Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm 2019; đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt; Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới. Xu hướng phát triển của du lịch thế giới đã và sẽ tiếp tục có những tác động lớn đến du lịch Việt Nam, đó cũng chính là nội dung được đưa ra thảo luận trong hội nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (NCPTDL) mới đây tại Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp xu hướng mới trên thế giới

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo, hoạt động du lịch toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3-4% trong năm 2019; đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn cầu đạt 1,8 tỷ lượt; Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút khách quốc tế lớn thứ 4 trên thế giới. Xu hướng phát triển của du lịch thế giới đã và sẽ tiếp tục có những tác động lớn đến du lịch Việt Nam, đó cũng chính là nội dung được đưa ra thảo luận trong hội nghị của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (NCPTDL) mới đây tại Hà Nội.

Nhiều xu hướng mới

Viện trưởng Viện NCPTDL Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ngành du lịch thế giới đang chứng kiến sự phát triển của nhiều xu hướng du lịch khác nhau: tour tự thiết kế, tour cao cấp, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch giải trí với các thiết bị hiện đại... Khách du lịch có xu hướng quan tâm đến chất lượng trải nghiệm, đặc biệt là các giá trị về văn hóa truyền thống đặc sắc, môi trường sinh thái nguyên sơ. Sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến cho kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy kéo theo dòng khách tự túc ngày càng tăng mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, UNWTO dự báo nhu cầu đi du lịch đang tăng lên ở nhóm đối tượng đã nghỉ hưu do vừa có tiền, vừa có nhiều thời gian. Nhiều nhu cầu mới được hình thành, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, trải nghiệm những tiện nghi hiện đại, du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm; du lịch hàng không, tàu biển phát triển mạnh; du lịch thông minh tác động mạnh đến phương thức quản lý và kinh doanh thông qua việc ứng dụng công nghệ, sử dụng các thiết bị hiện đại và thông tin, dữ liệu toàn cầu. Tiêu dùng du lịch được chuyển hướng từ tiền mặt sang thanh toán thẻ qua việc sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh.

Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn TCDL Nguyễn Thanh Bình cũng cho rằng, du lịch thế giới tăng trưởng vượt bậc đã tác động mạnh mẽ và lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực liên quan của Việt Nam: kích thích đầu tư phát triển hạ tầng, hệ thống sản phẩm, dịch vụ, mạng lưới phân phối; tăng nguồn thu, tăng giá trị xuất khẩu, tạo việc làm... ở khắp các điểm đến. Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã dự báo đến năm 2030 du lịch Việt Nam sẽ đón 47 triệu lượt khách quốc tế, cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng, phòng khách sạn. Bà Nguyễn Thanh Bình nhận định: “Xu hướng này đặt ra nhu cầu đầu tư cơ sở lưu trú mở rộng quy mô, gia tăng số lượng, đa dạng loại hình, tăng cường chất lượng, đẳng cấp. Thay đổi tính chất, loại hình, địa bàn theo xu hướng nhu cầu của khách du lịch thế hệ mới trong thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 mới có thể đạt hiệu quả cao”.

Xu hướng du khách trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống, nguyên bản đang tăng lên.

Trên thực tế, nhiều lĩnh vực khác cũng có xu hướng phát triển. Phó Viện trưởng Viện NCPTDL Đỗ Thị Thanh Hoa cho rằng, điểm đến mới, công nghệ mới, các hình thức vận chuyển hiện đại, sự phát triển của tầng lớp trung lưu trên thế giới... đã có những tác động làm thay đổi du lịch truyền thống, thay đổi cách tạo dựng sản phẩm du lịch. Ngoài ra, theo Giám đốc Toàn Dũng Media Nguyễn Chí Thanh cho rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào du lịch đang có xu hướng phát triển mạnh, tập trung vào tư vấn và dịch vụ khách hàng trực tuyến; xử lý và phân tích dữ liệu để đưa ra chiến lược về giá; thực tế ảo... Tiến sĩ Nguyễn Đức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ thông tin về loại hình du lịch “SAVE Tourism” (Scientific, Academic, Volunteer & Education tourism) gắn với khoa học, học thuật, tình nguyện và giáo dục đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển. Dòng khách này là những người có kinh tế, kiến thức, học thuật, tâm huyết (bao gồm sinh viên tình nguyện) có nhu cầu đóng góp công sức, tiền bạc và trí tuệ cho các điểm đến, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương.

Giải pháp thích ứng

Xu hướng phát triển của du lịch thế giới đang phát triển từng năm. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống của khách du lịch”. Điều này đặt ra yêu cầu các nhà quản lý, các nhà đầu tư cần nhìn nhận và phân tích đúng tình hình; có giải pháp, phương án, xây dựng kế hoạch dài hạn cũng như kế hoạch triển khai cho từng giai đoạn, từng năm và cách vận hành phù hợp để có thể phát triển ngành du lịch phù hợp với xu thế mới.

Bà Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần có giải pháp xây dựng mối liên kết với nhóm người có nhu cầu du lịch, cùng thảo luận ý tưởng, lên kế hoạch cho chuyến đi với khách hàng là cách tiếp cận nhanh nhất đến thành quả. “Việc nắm bắt sớm các xu hướng phát triển luôn rất cần thiết, quyết định sự tồn tại, tăng trưởng và phát triển cho các bên liên quan đến hoạt động du lịch” - Bà Đỗ Thị Thanh Hoa nhận định. Ông Lâm Quang Tùng, Phó Giám đốc VTV live cũng cho rằng khai thác tốt mạng lưới đối tác, người xem truyền hình trên cơ sở thiết lập mô hình kinh doanh dựa trên kết nối với truyền thông hội tụ số, từ đó vừa truyền thông quảng bá, vừa cung cấp thông tin, đồng thời cung cấp dịch vụ cho du khách. TS Nguyễn Văn Lưu - Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch - cũng lưu ý rằng, việc phát triển du lịch thông minh có thể gây mất thăng bằng, tạo nên nguy cơ phá vỡ thị trường lao động du lịch.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương: Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng vừa là xu hướng, vừa là đòi hỏi tất yếu của ngành Du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững... Nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, nguyên bản, các giá trị tự nhiên còn nguyên sơ, hoang dã, giá trị sáng tạo công nghệ cao...

Theo baodulich.net.vn


Theo baodulich.net.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]