(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, tương trợ lẫn nhau; giữ gìn được các giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Thị xã Nghi Sơn bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Văn hóa và du lịch có mối quan hệ gắn kết, tương trợ lẫn nhau; giữ gìn được các giá trị văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút lớn với khách du lịch. Mặt khác, hoạt động du lịch cũng là cầu nối hữu hiệu giúp quảng bá, phát huy giá trị di sản, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Thị xã Nghi Sơn bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịchChùa Am Các là một trong những địa điểm được thị xã Nghi Sơn ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

Là mảnh đất có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong đời sống và tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững, thị xã Nghi Sơn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Theo thống kê, trên địa bàn thị xã có 248 di sản văn hóa vật thể, gồm 32 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia, 29 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp tỉnh, 216 địa điểm di tích đã được kiểm kê bảo vệ. Ngoài ra, thị xã còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến lễ hội Quang Trung đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) khóa XXV về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa giai đoạn 2018-2025, xác định: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân là cơ sở quan trọng để khai thác phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, bên cạnh việc bố trí nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, thị xã còn chủ động kêu gọi xã hội hóa trong công tác tu bổ, tôn tạo các di tích, đồng thời tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn. Qua đó làm cơ sở xây dựng các kế hoạch hoạt động nghiệp vụ như xếp hạng, sưu tầm bổ sung hồ sơ tư liệu di tích, tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động phát huy giá trị; gắn kết việc bảo tồn di tích với phát triển du lịch.

Đến nay, thị xã đã phối hợp triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo được 9 di tích gồm: Đền thờ Lương Tuyên Quang, Di tích Phủ Tuế, Đền thờ các tiến sĩ họ Lương, Từ đường họ Nguyễn Hữu, Đền thờ Lê Trương Lôi, Lê Trương Chiến, Đền làng Lê, Đền Khánh Trạch - Chùa Thiên Vương, Đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ, Đền thờ Thần Trấn Đông... Tổng kinh phí đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gần 30 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách Nhà nước là 20,6 tỷ đồng còn lại là các nguồn huy động hợp pháp khác. Song song với đó, thị xã đã triển khai thành lập, kiện toàn ban quản lý di tích; xây dựng quy chế hoạt động, nhằm bảo tồn, phục dựng, chống thất truyền các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Trò diễn nấu cơm thi (xã Hải Nhân); Hát kể nhật trình đường biển; hát khúc, hát trống vả và tín ngưỡng hầu đồng; Lễ hội Cầu Ngư (xã Hải Thanh, Hải Bình). Thị xã cũng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa di sản văn hóa phi vật thể trò diễn nấu cơm thi (xã Hải Nhân) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; biên soạn và xuất bản cuốn di tích và danh thắng thị xã Nghi Sơn...

Cùng với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, thị xã còn phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có để tạo ra những sản phẩm mới về du lịch, góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch sinh thái hồ Hao Hao - chùa Am Các; phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng tại các điểm như: Nghi Sơn - đảo Mê, Hải Hòa, Ninh Hải, Hải Lĩnh, Tân Dân; dự án “Thành phố Nghệ thuật Monaco - Nghi Sơn” với các sản phẩm dịch vụ du lịch độc đáo, mới lạ, như trải nghiệm đường đi xe địa hình ATV với chiều dài hơn 4 km; đua xe “công thức 1 mini” Go-Kart trên đường đua hiện đại; bơi thuyền kayak; tham quan chụp ảnh tại quảng trường nghệ thuật... Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch mới trên địa bàn cũng được xúc tiến, kêu gọi đầu tư, như khu du lịch sinh thái biển phường Tân Dân, phường Hải Lĩnh, phường Ninh Hải, phường Hải Ninh, khu du lịch hồ Hao Hao - chùa Am Các...

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, thời gian tới cấp ủy, chính quyền thị xã Nghi Sơn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp Nhân dân trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; tiếp tục đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể; nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên bảo tồn những giá trị văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch; phấn đấu mục tiêu trong chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch, đến năm 2025 thị xã đón được trên 1 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế đạt 300.000 lượt), doanh thu từ du lịch đạt 1.000 tỷ đồng trở lên...

Bài và ảnh: Gia Bảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]