(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thiên nhiên thật kỳ diệu khi ban tặng cho cuộc đời biết bao cảnh đẹp nên thơ ở những nơi tưởng như con người không bao giờ có thể lần tới được. Một trong những cảnh đẹp ấy là đỉnh Am Các (xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia) - nơi có một diện tích đất bằng phẳng với rất nhiều những điều bí ẩn linh thiêng khiến cho ai đã một lần về đây cũng đều không khỏi vấn vương, nhắc nhớ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Non thiêng Am Các

(VH&ĐS) Thiên nhiên thật kỳ diệu khi ban tặng cho cuộc đời biết bao cảnh đẹp nên thơ ở những nơi tưởng như con người không bao giờ có thể lần tới được. Một trong những cảnh đẹp ấy là đỉnh Am Các (xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia) - nơi có một diện tích đất bằng phẳng với rất nhiều những điều bí ẩn linh thiêng khiến cho ai đã một lần về đây cũng đều không khỏi vấn vương, nhắc nhớ.

Một chiều trên đất Tĩnh Gia, đang chưa biết đi đâu để thay đổi không khí sau những ngày tắm biển Hải Hòa thì tôi được một số người dân buôn bán ven biển giới thiệu về một điểm đến kỳ thú có tên là núi Am Các, cách Hải Hòa ước độ 15km về phía Tây Bắc. Vậy là mặc cho cái nắng chát chao cháy bỏng, chúng tôi quyết định thuê xe ôm để được tận “mục sở thị” cái địa danh mà nhiều người ví đẹp tựa như một bức tranh non bộ. Cũng may là mấy anh xe ôm thông thạo đường đi lối lại nên chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới được chân núi Am Các. Từ đây, con đường lên đỉnh núi mỗi lúc một gập ghềnh khó đi và đôi chỗ còn rất nguy hiểm.

Tại vị trí chùa Thượng, du khách có thể thu vào tầm mắt cả một vùng dân cư rộng lớn của các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Như Thanh.

Đang miên man trước những cảnh vật xung quanh thì tôi được anh xe ôm nhắc đã lên đến chùa Hạ. Đó cũng là lúc tôi nhận một sự khác biệt hoàn toàn so với những gì đã trải qua sau gần 30 phút leo dốc núi. Ở đó, nơi được cho là đỉnh của dãy núi Am Các lại có một diện tích đất rộng lớn bằng phẳng đến kỳ lạ. Càng kỳ lạ hơn, giữa lòng của khu đất đó lại có một cái giếng rất to, màu nước trong vắt dù không có hệ thống lưu thông ra bên ngoài. Cách giếng nước này là một ngôi chùa vừa mới được xây dựng mang tên chùa Hạ.

Đây là một trong những điểm nhấn của dãy núi Am Các. Trên dãy núi này có 3 điểm chùa là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng, gọi chung là chùa Am Các. Tại vị trí chùa Hạ, ngoài chính điện thờ Phật còn có khu nhà phụ trợ để du khách ở xa về có nơi ăn chốn ở. Phía trước khu nhà là một cây khế cao chừng 3m, tán cây có bán kính khoảng 1,5m, nghe các cụ cao tuổi trong xã nói đã có tuổi đời cả trăm năm nhưng chỉ có hoa chứ không có quả. Dưới chân cây khế là một khoảng đất bằng phẳng, kè đá xung quanh rất vững chãi.

Tại đây, nhà chùa đã đặt một chiếc võng khung để khách về có thể nằm đọc sách kinh Phật hoặc nghỉ ngơi ngắm cảnh rừng núi xung quanh và lắng nghe muông chim ca hót. Thanh tịnh là thế nên chẳng trách nhiều người đã không quản ngại đường xa, vất vả để tìm về chốn non thiêng này những mong có được cảm giác bình yên dù là trong những phút giây ngắn ngủi.

Nếu khung cảnh tại đền Hạ đẹp như một bức tranh non bộ thì vị trí tại đền Thượng cách đó chừng 2km lại được ví như là “cổng trời” nơi hạ thế. Từ đây, chúng tôi có thể thu vào tầm mắt cả một vùng Nghi Sơn năng động và phát triển, một Nông Cống xanh bình yên lãng mạn, một Như Thanh đang khởi sắc với rất nhiều các công trình…

Đúng là không gì có thể dễ chịu hơn khi vừa được chiêm ngưỡng cả một khoảng không gian rộng lớn ấy, vừa được hít hà những ngọn gió trong lành, mát rượi tưởng như không ở đâu có thể có được.

Cây khế được cho là có tuổi đời cả trăm tuổi tại vị trí chùa Hạ.

Không chỉ có thế, lên với chùa Thượng, chúng tôi còn được tận mắt ngắm nhìn chiếc chuông nặng tới 2 tấn vừa được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Thanh Hóa đúc tạc vào ngày 28/2/2016 với mong muốn, một khi được đánh, tiếng chuông có thể vang tới một vùng rộng lớn. Bởi theo đạo Phật, như thế cũng có nghĩa là càng có nhiều linh hồn được siêu sinh, siêu thoát, làm người trần cũng tĩnh tâm tịnh độ, loại bỏ được những gian kế, phiền muộn trong lòng.

Hoàng hôn trên đỉnh Am Các thật rạng rỡ. Thế nhưng nhận ra điều đó cũng là lúc chúng tôi phải lên xe xuống núi. Quãng đường xuống núi không thay đổi nhưng có cảm giác như ngắn hơn nhiều so với lúc ban đầu. Tuy nhiên, tôi vẫn kịp ghi lại được nhiều cảnh tuyệt đẹp dưới ánh hoàng hôn muộn, trong đó có hồ Hao Hao nằm uốn mình xung quanh chân núi.Ở độ cao vừa phải nhìn xuống, hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Được biết trong dự án đường cao tốc nối từ Sân bay Sao Vàng tới trung tâm của KKT Nghi Sơn thì tại vị trí hồ Hao Hao tới đây sẽ được xây một cây cầu vượt bắc qua. Lúc đó, Am Các sẽ là điểm dừng chân lý thú để du khách bốn phương có thể vừa tham quan, thưởng ngoạn; vừa dâng hương cầu nguyện cho bản thân và gia đình.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]