(vhds.baothanhhoa.vn) - So với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước - giữ nước của dân tộc Việt, sự tồn tại của triều đại phong kiến Tiền Lê chỉ kéo dài gần 30 năm. Vậy nhưng, dưới sự trị vì của vua Lê Đại Hành - người sáng lập vương triều thì đó là những năm tháng mà vị thế Đại Cồ Việt được khẳng định. Về thăm Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập (Thọ Xuân) với tấm lòng ngưỡng vọng thành kính, trong không gian thiêng, hậu thế nghe như có tiếng vọng về từ ngàn xưa kể chuyện vua Lê Đại Hành “phá Tống bình Chiêm” vang danh một thuở.

Thăm đền thờ vua Lê Đại Hành nghe kể chuyện “phá Tống bình Chiêm”

So với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước - giữ nước của dân tộc Việt, sự tồn tại của triều đại phong kiến Tiền Lê chỉ kéo dài gần 30 năm. Vậy nhưng, dưới sự trị vì của vua Lê Đại Hành - người sáng lập vương triều thì đó là những năm tháng mà vị thế Đại Cồ Việt được khẳng định. Về thăm Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn xã Xuân Lập (Thọ Xuân) với tấm lòng ngưỡng vọng thành kính, trong không gian thiêng, hậu thế nghe như có tiếng vọng về từ ngàn xưa kể chuyện vua Lê Đại Hành “phá Tống bình Chiêm” vang danh một thuở.

Thăm đền thờ vua Lê Đại Hành nghe kể chuyện “phá Tống bình Chiêm”Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) là nơi để hậu thế bày tỏ lòng biết ơn công đức của vị vua sáng lập nhà Tiền Lê.

Ở vào vùng đất khí thiêng sông núi hợp về, người dân địa phương tin rằng: “Trung Lập (Kẻ Xốp) đứng ở giữa tam Yên và ngũ Phúc, hàm ý làng được cả an và phúc”. Cũng bởi vậy, nơi đây được biết đến là đất quý hương của nhà Tiền Lê - sinh ra cậu bé Lê Hoàn, sau trở thành vua Lê Đại Hành.

Tương truyền, hơn 1.000 năm về trước, làng cổ Trung Lập xã Xuân Lập chứng kiến câu chuyện vô cùng kỳ lạ. Người đàn bà tên Đặng Thị qua thời gian mang thai đã trở dạ ở cồn cây giữa cánh đồng. Sau cơn vượt cạn, người mẹ ấy đã thiếp đi, đến khi tỉnh dậy bỗng giật mình hoảng hốt phát hiện, bên cạnh hài nhi bé nhỏ là hổ đang quỳ. Vậy nhưng, hổ dữ không ăn thịt người, ngược lại, như đang có ý bảo vệ. Khi cậu bé lên 6 tuổi, cả cha và mẹ đều không còn. Trong vùng có viên quan họ Lê nhìn thấy đã nói, tư cách đứa trẻ này người thường không sánh được, đồng thời nhận làm con nuôi, đặt tên Lê Hoàn.

Từ nhỏ, Lê Hoàn đã bộc lộ tư chất thông minh, lại hiếu nghĩa, siêng năng nên được bố mẹ nuôi hết mực thương yêu. Vì thế, khi lớn lên, cậu được bố mẹ nuôi cho xuống học ở lò võ Dương Xá (nay là làng Giàng, TP Thanh Hóa) nổi tiếng khắp nước. Tại đây, Lê Hoàn đã gặp Đinh Liễn, con trai Đinh Bộ Lĩnh. Với khả năng binh pháp thiên phú, võ nghệ cao cường, chàng trai Lê Hoàn đã theo Nam Việt Vương Đinh Liễn ra Cổ Loa làm bộ tướng dưới trướng, khởi đầu con đường binh nghiệp.

Tài thao lược, trí dũng hơn người, Lê Hoàn từng bước khẳng định mình, được vua Đinh Tiên Hoàng trọng dụng, phong đến chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân đội).

Lợi dụng biến cố xảy ra với nhà Đinh, phía Bắc nhà Tống lăm le mưu đồ thôn tính, phía Nam giặc Chiêm Thành quấy phá, vận mệnh đất nước vô cùng nguy nan. Trong tình thế ấy, được sự tín nhiệm của tướng sĩ trên dưới một lòng, Thái hậu Dương Vân Nga đã khoác áo long bào lên vai chàng trai đất Ái Châu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn chính thức lên ngôi vua năm 980, lấy niên hiệu Thiên Phúc. Vốn quen với sa trường khốc liệt, ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã tự mình thân chinh xông pha trận mạc.

Năm 981 nhà Tống sang xâm lược nước ta. Vua Lê Đại Hành đã tự mình làm tướng dẫn binh đi chặn giặc. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư (tập 1, NXB Khoa học Xã hội, 1998): “Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chất đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên”. Sử gia Lê Văn Hưu ngợi ca: “Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi đã yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được”.

Không những vậy, theo An Nam Chí lược (NXB Thuận Hóa, 2002) vua Lê Đại Hành còn khiến nhà Tống ở phương Bắc phải nể sợ, giữ thái độ cầu hòa: “Mùa xuân năm đầu Chí Đạo (995), Chuyển vận sứ Quảng Tây Trương Quan tấu rằng: “Hoàn (Lê Hoàn) cho quân vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu, đánh phá cư dân, cướp bóc lương thực, rồi bỏ đi”; Mùa hạ năm ấy, 5.000 binh Tô Châu dưới quyền chỉ huy của Hoàn vào cướp Lộc Châu, thuộc huyện của Ung Châu... Thái Tông (vua nhà Tống) chú ý yên vỗ cõi xa, chẳng muốn hỏi tội”. Khi sứ nhà Tống qua nước ta, vua Lê Đại Hành vẫn khảng khái: “Xưa đánh cướp Như Hồng chỉ là quân ngoại cảnh mà thôi, Hoàng đế có biết không? Nếu Giao Chỉ làm phản thì chúng tôi vào Quảng Châu trước rồi đánh đến các quận Mân Trung, há chỉ đánh trấn Như Hồng mà thôi đâu”. Trước uy dũng của vị vua nhà Tiền Lê, không những không hỏi tội, vua nhà Tống còn nhiều lần sai sứ mang chiếu thư, đai ngọc, ngựa quý ban. Khi vua Tống sai sứ là Tống Cảo sang phong thêm cho vua Lê Đại Hành hai chữ “Đặc Tiến”: “Vua ra ngoài để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe. Vua cầm cương ngựa cùng đi. Đến cửa Minh Đức vua bưng chế để lên trên điện, không lạy, nói dối là năm vừa rồi đi đánh giặc Man, bị ngã ngựa đau chân. Sau đó bày yến tiệc thết đãi. Vua bảo Cảo rằng sau này có quốc thư thì nên cho giao nhận ở đầu địa giới, khỏi phiền sứ thần đến tận đây nữa”.

Về phía Nam, khi vua Lê Đại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Cảnh sang sứ Chiêm Thành đã bị người Chiêm Thành bắt giữ. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục: “Nhà vua nổi giận, bèn sửa sang thuyền chiến và đồ giáp binh, tự làm tướng đi đánh, chém được tướng nước ấy là Bề Mi Thuế tại trận, bắt được tù binh rất nhiều. Chúa Chàm bỏ chạy. Ta bắt được cung nữ và vàng bạc châu báu kể có hàng vạn... Vừa đầy một năm mới về kinh đô”. Năm Đinh Dậu (997), nước Chiêm Thành cướp nơi biên giới. Nhà vua đi đánh, quân Chiêm thua chạy, mới đem sản vật địa phương sang biếu nhà Tống, nhân tiện dâng biểu, đại ý: “Giao Châu chúng tôi giáp với Chiêm Thành, trong một hai năm nay, Chiêm Thành thường quấy rối miền lân cận, cướp nhà thuế hộ, xâm lấn lương dân; nước tôi thường phải dùng đến binh khí để ngăn cản chúng nên mới đến nỗi trễ nải việc triều cống, thật là trái phép tắc của triều đình. Nhà Tống đáp lại một cách ưu hậu, ban cho đai ngọc, áo giáp và ngựa”.

Dù có quan điểm riêng của người viết sử, song sử thần Ngô Sĩ Liên thời Hậu Lê cũng không thể không dành lời khen ngợi: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.

Nhận xét về công lao của vị vua sáng lập nhà Tiền Lê, nhà bách khoa Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí (tập 2, NXB Khoa học Xã hội năm 1992) đã nhận định: “Vua chống quân Tống, bình nước Chiêm, chốn Hoa Hạ và Man Di đều sợ hãi. Tiếng tăm vua lừng lẫy. Nói về trị nước thì vua để ý việc thường dùng của dân, dốc lòng về quốc chính, trọng nông nghiệp, cẩn thận về biên phòng, quy định pháp lệnh tuyển dân làm lính, đổi đặt châu phủ, chia đặt các phiên trấn, kể cũng cố gắng chăm chỉ lắm”. Còn nhà yêu nước Phan Bội Châu trong cuốn Việt Nam vong quốc sử (NXB Thuận Hóa năm 1996) cũng thẳng thắn quan điểm: “Lê Đại Hành Hoàng Đế đối với nước ta là người đại hiếu tử, bậc Thượng đẳng công thần. Tại sao lại nói thế?... Vì có vua nên nước ta mới còn, không thì đã mất cho Tống rồi. Chữ “hiếu tử” mà tôi gọi cũng chỉ dành cho những người bảo toàn được đất nước, dân nước”.

Không chỉ tài thao lược, đánh trận, trong thời gian trị vì đất nước, vua Lê Đại Hành còn thể hiện tài năng ngoại giao xuất sắc. Với đường lối lúc mềm mỏng, khi cứng rắn, thực, hư tùy cơ ứng biến, khiến cho kẻ thù vừa kính lại kinh, e ngại gây hấn. Ông được xem là người đã đặt nền móng ngoại giao cho nước Việt với các quốc gia lân bang. Tương truyền, nhằm thể hiện sự nể trọng, vua nhà Tống đã tặng vua Lê Đại Hành chiếc đĩa đá trong như tuyết với chữ khắc chìm: “Giang Nam nhất phiến tuyết, trác khí vạn niên trân”, được hiểu là tỉnh Giang Nam có phiến đá trắng như tuyết, làm chiếc đĩa vạn năm trân trọng. Ngày nay, đĩa ngọc trân quý vẫn được Nhân dân làng Trung Lập giữ gìn cẩn trọng, xem như báu vật của làng. Cùng với đó, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn cũng lưu giữ 9 đạo sắc thời Lê, 5 đạo sắc thời Nguyễn và 3 lệnh chỉ của chúa Trịnh ngợi ca công lao của vua Lê Đại Hành trong lịch sử dân tộc.

Quá khứ khép lại, lịch sử dân tộc cũng đã được viết lên bởi những nốt “thăng, trầm” của thời cuộc. Trân trọng lịch sử, biết ơn tiền nhân. Tháng 3 âm lịch hàng năm, từng dòng người lại nối chân nhau trở về với lễ hội Lê Hoàn (diễn ra từ mùng 7-9 tháng 3) cùng thắp nén tâm hương thành kính tưởng nhớ vị vua sáng lập một vương triều hùng mạnh.

(Bài viết có tham khảo nội dung trong cuốn “Vua Lê Đại Hành và Quê hương Trung Lập”).

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]