đường nét tỉ mỉ.
Phần nách của 2 vì được chạm trổ hình tứ linh (long - ly - quy - phượng) với đường nét tinh vi, mềm mại. Một thân kèo gỗ được chạm trổ tứ quý (tùng - cúc - trúc – mai).
Được xây dựng vào thế kỷ thứ XVII, đình làng Đình Trung (xã Hà Yên, nay là xã Yên Dương, huyện Hà Trung) gồm 5 gian (3 gian, 2 chái), với 4 vì kèo được kết cấu theo kiểu “chồng rường kẻ bẩy”. Bộ khung gỗ của đình to, vững chắc bề thế với những mảng chạm khắc nghệ thuật gồm các linh vật, hoa lá… một cách công phu.
Kiến trúc Đình Trung rất cầu kỳ đẹp mắt, những đường nét điêu khắc tỉ mỉ bộ tứ linh và nhiều hình ảnh cây cỏ, hoa lá, ngựa, hươu, gà, phượng... khiến ngôi đình vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa có vẻ đẹp duyên dáng, thể hiện ước vọng của người dân nơi đây về một cuộc sống thanh bình, no đủ.
Hay như đình Phú Điền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18, đây là một ngôi đình cổ mang đậm kiến trúc độc đáo, hiếm có của đồng bằng Bắc bộ. Thành Hoàng được bà con nơi đây tôn thờ chính là bà Triệu Thị Trinh (hay còn gọi là Bà Triệu), một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam.
Đình Phú Điền là một trong những đình làng cổ hiếm hoi được người dân địa phương gìn giữ và bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn. Với nghệ thuật chạm khắc tinh vi, kỹ thuật tinh xảo, bố cục hài hòa, đình gồm 4 hạng mục chính: Nghinh môn, tòa đại đình, tiền đường, hậu cung.
Đình có kiến trúc cầu kỳ đẹp mắt, những đường nét điêu khắc tỉ mỉ bộ tứ linh (long ly quy phượng) và nhiều hình ảnh cây cỏ, hoa lá, ngựa, hươu, gà, phượng... khiến ngôi đình vừa có nét linh thiêng, trang trọng vừa có vẻ đẹp duyên dáng, thể hiện ước vọng của người dân nơi đây về một cuộc sống tươi vui thanh bình, no đủ.
Đình làng không phải là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh duy nhất của người dân xưa. Nó tồn tại song hành với chùa và đền trong một không gian làng xã truyền thống, cùng bổ trợ nhau phát triển. Đây là biểu tượng tâm linh của văn hóa cộng đồng. Tại đây, thường diễn ra các nghi lễ tâm linh: rước sắc, tế lễ, thờ tự...
Đặc biệt, hiện nay có rất nhiều đình làng vẫn còn lưu giữ được các sắc phong cổ có ấn chỉ qua các triều đại phong kiến trong lịch sử. Và đó được xem như báu vật của làng.
Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợi dây gắn bó cộng đồng, biểu tượng quyền lực làng xã xưa, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Đây là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam chung và người dân xứ Thanh nói riêng.
Hoài Thu
{name} - {time}
- 2023-09-25 08:14:00
Du lịch lòng hồ ở Thanh Hóa
- 2023-09-22 07:01:00
Trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưa
- 2022-01-10 08:04:00
Nét xưa sót lại ở làng Cổ Định
Đền nghè Yên Vực bên bờ sông Mã
Mê mẩn “nông trại Đà Lạt” tại huyện Cẩm Thuỷ
Về Định Hải thăm Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình làng Sét
Về Thanh Hóa đi chợ phiên Phố Đoàn
Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm thu hút khách dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2022
Son Bá Mười - đỉnh cao mây ngàn
Phát lộ kiến trúc cổ ở Thành nhà Hồ sau cuộc khai quật lớn nhất lịch sử
Đình Cự Lộc: Di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc
Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút