(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, các công cụ trực tuyến tác động tích cực tới nhiều hoạt động du lịch như quảng bá thương hiệu, mua vé, đặt phòng... Điều này đòi hỏi ngành du lịch xứ Thanh phải chủ động bắt kịp để tạo ra những bước phát triển đột phá trong hoạt động du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tạo điều kiện để kinh doanh du lịch trực tuyến tại Thanh Hóa phát triển

Thời gian gần đây, các công cụ trực tuyến tác động tích cực tới nhiều hoạt động du lịch như quảng bá thương hiệu, mua vé, đặt phòng... Điều này đòi hỏi ngành du lịch xứ Thanh phải chủ động bắt kịp để tạo ra những bước phát triển đột phá trong hoạt động du lịch.

Theo báo cáo của Google, năm 2016, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ nhưng tỷ lệ người Việt Nam dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin du lịch cao hơn hẳn người Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ tìm thông tin khách sạn của người Việt Nam là 48% (người Mỹ: 18%); tỷ lệ tìm kiếm thông tin điểm đến của người Việt Nam 42% (người Mỹ: 25%); tìm chuyến bay của người Việt Nam 37% (người Mỹ: 18%). Do đó, Google khẳng định việc tận dụng thế mạnh của di động chính là chìa khóa để thực hiện du lịch trực tuyến thành công. Tuy nhiên, phần lớn công ty du lịch chưa có những trang web có giao dịch thân thiện với điện thoại thông minh, tốc độ truy cập lại chậm dẫn đến đánh mất khả năng thúc đẩy khách mua hàng. Và Thanh Hóa cũng không phải là ngoại lệ.

Bà Vũ Thị Hồng Cúc - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hữu Nghị chia sẻ, mặc dù trong những năm gần đây CNTT phát triển nhanh chóng, cùng với đó là việc ra đời của các ứng dụng hay website phổ biến nhất là TripAdvisor, Traveloka, Booking.com, Agoda.com, Skyscanner.com... Tuy nhiên, thực tế lượng khách đặt phòng, đặt tour tại các công ty dịch vụ du lịch tại Thanh Hóa thông qua các ứng dụng, web du lịch trực tuyến còn rất hạn chế. Chỉ có một bộ phận khách hàng tự book vé máy bay.

Cũng theo bà Cúc, thực tế hầu hết các website của những đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch hàng đầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, chỉ đơn thuần để quảng bá, giới thiệu về dịch vụ, giá cả, điểm đến... chứ chưa tích hợp nhiều chức năng, trong đó có bán và thanh toán trực tuyến. Nguyên nhân một phần do xu hướng kinh doanh du lịch trực tuyến mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, vì thế tỷ lệ du khách ở phân mảng này chưa cao. Hơn nữa, một bộ phận khách hàng cho rằng mạng internet đôi khi có những bất cập, cụ thể như việc đặt phòng, đặt tour ảo, book vé ảo... Vì thế khách hàng vẫn chưa thực sự quan tâm còn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh chưa chú trọng đến vấn đề xây dựng những trang web phù hợp với kinh doanh du lịch online.

Khách du lịch tìm hiểu thông tin về du lịch Thanh Hóa tại Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2018.

Được biết, Luật Du lịch năm 2017 có điều khoản quy định cơ quan quản lý về du lịch phải có nhiệm vụ hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh.

Theo đó, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời tạo thuận lợi cho các bên khi có nhu cầu thông tin về du lịch Thanh Hóa, năm 2017 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã làm tờ trình báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch”. Nội dung của dự án bao gồm: xây dựng hệ thống thông tin, phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh lữ hành và số hóa cơ sở dữ liệu du lịch Thanh Hóa; xây dựng website du lịch thông minh tích hợp công nghệ trải nghiệm thực tế ảo, đặt vé trực tuyến, quản lý vé bằng mã QR và bản đồ số du lịch trên thiết bị di động, đầu tư lắp đặt hệ thống kiosk (trạm thông tin du lịch tự động) tại các khu du lịch trọng điểm; đầu tư hệ thống wifi phủ sóng diện rộng, kết nối internet tại các khu du lịch trọng điểm.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu các hoạt động du lịch. Đồng thời là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước về du lịch, xây dựng chiến lược phát triển và tuyên truyền, quảng bá; thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến du lịch một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, bán và thanh toán trực tuyến với khách hàng. Mặt khác, phục vụ cho các nhà đầu tư nghiên cứu, nắm bắt thông tin về hiện trạng, chất lượng, tiềm năng du lịch, từ đó có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển nâng cao chất lượng du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]