(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hang Bàn Bù một thắng tích đã được xếp hạng. Nơi đây cách đô thị Ngọc Lặc chừng 5 km ngay bên cạnh QL 15C. Vùng đất còn nguyên sơ với núi non trùng điệp, hang động kỳ vĩ và thấm đẫm những câu chuyện về nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thăm Bàn Bù nghe chuyện người xưa!

(VH&ĐS) Hang Bàn Bù một thắng tích đã được xếp hạng. Nơi đây cách đô thị Ngọc Lặc chừng 5 km ngay bên cạnh QL 15C. Vùng đất còn nguyên sơ với núi non trùng điệp, hang động kỳ vĩ và thấm đẫm những câu chuyện về nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc...

Trước khi đề cập đến thắng tích hang Bàn Bù, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, xin được đề cập đôi nét về vùng đất mà đã từ lâu trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây tuy cách xa TP Thanh Hóa, trung tâm kinh tế chính trị của xứ Thanh cả trăm km. Vì, Ngọc Lặc là thị trấn miền núi, được xếp vào loại nhộn nhịp, trù phú và sôi động bậc nhất trong 11 thị trấn của 11 huyện miền núi Thanh Hóa. Ngọc Lặc còn là mảnh đất chứa đựng nhiều câu chuyện hư hư, thực thực về tài nguyên quý hiếm còn ẩn mình trong lòng đất, về những câu chuyện bám rừng, bám bản đánh giặc của người xưa.

Ngọc Lặc là vùng đất giao thoa giữa miền xuôi và miền ngược tỉnh Thanh. Cái tinh túy của trời đất ban cho vùng miền núi được dồn nén xuôi về đến Ngọc Lặc thì dừng lại gặp cái mầu mỡ tốt tươi do biến thiên của địa chất đổ ngược lên. Vì thế, trong dân gian vẫn truyền tụng nhau câu chuyện vùng đất ấy gọi là Ngọc Lạc (viên ngọc quý hiếm khổng lồ của nước Việt) chứ không phải Ngọc Lặc. Vì trong muôn trùng núi đá vôi, rừng nguyên sinh đang giấu trong mình nhiều viên ngọc quý, trong đó có những viên ngọc rất lớn mà nhiều người quả quyết rằng: ở Việt Nam chỉ có huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa mới có.

Chùa Nán trong cụm danh thắng Bàn Bù.

Danh thắng hang Bàn Bù, một trong những thắng tích còn lưu lại những câu chuyện về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc. Cách đô thị Ngọc Lặc không xa, ngay sát Quốc lộ 15C, hang Bàn Bù thuộc làng Ngán, xã Ngọc Khê là một trong những hang động kỳ vĩ, nguyên sơ ở vùng rừng núi phía Tây Thanh Hóa. Hang Bàn Bù có chiều dài trên 6.000m, tiếp giáp với hang Sáng (làng Sáng) và có cửa ngõ thông ra xã vùng cao Thúy Sơn nơi có hang Thung Bứa (làng Đầm). Bàn Bù chứa đựng trong lòng mình vô số nhũ đá, chỗ nhấp nhô như rừng măng, chỗ đụn cao lên như cột đình, chỗ nhũ đá hoa văn như kiến trúc của chùa chiền. Thả hồn tưởng tượng ta sẽ thấy đầy những hình thù kỳ bí, nơi như chú gấu già, chỗ lom khom như hình mẹ gà đang ấp, chỗ nhấp nhô như đàn thiên nga. Rồi, sư tử bắt mồi, chim phượng hoàng đang ngủ, cung cấm nhà vua, kho cơm, núi của, kho bạc, kho vàng... mà bất cứ ai một lần đặt chân tới cũng say đắm ngắm nhìn. Đặc biệt trong lòng hang động với nhiều ngõ ngách luôn có dòng nước trong lành tuôn chảy suốt ngày đêm tạo thành nhiều mặt hồ mi ni soi bóng vô vàn nhũ đá lung linh chạy dài theo hang động.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, khu vực hang Bàn Bù luôn là cứ điểm là nơi ẩn náu, chế tạo vũ khí của quân dân Đại Việt. Đặc biệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, khu vực hang Bàn Bù là một trấn ải quan trọng chống giặc Minh tấn công vào trung khu của cuộc khởi nghĩa. Trong đó, hang Bàn Bù là một địa điểm trú ẩn và tập hợp các binh Mường, suối Bàn Bù là phòng tuyến bên ngoài giúp nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chiến thắng quân Minh mà tiêu biểu là chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào tháng 11 năm 1420 đẩy lùi quân Minh mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, khu vực hang Bàn Bù được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho dân bản tại đây tổ chức ăn mừng chiến thắng vào ngày 18 và 19 tháng giêng hàng năm. Từ đó đến nay lễ hội truyền thống này luôn được tổ chức và ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và hấp dẫn.

Khám phá hang Bàn Bù. (Ảnh: Hồng Nhi)

Cả ngày đưa tôi khám phá hang Bàn Bù và quần thể “Linh sơn Bàn Bù Thiền tự”, Bùi Hồng Nhi, Trưởng phòng VHTT huyện Ngọc Lặc vốn là lính biên phòng người có vài chục năm đi đi lại lại vùng đất này thuộc nằm lòng những sự tích, huyền thoại, ngõ ngách của núi cao rừng dày xung quanh cụm danh thắng này. Bùi Hồng Nhi cho biết: hang Bàn Bù và núi rừng nơi đây xưa kia là địa bàn hoạt động kín đáo của nghĩa quân Lam Sơn. Khi còn non yếu nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đã được rừng núi và hang động cùng với cư dân các Mường đùm bọc, nuôi nấng bảo vệ nghĩa quân thoát khỏi nhiều cuộc vây bắt, càn quét lớn của giặc Minh. Và, cũng chính nơi đây với địa hình hiểm trở đã che giấu nghĩa quân phục kích đánh nhiều trận vang dội làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Không phải ngẫu nhiên mà tên gọi làng Ngán như ngày nay, vì làng này gần cửa hang Bàn Bù, tại đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt của nghĩa quân Lam Sơn làm cho quân địch bạt vía kinh hồn đến độ ngán ngẩm mỗi khi đặt chân đến đất này. Và cái tên làng Ngán có từ thời đó theo dòng chảy của lịch sử đến tận ngày nay. Ngoài những di tích trong “Linh sơn Bàn Bù Thiền tự” vùng đất lịch sử này còn có đền Mường Chẹ- làng Chiềng Quạc thờ Phò Mã và công chúa Lê Hoa, các đền thờ hai cha con tướng quân Lê Hiểm, gia đình Lê Lai, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ...

Năm 2005, hang Bàn Bù đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và được đưa vào quy hoạch tổng thể nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Hiện địa phương này bước đầu đã đầu tư xây dựng, tôn tạo một số hạng mục trước mắt phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng và du lịch sinh thái, mạo hiểm. Để cụm di tích này lung linh tỏa sáng các giá trị vốn có đặc biệt giá trị lịch sử văn hóa và tri ân tiền nhân có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... để quần thể di tích, danh thắng này là điểm đến không thể bỏ qua của du khách gần xa mỗi khi muốn khám phá miền Tây Thanh Hóa.

Cao Ngọ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]