(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm, những cung phượt phía Tây Thanh Hóa lại sôi động với những chuyến hành trình mang theo hơi ấm, tình thương của những thành viên, các câu lạc bộ (CLB) phượt đến với đồng bào vùng cao.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sôi động những cung phượt miền Tây xứ Thanh

(VH&ĐS) Đến hẹn lại lên, dịp cuối năm, những cung phượt phía Tây Thanh Hóa lại sôi động với những chuyến hành trình mang theo hơi ấm, tình thương của những thành viên, các câu lạc bộ (CLB) phượt đến với đồng bào vùng cao.

Phía Tây xứ Thanh vốn được ví như là “Tây Bắc thu nhỏ” của Tổ quốc, nơi đây không chỉ có cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ, có dòng sông Mã oai hùng... mà còn đó những danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực với những món ăn ngon, lạ, độc đáo của các đồng bào dân tộc,... Anh Lê Kim Sơn - một tay phượt kinh nghiệm của đội phượt Exciter Thanh Hóa cho biết: Những năm trước, anh và các thành viên CLB thường lựa chọn cung phượt phía Tây Bắc của Tổ quốc. Nhưng năm nay, anh và các thành viên CLB hướng tay lái của mình về miền Tây Thanh Hóa. Anh bảo, xứ Thanh mình có nhiều cung đường phượt lý tưởng như Quan Sơn (đi Sơn Thủy đến động Mo Cúng, đi Mường Mìn, cửa khẩu Na Mèo); Bá Thước (đi Pù Luông - Thác Muốn); Mường Lát (có cung phượt Sài Khao - Quang Chiểu - Trung Lý); Thạch Thành (đi hang Con Moong - Thác Mây)... Mỗi chuyến đi phượt của anh cùng các thành viên kéo dài 2 - 3 ngày; có chuyến đi dài lên đến 5 ngày.

Đi phượt không đơn thuần là đi để tìm hiểu về vẻ đẹp quê hương mình, để hiểu hơn về đồng bào các dân tộc mà quan trọng, đi là để chia sẻ những món quà dù rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc. Chuyến đi nào cũng vậy, vì là cán bộ quản lý giáo dục, nên ngoài “con ngựa sắt” mang theo anh cũng vận động trong ngành, vận động bà con lối xóm ủng hộ quần áo ấm, bút sách cho các cháu vùng cao... Anh Sơn nhớ rõ, cách đây 1 tuần, CLB xe đạp 668 của Thanh Hóa (thuộc Ê Mông group) của anh đã phượt bằng xe đạp hơn 200 cây số lên xã vùng cao Trung Hạ, thuộc huyện miền núi Quan Sơn để trao quà cho trẻ em.

Theo anh Sơn thì một trong những cung phượt được xem là hấp dẫn nhất là cung ngược lên huyện Mường Lát đến với những địa danh như Sài Khao, với những “dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời” gắn với Binh đoàn Tây Tiến năm xưa... Để thực hiện cuộc hành trình gần 300 km này, đoàn phượt phải lăn bánh từ lúc 5h sáng tại TP Thanh Hóa, đến Sài Khao cũng vừa lúc trời chạng vạng tối. Tại đây, khách phượt sẽ được nhìn ngắm hoàng hôn ở Sài Khao - vẻ đẹp hoang dại, dịu dàng với những bản làng chênh vênh bên sườn đồi... Ngoài ra, đoàn phượt sẽ được bà con nơi đây tiếp đãi bằng những món ăn đặc trưng như thịt gà luộc chấm hạt mắc khén, rau cải trồng trên những triền đồi, cá sông và gạo nếp nương,...

Niềm đam mê phượt cùng với ý tưởng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng sâu, vùng xa, CLB Exciter Thanh Hoá đã vượt cung đường khó khăn để đến với các bản vùng cao của Thanh Hóa.

Tiếng gà gáy báo hiệu bình minh đến trên rẻo cao. Những bản làng người Mông chìm sâu trong sương mai tinh khiết. Những đồi ngô trùng trùng điệp điệp tạo nên một màu xanh ngút ngàn say mê lòng người. Là một trong những bản làng cao nhất của xứ Thanh, Sài Khao có khí hậu mát mẻ, trong lành, thoáng đãng, vì thế mà nơi đây được ví như một “Đà Lạt của Thanh Hóa”.

Xuôi dòng sông Mã, về thị trấn Mường Lát. Từ thị trấn Mường Lát, những tayphượt có thể tiếp tục di chuyển hơn 20 km để đến với bản Suối Tút của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Suối Tút là bản đồng bào dân tộc Dao ở phía Tây Thanh Hóa. Khi đã đến đây thì cũng đừng quên gặp cụ Phan Văn Xiết - một trong những người con ưu tú của đồng bào dân tộc Dao tình nguyện canh giữ cột mốc G6 đã hơn 20 năm.

Quá trưa, đội phượt sẽ có thể đến với xã Trung Lý, huyện Mường Lát để nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Đến với miền đất còn nhiều nghèo khó, mới thấu hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Cuộc sống dù khó khăn, vất vả nhưng trên môi vẫn luôn nở nụ cười, họ vẫn khuyến khích các con đến trường đi tìm con chữ, chăm chỉ làm lụng không quản nắng mưa.

Tạm biệt cung phượt huyện Mường Lát, đoàn phượt xuôi dòng Mã giang về TP. Thanh Hóa khi phố phường đã lên đèn. Chuyến phượt thực sự ý nghĩa khi đơn thuần không chỉ là chuyến đi du lịch, đi để khám phá, để tìm “thực đơn cho cảm giác” mà qua mỗi chuyến đi còn góp phần tăng thêm hiểu biết xã hội, tăng tình đoàn kết giữa các thành viên CLB... và hơn hết là chia sẻ được phần nào yêu thương, khó khăn vất vả của bà con vùng cao. “Dự định, tháng áp năm, đội phượt sẽ lên đường ngược ngàn miền Tây Thanh Hóa để góp phần nhỏ cho cái tết vùng cao được ấm đầy” - anh Sơn chia sẻ.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]