(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm về xúc tiến, quảng bá, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... việc tăng cường kết nối hàng không tới các thị trường nguồn khách du lịch được xem là giải pháp phát triển đột phá, hướng tới đa dạng hoá nguồn khách chiến lược trong tương lai của du lịch Thanh Hoá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng cường kết nối hàng không tới các thị trường nguồn khách du lịch

Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trọng tâm về xúc tiến, quảng bá, đa dạng hoá sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... việc tăng cường kết nối hàng không tới các thị trường nguồn khách du lịch được xem là giải pháp phát triển đột phá, hướng tới đa dạng hoá nguồn khách chiến lược trong tương lai của du lịch Thanh Hoá.

Tăng cường kết nối hàng không hướng tới việc thu hút nguồn khách du lịch từ các thị trường trọng điểm đến Thanh Hoá.

Cần thiết phải kết nối

Du lịch và hàng không là hai ngành kinh tế luôn có mối liên quan trực tiếp, hỗ trợ cùng phát triển. Các hãng hàng không mở thêm chuyến bay không ngoài mục đích là tạo điều kiện cho du lịch phát triển qua việc mở thêm tour, tuyến, sản phẩm du lịch. Ngược lại, yếu tố tiên quyết khiến các hãng hàng không mở đường bay mới là nhằm kích cầu du lịch phát triển.

Với Thanh Hóa, việc đẩy mạnh kết nối giữa hàng không và du lịch để khai thác những lợi thế của một điểm đến được ví như “Việt Nam thu nhỏ” càng có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là một trong những trọng tâm ưu tiên hàng đầu của các cấp, sở, ngành chức năng của Thanh Hoá thời gian qua nhằm kích cầu “ngành công nghiệp không khói”.

Với những nỗ lực đó, trong trong năm 2019, du lịch Thanh Hóa đón được trên 9,6 triệu lượt khách, tăng 17,0% so với năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 300 nghìn lượt khách, tăng 30,3% so với năm 2018; tổng thu du lịch đạt trên 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 90 triệu USD.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, trong tổng số gần 10 triệu lượt khách đến với Thanh Hóa trong năm qua chỉ có một lượng khách hạn chế đến bằng đường hàng không, thị trường khách chủ yếu vẫn là miền Bắc, miền Trung. Và trong những năm gần đây, nhờ việc kết nối giữa Cảng Hàng không Thọ Xuân tới các trọng điểm du lịch trong cả nước như: TP HCM, Nha Trang, Cần Thơ; đặc biệt, năm 2017, hãng lữ hành Vietravel chính thức khai thác đường bay thẳng từ Thanh Hóa tới Bangkok đã tạo điều kiện thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, mặt khác góp phần quan trọng trong phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung, và là tiền đề để đưa Cảng Hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế trong tương lai.

Dù có mối quan hệ mật thiết như vậy, song thực tế thời gian qua cho thấy “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không vẫn còn nhiều hạn chế, khiến các trọng điểm du lịch của Thanh Hóa chưa được khai thác hết tiềm năng, mặt khác thị trường khách du lịch đến Thanh Hóa chưa thực sự đa dạng.

Hướng tới các thị trường mục tiêu

Từ lợi thế về hạ tầng khi Cảng Hàng không Thọ Xuân đã được điều chỉnh quy hoạch trở thành cảng hàng không quốc tế, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay, dịch vụ mặt đất... nhằm đáp ứng nhu cầu mở đường bay mới hoặc gia tăng tần suất bay từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như trên thế giới tới Thanh Hóa. Việc mở các đường bay thẳng, không phải quá cảnh sẽ giúp du khách thuận tiện hơn khi chọn Thanh Hóa làm điểm đến.

Ngày 5/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 250 về việc thực hiện đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch”. Theo đó, yêu cầu phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đề án; các giải pháp thực hiện đề án về tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch cần thực hiện bằng các hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh; bảo đảm tính khả thi, kế thừa và phát triển các chính sách của tỉnh đã ban hành về khuyến khích, phát triển vận tải hàng không trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025 sẽ xúc tiến để mở mới các đường bay nội địa đến các tỉnh khu vực phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long; mở mới đường bay quốc tế theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; khai trương một số đường bay quốc tế thường xuyên đi khu vực ASEAN và khu vực Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...). Lượng hành khách qua Cảng Hàng không Thọ Xuân đạt 2,5 triệu hành khách/năm. Sau năm 2025, tiếp tục triển khai kế hoạch xúc tiến nhằm mở rộng, khai thác ổn định các đường bay hiện có và mở các đường bay mới; tăng tần suất khai thác; thực hiện các giải pháp để đầu tư, nâng cấp hạ tầng Cảng Hàng không Quốc tế Thọ Xuân nhằm đáp ứng công suất khai thác đạt 5 triệu hành khách/năm theo quy hoạch phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Thọ Xuân đang được UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải triển khai thực hiện.

Có thể nói rằng, mối quan hệ tương hỗ, “cộng sinh” không thể tách rời giữa hàng không và du lịch chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đặc biệt, “cái bắt tay” giữa du lịch và hàng không trong việc xây dựng sản phẩm du lịch chung sẽ góp phần tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho du khách. Có như vậy, Thanh Hóa mới trở thành điểm đến hấp dẫn với đông đảo du khách và du lịch mới có thể thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]