(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Xây dựng thương hiệu điểm đến là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Để làm được điều đó, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những yếu tố tiên quyết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương hiệu du lịch Thanh Hóa, cơ hội và thách thức (Bài 4): Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

(VH&ĐS) Xây dựng thương hiệu điểm đến là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển du lịch. Để làm được điều đó, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng là một trong những yếu tố tiên quyết.

Đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng

Nhu cầu hiện nay của khách du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan, nghỉ ngơi mà họ còn mong muốn được trải nghiệm những dịch vụ du lịch tốt nhất, khám phá những sản phẩm độc đáo nhất. Với tiềm năng tương đối đa dạng, phong phú về tài nguyên tự nhiên và nhân văn cho phép Thanh Hoá phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Căn cứ vào tiềm năng, tài nguyên du lịch và các điều kiện liên quan, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng bao gồm: Tham quan, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí (khu đô thị du lịch Sầm Sơn và các khu, điểm du lịch ven biển khác); tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học (Vườn Quốc gia Bến En, Khu BTTN Pù Luông, Pù Hu); tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hoá, hướng về cội nguồn (các di tích lịch sử văn hoá; di tích lịch sử cách mạng; làng nghề truyền thống; lễ hội và văn hoá các dân tộc thiểu số)...

Sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Quản lý phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH,TT&DL) cho biết: “Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu thị trường du lịch Thanh Hóa, trong đó có thị trường khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa, từ đó xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với nhu cầu của từng thị trường. Đối với thị trường khách quốc tế chủ yếu tập trung vào các sản phẩm du lịch biển, sinh thái, cộng đồng, đặc biệt là du lịch khám phá miền Tây xứ Thanh. Đối với thị trường khách du lịch nội địa sản phẩm hướng tới sẽ là du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng biển cuối tuần, các hoạt động ngoài trời và loại hình du lịch kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao”.

Bước đầu thu hút sự quan tâm của du khách

Theo nội dung Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, vấn đề phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tiếp tục được quan tâm đầu tư các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực... góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, từng bước tạo hiệu ứng tốt đối với khách du lịch. Trong đó, sản phẩm du lịch biển tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa... tiếp tục được mở rộng về quy mô và cải thiện về chất lượng. Đặc biệt, dự án du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC tại Sầm Sơn, dự án đầu tư khuôn viên bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương hoàn thành và đi vào hoạt động đã đem đến một diện mạo du lịch biển hoàn toàn mới cho Sầm Sơn nói riêng và xứ Thanh nói chung.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa tại Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, đền Bà Triệu... và các lễ hội truyền thống quy mô lớn như: Lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu, lễ hội bánh chưng - bánh giầy, lễ hội Cầu Ngư... tiếp tục phát huy thế mạnh phục vụ khách du lịch.

Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư khai thác phát triển và tổ chức công bố sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch đường sông (từ Cửa Hới - TP Sầm Sơn đến Vĩnh Lộc); sản phẩm du lịch cộng đồng sinh thái văn hóa miền núi tại thác Ma Hao (bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh); tuyến du lịch kết nối các điểm đến (Thành Nhà Hồ - Lam Kinh - suối cá Cẩm Lương - Khu BTTN Pù Luông - Vườn Quốc gia Bến En...)... bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.

Cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, trong những năm gần đây, các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đem đến những sản phẩm du lịch đặc trưng để tạo sức hút đối với du khách. Theo đó, dựa trên nhu cầu thực tế của du khách cũng như tiềm năng du lịch của địa phương, các công ty du lịch đã xây dựng chương trình tour đa dạng, phong phú phù hợp với nhiều nhóm khách hàng.

Bà Vũ Thị Hồng Cúc - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Hữu Nghị cho biết: Một trong những sản phẩm du lịch nổi bật của xứ Thanh đó là nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lượng khách hàng đăng ký tour du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái ngày càng có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, để các sản phẩm du lịch đặc trưng tiếp cận gần hơn với du khách trong nước và quốc tế, đối với mỗi loại hình du lịch tỉnh Thanh Hóa cần có những thông tin quảng cáo phù hợp để khách hàng dễ tìm hiểu. Các ấn phẩm quảng cáo du lịch của Thanh Hóa phải có biểu tượng, khẩu hiệu của ngành du lịch.

Để các sản phẩm du lịch đặc trưng phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng thương hiệu du lịch, trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng đã đề cập đến một số vấn đề như: Chiến lược tiếp thị, chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng loại sản phẩm du lịch đặc trưng (đã được xác định), chiến lược phân khúc thị trường theo các yếu tố dân số xã hội học và hình thức đi du lịch.

Hiện nay, mỗi năm xứ Thanh đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Theo đó, việc hình thành và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng không chỉ góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu du lịch mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]