(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm mới sản phẩm, hướng về thiên nhiên cộng đồng, tăng tính trải nghiệm cho du khách... là một trong những mục tiêu mà du lịch Thanh Hoá đã và đang hướng tới nhằm thu hút khách sau dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thay đổi để thích ứng

Làm mới sản phẩm, hướng về thiên nhiên cộng đồng, tăng tính trải nghiệm cho du khách... là một trong những mục tiêu mà du lịch Thanh Hoá đã và đang hướng tới nhằm thu hút khách sau dịch Covid-19.

Du khách trải nghiệm múa sạp tại du lịch cộng đồng bản Mạ huyện Thường Xuân.

Làm mới sản phẩm du lịch

Dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Thanh Hoá đã mang đến cho du khách đa dạng sản phẩm du lịch như: du lịch biển, du lịch văn hoá tâm linh, di tích lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng... Tuy nhiên, hậu dịch Covid-19, xu hướng thay đổi hoàn toàn, du khách thường chọn điểm du lịch đảm bảo an toàn, gần gũi với thiên nhiên và có nhiều hoạt động trải nghiệm.

Ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng: Thế mạnh của du lịch Thanh Hoá so với các địa phương lân cận đó là đa dạng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để thu hút khách, cần làm mới sản phẩm. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Gắn với đó là các chương trình hành động về tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách; bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả các sản phẩm thân thiện với môi trường tại các điểm du lịch; giảm áp lực đến di sản, tăng cường bảo vệ giá trị văn hoá truyền thống...

Cũng theo ông Trần Đình Sơn, Thanh Hoá nổi tiếng với sản phẩm du lịch biển, trong đó có nhiều trọng điểm nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hoà... Nếu như trước nay, các đơn vị lữ hành vẫn chỉ khai thác theo hướng đưa khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực. Đôi khi, một bộ phận du khách lại cho đó là sự nhàm chán, trong khi họ vẫn không thể hiểu hết được giá trị điểm đến. Để làm mới sản phẩm du lịch biển, các đơn vị lữ hành có thể nghiên cứu xây dựng tour khám phá cuộc sống, để du khách tham gia vào các hoạt động câu cá, kéo lưới cùng ngư dân, tham quan vùng ven mỗi điểm đến... Qua đó, vừa mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới, vừa khơi gợi được ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống xanh.

Thực tế, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm không phải mới mẻ, nhất là trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của hoạt động du lịch, cùng với đó là những thách thức về biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt như hiện nay. Sau dịch Covid-19 chính là thời điểm thích hợp để du lịch xứ Thanh cơ cấu lại thị trường, làm mới sản phẩm du lịch, phát triển điểm đến theo hướng đảm bảo an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhằm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong tình hình hiện nay.

Đổi mới cách tiếp cận sản phẩm du lịch

Có thể nói rằng, việc đổi mới cách tiếp cận về xây dựng sản phẩm, cũng chính là một trong những giải pháp nhằm làm mới sản phẩm du lịch. Nếu như trước đây, quan điểm về phát triển sản phẩm du lịch là dựa trên tài nguyên và các nhà cung ứng đóng vai trò chủ động thì hiện nay, quan điểm này đang được đổi mới bằng cách tiếp cận dựa trên trải nghiệm của du khách. Trong đó, khách du lịch không còn là những khán giả chỉ biết ngắm nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên, lắng nghe giới thiệu về các giá trị văn hóa, lịch sử mà đã trở thành người nắm vai trò chủ động trong các chuyến đi của mình. Cụ thể, du khách hoàn toàn có thể tham gia sáng tạo ra những trải nghiệm mới, khám phá và tận hưởng hành trình du lịch dựa trên thế mạnh của điểm đến.

Đại diện Vietravel chi nhánh Thanh Hoá cho biết, hiện nay, một bộ phận khách du lịch không bị động vào những sản phẩm du lịch hay hành trình mà đơn vị cung ứng đề ra. Khi đã biết về điểm đến, có kinh nghiệm về du lịch, họ sẽ chủ động đề xuất hành trình, đề xuất sản phẩm du lịch. Theo đó, phía lữ hành chỉ là đơn vị đồng hành, hỗ trợ trong suốt hành trình.

Cũng theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, để mang đến cách tiếp cận mới cho khách du lịch về sản phẩm, mặt khác để họ có thể chủ động, sáng tạo ra những trải nghiệm dựa trên nền tảng điểm đến, các nhà cung ứng không những cần cung cấp đầy đủ thông tin về hành trình, về sản phẩm, dịch vụ của mình mà còn phải khơi gợi sự sáng tạo cho du khách, sự thoải mái và những thông tin đáng tin cậy. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến các yếu tố về tài nguyên du lịch như môi trường, con người, văn hóa, sự kiện... tại khu vực để phục vụ du khách. Ðiều này đòi hỏi các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch, mà trước hết là các đơn vị lữ hành có tầm nhìn vĩ mô, cách làm bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ trong kế hoạch mà cả những hành động cụ thể qua các chương trình trải nghiệm thực tế. Nói như vậy không có nghĩa “gánh nặng” về cách đổi mới trong tiếp cận sản phẩm du lịch đặt hết lên vai doanh nghiệp, mà cần có sự tham gia từ tất cả các bên liên quan.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]