(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi lễ đầu xuân không chỉ là phong tục, tập quán mà từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là dịp người dân, du khách thập phương về với đền, chùa, khu di tích lịch sử để hành hương, chiêm bái, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, một cuộc sống hạnh phúc, an vui và gặp nhiều may mắn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Rộng cửa du lịch văn hoá

Đi lễ đầu xuân không chỉ là phong tục, tập quán mà từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là dịp người dân, du khách thập phương về với đền, chùa, khu di tích lịch sử để hành hương, chiêm bái, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, một cuộc sống hạnh phúc, an vui và gặp nhiều may mắn.

Các điểm du lịch văn hoá đầu xuân trên địa bàn tỉnh thu hút lượng lớn du khách thập phương.

Tập trung vào sản phẩm du lịch văn hoá

Lễ hội truyền thống là nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, là linh hồn của một vùng, một địa phương.

Khảo sát tại các đơn vị lữ hành cho thấy, thị trường du lịch đầu xuân 2020 đang rất sôi động, lượng khách tăng mạnh so với ngày thường, và tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó chủ yếu tập trung vào các chùm tour chiêm bái lễ Phật. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của du khách, nên những tour ấn tượng, có thiết kế, có kịch bản cụ thể, được đông đảo khách hàng lựa chọn nhất.

Tùy vào điều kiện thời gian và nhu cầu du xuân du khách có thể chọn lịch trình ngắn ngày hay dài ngày. Đặc biệt, với nhiều lễ hội diễn ra trong dịp đầu năm mới, như: Hội Xuân Phả, diễn ra vào ngày 10/2 âm lịch (Xuân Trường, Thọ Xuân); Lễ hội rước thần cá diễn ra vào ngày mùng 8 tháng Giêng (bản Lương Ngọc, Cẩm Lương, Cẩm Thủy); Lễ hội Mai An Tiêm diễn ra từ ngày 12 - 14/3 âm lịch tại đền thờ Mai An Tiêm (Nga Sơn); Lễ hội Lê Hoàn (thôn Trung Lập, Xuân Lập, Thọ Xuân) diễn ra từ ngày mùng 7 - 9/3 âm lịch... Theo đó, du lịch nội tỉnh cũng là một trong những lựa chọn của đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách thập phương.

Ngoài ra, theo khảo sát tại một số công ty du lịch lữ hành trên địa bàn Thanh Hóa, trong thời gian này, một số tour du xuân đang thu hút lượng khách lớn như: Thanh Hóa - phủ Giày - chùa Phổ Minh; Thanh Hóa - đền Mẫu - Bái Đính - Tràng An; Thanh Hóa - đền Sòng - đền Bà Chúa Kho - đền Đô; Thanh Hóa - đền Ông Hoàng Bảy - Sa Pa; Thanh Hóa - Yên Tử - Lạng Sơn - đền Mẫu Đồng Đăng; Thanh Hóa - ChùaHương - Yên Tử - đền Cửa Ông...

Cùng với sự sôi động của thị trường trong nước, thị trường du lịch nước ngoài cũng thu hút lượng lớn khách hàng dịp này. Theo bà Phạm Hoài Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle cho biết, có thể nói ngay sau Tết Nguyên đán, phần lớn lượng khách đều đăng ký tour đến các điểm du lịch văn hoá.

Được biết, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trên địa bàn tỉnh trong việc “xuất ngoại” du xuân đầu năm mới, dịp này các doanh nghiệp lữ hành như Vietravel, Vietrantour, Huunghitour, Eagle Travel... đều tung ra mức giá rất tốt, cùng nhiều chương trình tour để du khách lựa chọn.

Cần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách

Nhận định về giá dịch vụ tour dịp đầu xuân Canh Tý 2020, lãnh đạo các doanh nghiệp lữ hành cho biết, so với cùng kỳ năm 2019, chính sách giá năm nay tốt hơn. So với các ngày thường chi phí tour dịp này chỉ tăng 5 - 10%. Tuy nhiên, cùng với chính sách giá tốt, du khách còn có nhu cầu sử dụng dịch vụ, trải nghiệm khi đến tham quan, vãn cảnh tại điểm đến.

Trong khi đó, tại Thanh Hoá hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các di tích lịch sử văn hóa đều có giá trị phục vụ du lịch cao, thu hút lượng lớn du khách thập phương trong dịp đầu xuân năm mới như: Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Lam Kinh (Thọ Xuân), Phủ Na (Như Thanh), Am Tiên (Triệu Sơn), Cửa Đạt (Thường Xuân), khu di tích lịch sử Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cụm di tích Sầm Sơn...

Vấn đề đặt ra là làm sao để sản phẩm du lịch văn hóa trở thành “đặc sản”, buộc khách phải rút ví để trải nghiệm, thì có lẽ chưa điểm đến nào làm được điều đó. Nhiều điểm đến, đặc biệt là các khu, điểm du lịch miền Tây, dù đã cố gắng đưa văn hóa thành trải nghiệm cho du khách, nhưng lại bỏ qua yếu tố cơ sở vật chất, cách thức tổ chức... nên vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

Theo nhận định của một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, nếu du lịch văn hóa xứ Thanh chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên và những giá trị văn hoá đặc sắc nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch, vệ sinh, môi trường... không đáp ứng yêu cầu thì cũng khó hấp dẫn được du khách, đặc biệt là dòng khách cao cấp và không thể thu hút ngoại tệ từ khách quốc tế.

Chính vì vậy, cùng với các giải pháp phát triển ngành công nghiệp không khói, đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó mở ra cơ hội và hướng phát triển thuận lợi cho loại hình du lịch văn hóa.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa tập trung đầu tư một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo, làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa...

Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch văn hóa, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các bảo tàng, nhà hát, thư viện, trung tâm chiếu bóng, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Đồng thời xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

Tuy nhiên, để biến du lịch văn hoá thực sự trở thành thế mạnh của xứ Thanh, thu hút ngày càng đông đảo du khách trong nước và quốc tế thì còn nhiều việc phải làm, nhiều giải pháp cần được tích cực triển khai đồng bộ trong thời gian tới.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]