(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Quan Hóa nguồn tài nguyên phong phú với 3 khu bảo tồn còn đậm nét hoang sơ: Pù Hu, Pù Luông và Khu bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động. Tất cả tạo nên một tiềm năng du lịch mời gọi du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan Hóa: Điểm đến du lịch tiềm năng

(VH&ĐS) Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Quan Hóa nguồn tài nguyên phong phú với 3 khu bảo tồn còn đậm nét hoang sơ: Pù Hu, Pù Luông và Khu bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động. Tất cả tạo nên một tiềm năng du lịch mời gọi du khách.

Với truyền thống lịch sử lâu đời, Quan Hóa từ xa xưa đã là địa bàn cư trú của nhiều tộc người, qua các cuộc khảo sát, khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di vật của người nguyên thủy như rìu đá, mũi giáo hóa thạch, xương động vật… thuộc thời kỳ đá mới cách đây hàng chục vạn năm, ngoài ra còn tìm thấy một số vật dụng như kiếm đồng, ấm đồng, trống đồng... góp phần tạo nên nét văn hóa rất riêng của mảnh đất này.

Đến Quan Hóa, du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng, dạo bước trong những cánh rừng nguyên sinh, thỏa sức ngắm nhìn núi non trùng điệp, khám phá hệ thống hang động đẹp, độc đáo. Phải kể đến như Hang Phi, hang Co Phày, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na, hang Dùn...

Không chỉ có vậy, du khách cũng có thể đắm mình trong không gian mênh mông sơn thủy hữu tình của hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang, đây là hai hồ tự nhiên nổi tiếng về du lịch sinh thái và thu hút khách du lịch của huyện. Mặc dù còn mang tính hoang sơ, nhưng mỗi khi đến đây, du khách sẽ được tắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, được chèo thuyền, câu cá…

Các công trình thủy điện Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân, Bá Thước 1 mang đến một diện mạo và tiềm năng du lịch mới cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để Quan Hóa phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hạ tầng, dịch vụ, mở ra cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ lòng hồ, nuôi trồng thủy sản, làng nghề.

Bằng sự đa dạng về bản sắc văn hóa, giao thoa các nền văn hóa của đồng bào Thái, Mường, Kinh, Mông, đồng thời cũng là điểm liên kết với văn hóa Tây Bắc, đến với Quan Hóa du khách không chỉ được thưởng thức những sản vật nổi tiếng của địa phương, được du ngoạn trên những ngọn núi, lòng hồ, ngắm cảnh sông Mã và đường 15 gắn với đoàn quân Tây Tiến oai hùng.

Ngoài ra, còn được tham quan các khu danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh chùa Ông – chùa Bà; đền thờ Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban, di tích núi Pù Cọ (gắn liền câu chuyện dân quân bắt Phỉ trong kháng chiến chống Pháp), di tích Pha U Hò, di tích hang Co Phường, xã Phú Lệ (ghi dấu sự hi sinh của các chiến sĩ dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp)…

Bên cạnh đó, Quan Hóa còn là mảnh đất lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da, một trong những mường cổ của người Thái, gắn liền Lò Khằm Ban – vị tướng tài, người anh hùng hào kiệt của quê hương; cùng với xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ... trở thành nét văn hóa đặc trưng được nhiều du khách biết đến.

Những giá trị trên là điều kiện lý tưởng để Quan Hóa phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, tâm linh, tín ngưỡng...

Có thể nói, Quan Hóa là miền đất cổ có từ lâu đời, giàu truyền thống lịch sử văn hóa, trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay Quan Hóa vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng vốn có của vùng. Tuy nhiên, để Quan Hóa trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai đòi hỏi phải có sự đầu tư xây dựng lớn.

Hiện nay toàn huyện có 22 cơ sở lưu trú, với 140 phòng nghỉ, 10 hộ dân phục vụ khách du lịch theo mô hình cộng đồng tại bản Hang, xã Phú Lệ. Thực tế các cơ sở lưu trú ở Quan Hóa chưa được chú trọng đầu tư nhiều, các dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao, chăm sóc sức khỏe và chất lượng phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp.

Cùng với đó là hệ thống giao thông còn nhiều ách tắc, gây khó khăn trong việc hình thành các chuỗi du lịch trong vùng.

Theo kết quả thống kê, cho thấy lượng khách hàng năm đến với Quan Hóa bình quân tăng 5-10%/năm, mặc dù vậy số lượt khách lưu trú ít, chỉ chiếm khoảng 35-40%.

Để phát huy tiềm năng phong phú về các loại hình du lịch tại huyện Quan Hóa, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, của các ngành chức năng.

Trước hết cần có chiến lược phát triển du lịch cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các loại hình du lịch tiềm năng như làng nghề truyền thống: đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần; xây dựng loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… Với những tiềm năng hiện có, hi vọng trong tương lai không xa, Quan Hóa sẽ là điểm đến du lịch lý tưởng cho du khách.

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]