(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Mùa thu về cũng là khi lễ hội trên đất Lam Kinh sắp diễn ra. Du khách thập phương tụ hội về đây thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sĩ thời Lê đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu này về Lam Kinh

(VH&ĐS) Mùa thu về cũng là khi lễ hội trên đất Lam Kinh sắp diễn ra. Du khách thập phương tụ hội về đây thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sĩ thời Lê đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Sẽ là thiếu sót nếu đến với Thanh Hóa vào những ngày này mà không đến thăm Khu di tích lịch sử Lam Kinh - ngôi điện cổ xưa đã gắn liền với những cái tên như Lê Lợi, hội Thề Lũng Nhai, Khởi nghĩa Lam Sơn... của 600 năm về trước. Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay được quy hoạch với tổng diện tích 200 ha, thuộc địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc, cách TP Thanh Hóa hơn 50 km về phía Tây Bắc.

Đến với Lam Kinh, du khách không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bên cạnh những dấu tích cổ xưa như Ngọ Môn, Sân Rồng, Chính Điện, khu Thái Miếu… mà còn được hướng dẫn viên của ban quản lý lần giở những trang sử xưa, nhớ về nguồn cội.

Theo sử sách, ban đầu điện Lam Kinh được xây dựng với quy mô nhỏ, tính chất chủ yếu là khu “Sơn lăng”, nơi an táng, thờ cúng tổ tiên và các vua, hoàng hậu thời Lê Sơ, trong đó có lăng mộ vua Lê Thái Tổ được mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất. Trước lăng vua Lê Thái Tổ còn có 2 hàng tượng người và tượng các con giống tạc bằng đá theo phong cách nghệ thuật đặc trưng nhìn khác hẳn so với các tượng ở các lăng khác tại Lam Kinh. Theo các nhà nghiên cứu, các tượng ở đây đều có niên đại cùng năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433). Nhìn một cách tổng quát, du khách sẽ cảm nhận được khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ thật giản dị, gần gũi mà vẫn tôn nghiêm, trang trọng.

Lễ hội Lam Kinh thu hút đông đảo du khách thập phương.

Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành về Vương triều Hậu Lê, các Hoàng đế, Hoàng hậu, về di tích lịch sử Lam Kinh, nhiều cuộc nghiên cứu khảo cổ học khu trung tâm Lam Kinh đã được triển khai thực hiện, nhằm mục đích xây dựng quy mô kiến trúc, vật liệu xây dựng, trang trí mỹ thuật các công trình xưa phục vụ cho công tác thiết kế, thi công, bảo tồn, phục vụ tôn tạo. Từ đó đến nay, nhiều hạng mục đã được bảo tồn nguyên trạng, chống xuống cấp, nhiều hạng mục di tích đã được phục dựng, phục hồi, tu bổ, dần dần tái hiện phần nào diện mạo trước đây của Lam Kinh.

Ngày nay, tuy các công trình đền đài điện miếu không còn như xưa, nhưng với không gian cảnh quan, nền móng các công trình kiến trúc lăng mộ và nhiều di tích, di vật thời Hậu Lê còn lại, Lam Kinh vẫn là địa chỉ đỏ của nhân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Ông Trịnh Đình Dương - Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh cho biết, hàng năm vào dịp lễ hội Lam Kinh đón trên 500.000 lượt khách. Để đáp ứng yêu cầu của du khách, ngoài việc thuyết minh và hướng dẫn tham quan du lịch theo đúng bài bản một cách linh hoạt, ban quản lý còn mở một trang website để cập nhật các bài viết có nội dung giới thiệu về Lam Kinh và các hoạt động cụ thể ở đây. Bên cạnh đó, đơn vị còn cho xuất bản rộng rãi một số tập sách giới thiệu về khu di tích Lam Kinh.

"Năm nay, để chuẩn bị đón khách về dự lễ hội, cùng với việc khẩn trương hoàn thành khu vực Chính Điện, ban quản lý đặc biệt quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh, nhằm phục vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan" - ông Trịnh Đình Dương cho biết thêm.

Về Lam Kinh, sống giữa không gian lịch sử, tìm hiểu và tận mắt chứng kiến những công trình kiến trúc, những câu chuyện ly kỳ về một thời đã qua, du khách có cảm tưởng như ngược dòng thời gian để tự hào và yêu thắm thiết mảnh đất Việt. Và cũng tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm sâu sắc một điều rằng, lịch sử huy hoàng không chỉ tồn tại trong những trang sách, mà còn hiện hữu rất rõ ràng, tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người con đất Việt chung sức, đồng lòng xây dưng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Hoài Anh

Sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc nhà Minh (1418 - 1428) Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đồng thời cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]