(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 5 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Thanh, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt. Tuy nhiên, việc nối tour với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như thu hút khách từ các địa phương trong cả nước vẫn còn khá hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm du lịch đặc sắc này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”

Sau hơn 5 năm chính thức đi vào hoạt động, đến nay sản phẩm du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xứ Thanh, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt. Tuy nhiên, việc nối tour với các khu du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như thu hút khách từ các địa phương trong cả nước vẫn còn khá hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm du lịch đặc sắc này.

Du lịch “Ngược xuôi sông Mã” với nhiều trải nghiệm thú vị, khác biệt.

Mang đến nhiều trải nghiệm khác biệt

Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến dòng sông Mã hào hùng, là nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Bắt nguồn từ những dãy núi cao trên dưới 1.000m, thuộc địa phận tỉnh Điện Biên, sông Mã uốn mình gần 120 km qua đất bạn Lào, trước khi đổ về Thanh Hóa ở Cửa khẩu Tén Tằn, huyện Mường Lát. Cũng bởi đặc điểm dòng sông, với diện tích lưu vực gần 9.000 km2 và có tới 89 phụ lưu, sông Mã là con sông lớn nhất của Thanh Hóa góp phần đem đến cho con người nguồn năng lượng to lớn; bồi đắp nên vùng đồng bằng xứ Thanh rộng lớn và màu mỡ suốt hàng chục thế kỷ.

Xuất phát từ những ưu thế vượt trội đó, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch từ sông Mã, năm 2015, tuyến du lịch đường thuỷ đầu tiên “Ngược xuôi sông Mã” chính thức đi vào hoạt động, do Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng Giao thông Thanh Hóa) đứng ra khai thác. Đến với tuyến du lịch này, du khách không chỉ được thỏa sức ngắm cảnh quan thiên nhiên, nghe thuyết minh viên giới thiệu về những di tích, danh thắng dọc đôi bờ sông Mã, mà trên mỗi chuyến tàu, du khách còn được thưởng thức hò sông Mã, những món ăn đặc trưng của người dân xứ Thanh...

Hiện nay, Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã đã xây dựng một số chương trình cụ thể để du khách có thể lựa chọn như: bến tàu Hoàng Long - chùa Sùng Nghiêm - đền Nghè Yên Vực (Phủ Vàng) - đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long - Tượng đài nữ sinh - Thiền viện Trúc Lâm - đền cô Bơ; hoặc du khách có thể đi trên du thuyền, ngắm danh lam, thắng cảnh đôi bờ sông Mã, thưởng thức những làn điệu dân ca, hò sông Mã và thưởng thức ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh...

Cần được quan tâm kết nối

Du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đến nay không chỉ là sản phẩm du lịch với những trải nghiệm thú vị, khác biệt mà còn hút khách bởi những câu chuyện lịch sử gắn liền với những đổi thay, vận mệnh của vùng đất quê Thanh trong chiều dài lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, tuyến du lịch này vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế, chưa thực sự thu hút được các doanh nghiệp lữ hành lớn trong và ngoài tỉnh tham gia khai thác.

Theo bà Mai Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã, nhằm thu hút và tạo mọi điều kiện cho du khách khi khám phá cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng các bến vào điểm tham quan, trung tâm đón tiếp... Hiện nay, đơn vị đã đầu tư đưa vào vận hành 3 tàu phục vụ du khách (1 tàu 130 chỗ, 1 tàu 100 chỗ và 1 tàu 30 chỗ), với thiết kế hiện đại, nội thất và không gian sang trọng. Tuy nhiên, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” vẫn chưa được đông đảo du khách biết đến. Nguyên nhân một phần do công tác quảng bá, truyền thông chưa thực sự hiệu quả, mặt khác do còn thiếu sự quan tâm, kết nối của các đơn vị lữ hành.

Đại diện Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã cũng đề nghị, để tạo được sức hút đối với du khách cũng như sự quan tâm của các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh, trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của Sở VH,TT&DL, Hiệp hội Du lịch tỉnh, tạo điều kiện kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành ngoại tỉnh xây dựng các tour, tuyến kết nối với tuyến “Ngược xuôi sông Mã”. Có thể nói, khó khăn trong việc kết nối là vấn đề khiến “Ngược xuôi sông Mã” chưa thu hút được du khách. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, để tuyến du lịch này hoạt động hiệu quả hơn, trước hết cần phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, đưa vào các chương trình khảo sát du lịch trọng điểm của tỉnh nhằm tạo ra hiệu ứng lan toả. Đồng thời phải biến sản phẩm du lịch này thành cơ hội cho cả đơn vị cung ứng sản phẩm và doanh nghiệp lữ hành, từ đó kêu gọi sự chung tay phát triển sản phẩm, thông qua các cơ chế và chính sách ưu đãi nhất. Song song với việc khai thác cần có sự đầu tư, tôn tạo, bảo tồn các danh thắng, di tích và các giá trị văn hóa phi vật thể tại các điểm đến trong suốt hành trình của tuyến du lịch sao cho hiệu quả, nhằm làm tăng thêm sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch mới của xứ Thanh.

Việc phát triển tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới tới du khách gần xa, mà còn mở ra cơ hội đầu tư khai thác và phát triển điểm, tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra cho tuyến du lịch này là đánh thức tiềm năng du lịch đường sông, góp phần đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, cải thiện yếu tố mùa vụ của du lịch xứ Thanh, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Do đó, để khai thác có hiệu quả tuyến du lịch này rất cần có sự vào cuộc từ phía Nhà nước và cả doanh nghiệp.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]