(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Để trụ vững, các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa buộc phải chủ động, sáng tạo trong kinh doanh để ứng phó với tình hình, cũng như cần thêm “trợ lực” từ phía Nhà nước để vượt qua giai đoạn hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thời cơ vàng thu hút khách nội địa

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ngành du lịch sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Để trụ vững, các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa buộc phải chủ động, sáng tạo trong kinh doanh để ứng phó với tình hình, cũng như cần thêm “trợ lực” từ phía Nhà nước để vượt qua giai đoạn hiện nay.

Mặc dù một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã hoạt động trở lại, song nhu cầu của du khách vẫn còn khá hạn chế.

Nỗ lực vượt khó

Theo thống kê ban đầu của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, từ đầu năm đến cuối tháng 4/2020, các doanh nghiệp lữ hành gần như không có doanh thu, do bị báo hủy tour gần 1.000 đoàn khách với hơn 22.000 người, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Kéo theo đó là hoạt động kinh doanh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở mua sắm, nhà hàng ăn uống, vận tải đều giảm mạnh vào cuối tháng 3 và cả tháng 4; doanh thu của các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch giảm so với cùng kỳ năm ngoái: công suất buồng phòng giảm trên 75%; hội nghị, hội thảo, du lịch MICE giảm trên 85%; dịch vụ kinh doanh nhà hàng ăn uống giảm gần 80%; vận chuyển du lịch giảm 78%.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, đến cuối tháng 4, Thanh Hóa có tới 8 doanh nghiệp lữ hành (chiếm 28%/tổng số doanh nghiệp được cấp phép), gần 500 cơ sở lưu trú (chiếm 53,5%/tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh) đã tạm ngừng hoạt động. Các cơ sở còn lại rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng. Số lao động trong lĩnh vực du lịch phải nghỉ làm không lương khoảng 9.800 người; số lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc tạm nghỉ làm nhưng được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội hoặc 1 phần lương tối thiểu là 12.600 người.

Trong bối cảnh này, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch ở Thanh Hóa đã chủ động tìm cách ứng phó, chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh để cố gắng cầm cự vượt qua đại dịch. Dễ nhận thấy nhất đó là xu hướng kinh doanh online các mặt hàng thiết yếu, bố trí cho nhân viên làm việc tại nhà... Đơn cử như Công ty Du lịch Hành Trình Xanh (phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá), do ảnh hưởng của dịch bệnh nên toàn bộ tour đã bị huỷ, lãnh đạo công ty đã quyết định tập trung vào các hoạt động thiện nguyện như trao tặng khẩu trang, nước rửa tay khô, giải cứu nông sản cho người dân một số địa phương. Trước tình hình người dân hạn chế đi lại trong mùa dịch và thực hiện giãn cách xã hội, nhân viên của đơn vị được huy động để bán hàng, giao hàng tận nơi.

Trên thực tế, dù rất ít doanh nghiệp lữ hành cũng như các lĩnh vực dịch vụ du lịch có thể xoay xở sang hướng kinh doanh khác để đảm bảo nguồn lương, giữ chân lao động, nhưng họ đang cố gắng mở cửa. Có nghĩa họ đang quyết tâm trở lại với nhiều lý do như để nhân viên có việc làm, tạo doanh thu nhằm giảm bớt thiệt hại, hy vọng hòa vốn hoặc may mắn từng bước phục hồi trở lại trong thời gian sớm nhất.

Cần thêm "thuốc trợ lực"

Mặc dù đã rất nỗ lực, sáng tạo, song doanh nghiệp du lịch vẫn cần thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước để “hồi sinh” thị trường du lịch. Trước mắt, cần ưu tiên các hoạt động xúc tiến du lịch, tuyên truyền quảng bá, tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip vào tỉnh để khảo sát, công nhận “Thanh Hoá - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.

Đại diện Khách sạn Sao Mai (TP Thanh Hoá), ông Lê Ngọc Hinh cho rằng: Cùng với việc giảm giá, tiêu chí an toàn cho du khách vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do đó, tỉnh cần có giải pháp đẩy mạnh thực hiện cũng như truyền thông “Thanh Hoá - Điểm đến an toàn”. Đồng thời sớm tiến hành các đoàn khảo sát, đánh giá các điểm đến, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh đáp ứng tiêu chí an toàn, tạo niềm tin cho du khách khi đến với Thanh Hoá. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp mới có thể đưa ra các chương trình kích cầu hấp dẫn, đẩy mạnh việc kết nối tạo ra liên minh kích cầu du lịch với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn trong hoạt động du lịch, vừa qua, UBND TP Sầm Sơn đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố. Tại đây, nhiều ý kiến đại diện của các doanh nghiệp cho rằng, trong giai đoạn hiện nay tất cả các doanh nghiệp đều sẵn sàng chung tay giảm giá kích cầu. Nhưng giảm giá như thế nào cũng cần có sự định hướng, quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, vì chương trình kích cầu chỉ hiệu quả khi có sự tham gia một cách đồng bộ, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị. Do vậy họ đề xuất Nhà nước hỗ trợ miễn, giảm các khoản thuế, phí liên quan đến hoạt động du lịch và dịch vụ, có phương án tính thuế khoán tại các khách sạn, nhà nghỉ phù hợp...

Các cơ sở lưu trú đề xuất UBND TP Sầm Sơn cần xây dựng các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn hơn và phát triển mạnh các chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, công vụ). Với cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, Thanh Hoá hoàn toàn có thể thu hút được dòng khách này. Qua đó còn mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành kinh tế khác như: bất động sản, sản xuất, thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần có sự vào cuộc của các cấp, sở, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh.

Có thể nói rằng, hiện nay, nhu cầu du lịch trong nước của người Việt Nam đang khá lớn. Và trong lúc du lịch quốc tế chưa thể hoạt động trở lại, những địa phương chủ yếu thu hút nguồn khách nội địa lớn như Thanh Hoá, cần xem đây là thời điểm vàng để đẩy mạnh thị trường du lịch trong nước, từng bước khắc phục sự suy giảm về tổng lượng khách, cải thiện tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp du lịch.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn làm nóng thị trường du lịch, đưa Thanh Hoá trở thành điểm đến được du khách quan tâm, trước hết cần vực dậy các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Do đó, việc tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vượt khó cần được xác định là việc làm bức thiết.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]