(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho Thanh Hóa. Bốn lần về thăm xứ Thanh là biết bao ân tình, kỳ vọng… Trở lại địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - Di tích cấp quốc gia trên địa bàn thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), nơi Bác Hồ dừng chân khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947) để chúng ta thêm hiểu hơn những câu chuyện kể về Người.

Thông reo... nhớ ơn Người

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho Thanh Hóa. Bốn lần về thăm xứ Thanh là biết bao ân tình, kỳ vọng… Trở lại địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - Di tích cấp quốc gia trên địa bàn thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn), nơi Bác Hồ dừng chân khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947) để chúng ta thêm hiểu hơn những câu chuyện kể về Người.

Thông reo... nhớ ơn NgườiĐài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông - nơi ghi dấu Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa.

Cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng hơn 5km, Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm tĩnh lặng bên Quốc lộ 47 tấp nập người xe qua lại. Vẫn không gian xanh với 252 bậc đá để lên đài Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi phía Nam khu di tích, cùng sự đồng hành của chị Nguyễn Phương Thúy, nhân viên Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VH,TT,TT&DL) huyện Đông Sơn, chuyện kể về lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa và Bác chọn Rừng Thông lại vang lên. Không phải lần đầu tiên được nghe và với chị Thúy, tôi cũng hiểu trong nhiều năm gắn bó với nơi này, chắc chắn số lần chị giới thiệu cho khách tham quan rất nhiều. Vậy nhưng, sự say sưa ở cả người nói và người nghe là điều rất thật.

Đông Sơn vốn là vùng đất cổ xưa với sự lắng đọng của lớp lớp trầm tích văn hóa qua các thời kỳ. Nơi đây còn được biết đến là trung tâm sở lỵ xứ Thanh (Đông Phố - Trường Xuân) xưa kia. Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm trên dãy Phượng Lĩnh (hay Viện Sơn). Theo truyền thuyết địa phương, nơi cao nhất của dãy núi chính là đầu của con chim phượng hoàng, 2 trái núi nhỏ hai bên là tả phượng dục và hữu phượng dục (tức cánh trái và cánh phải phượng hoàng). Đầu thế kỷ XX (năm 1919) thực dân Pháp đã cho Tây đồn điền đến đây thầu trồng thông. Từ đó, nơi này còn được biết đến với tên gọi Rừng Thông.

Ngày 20-2-1947, chỉ hai tháng sau khi ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Và Rừng Thông đã được Người lựa chọn là nơi gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc bấy giờ. Tại đây, Bác nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... Và tấm bia đá tại Đài tưởng niệm trên đỉnh núi còn khắc ghi lời Bác trong buổi nói chuyện lịch sử ngày hôm ấy: “Đối với Nhân dân: phải nhớ, đoàn thể làm việc cho Nhân dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân, phải tôn kính dân. Phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin, phải thanh khiết…”. Từ lời căn dặn đầy ân tình của Bác, ngọn lửa cách mạng đã được “nhóm” lên sự nhiệt huyết, để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đóng góp tinh thần, vật lực cùng cả nước đi đến ngày toàn thắng, non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

Việc Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên khi cuộc kháng chiến toàn quốc vừa mới diễn ra cũng không phải sự ngẫu nhiên. Đó thực sự là nhãn quan quân sự bậc thầy của Bác. Xứ Thanh đất rộng người đông, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi phát của biết bao vương triều phong kiến trong lịch sử… là điều kiện lý tưởng để nếu cần, hoàn toàn có thể trở thành căn cứ cách mạng thứ hai. Nếu trong “Tuần lễ vàng” và “Quỹ độc lập”, toàn tỉnh Thanh Hóa đã ủng hộ 528 lạng vàng, 84kg bạc, hàng chục tấn đồng thì trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm chống đế quốc Mỹ, sức người, sức của mà hậu phương Thanh Hóa đóng góp cho tiền tuyến để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” rồi ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 nào có thể đong đếm hết…

Với đầy đủ giá trị lưu dấu, năm 1989 Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia, tổng diện tích 24ha. Tưởng niệm nơi ghi dấu Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, năm 1990 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngay khu vực diễn ra sự kiện lịch sử ngày 20-2-1947. Công trình được hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Từ đây, “nơi Rừng Thông con dựng tượng đài Bác” trở thành địa chỉ đỏ để các thế hệ thêm hiểu, thêm trân quý các giá trị truyền thống lịch sử và con người nơi đây.

Nằm trong không gian di tích, dưới chân núi là Nhà bia liệt sĩ được xây dựng năm 2012, nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Tại đây, ghi danh tên tuổi các liệt sĩ của quê hương Đông Sơn đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

Và phòng truyền thống thuộc tổng thể Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông là nơi lưu giữ các hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Đông Sơn. Qua sự thuyết minh của cán bộ chuyên môn, khách tham quan sẽ không chỉ có cái nhìn khái quát, mà còn khắc ghi biết bao câu chuyện nhỏ. Chị Nguyễn Thị Ly, Giám đốc Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Đông Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXIV) về phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, xây dựng con người Đông Sơn năng động - sáng tạo - thân thiện, huyện Đông Sơn luôn quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, đặc biệt là đối với di tích mang nhiều giá trị như địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, để nơi đây thực sự là “địa chỉ đỏ” hấp dẫn không chỉ Nhân dân trong huyện mà còn cả du khách thập phương. Trong những tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng với việc áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch, khu di tích đã đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh”. Nhằm giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, Trung tâm VH,TT,TT&DL huyện Đông Sơn đã phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo thường xuyên tổ chức đưa học sinh ở các trường đến đây học tập, tham quan trong các buổi ngoại khóa. Với cách làm bài bản, thành kính của ban quản lý di tích đã mang đến cho khách tham quan ấn tượng và cảm xúc linh thiêng khi đến nơi này.

Tháng 5 lại về trong những xúc cảm thật đặc biệt khi kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác (19-5-1890 - 19-5-2021), lại âm vang lời ca bài Tháng 5 nhớ Bác: “Nghìn thu dân tộc nhớ ơn Người. Vất vả bôn ba khắp mọi nơi tìm kiếm tự do cho Tổ quốc. Như một vầng dương luôn ngời sáng. Bác đã hy sinh cả cuộc đời cho dân tộc mình mãi mãi tự do…”. Giữa bạt ngàn thông reo của Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, lặng lại cảm xúc của lòng mình ta như nghe được tiếng vọng về của buổi nói chuyện lịch sử hơn 70 năm về trước. Để thêm một lần, xin được tỏ lòng kính trọng và biết ơn với Bác, Người đã dành trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam!

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]