(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đến năm 2030, thương hiệu du lịch Thanh Hóa được biết đến rộng rãi, là một trong những thương hiệu du lịch mạnh trong nước và quốc tế. Đây là mục tiêu mà Thanh Hóa đã đặt ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương hiệu du lịch Thanh Hóa, cơ hội và thách thức (Bài cuối): Xây dựng Thanh Hóa trở thành thương hiệu mạnh

(VH&ĐS) Đến năm 2030, thương hiệu du lịch Thanh Hóa được biết đến rộng rãi, là một trong những thương hiệu du lịch mạnh trong nước và quốc tế. Đây là mục tiêu mà Thanh Hóa đã đặt ra.

Tạo nên thương hiệu từ sự khác biệt

Thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh điểm đến trong nhận thức của các thị trường mục tiêu, thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến so với các điểm đến khác. Theo đó, dựa trên tham chiếu các điểm khác biệt tính lý thương hiệu của điểm đến với các đối thủ, thị trường cạnh tranh như: Ninh Bình, Hạ Long, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng… Thanh Hóa đã tìm ra 4 điểm khác biệt cơ bản đó là: Thanh Hóa là điểm đến đáp ứng đa dạng các nhu cầu du lịch khác nhau của các nhóm du khách khác nhau; Thanh Hóa là điểm đến du lịch ở khu vực miền Bắc, nổi tiếng với du lịch biển Sầm Sơn - bãi biển đẹp nhất miền Bắc; Thanh Hóa là điểm đến du lịch có loại hình du lịch cộng đồng giữ được tính nguyên sơ nhất của văn hóa các dân tộc Bắc Trung Bộ; điểm đến có nhiều di sản có giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn nhất.

Trong đó, điểm đến đáp ứng đa dạng nhất nhu cầu du lịch của các nhóm du khách khác nhau là ý tưởng lớn được lựa chọn. Đây là điểm nổi trội nhất của du lịch Thanh Hóa. Nhờ tính đa dạng về loại hình du lịch nên xứ Thanh được coi là điểm đến dành cho tất cả mọi người. Ý tưởng này bao hàm được các ý tưởng còn lại và tạo sự khác biệt của thương hiệu du lịch; phù hợp với định hướng phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch và thu hút thêm nhiều phân khúc du khách khác nhau.

Đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030” đặt ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, triển khai đồng loạt được các hoạt động xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, thị trường dần ghi nhận những giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Thanh Hóa gắn với các điểm đến du lịch tiêu biểu như bãi biển Sầm Sơn, di sản thế giới Thành Nhà Hồ. Đến năm 2025, thị trường nhận diện rõ về các yếu tố giá trị thương hiệu du lịch Thanh Hóa, các hoạt động truyền thông thương hiệu được triển khai đồng bộ và đều đặn, thị trường quen thuộc với các thương hiệu điểm đến Sầm Sơn, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ. Đồng thời nhận biết rõ thêm về thương hiệu du lịch các điểm Pù Luông, Bến En… Thương hiệu du lịch Thanh Hóa được định vị rõ nét trong thị trường, là địa phương có thương hiệu về du lịch trong vùng Bắc Trung Bộ. Đến năm 2030, thương hiệu du lịch Thanh Hóa được biết đến rộng rãi, là một trong những thương hiệu du lịch mạnh trong nước và quốc tế.

Du khách tham quan Khu di tích Lam Kinh.

Tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu

Đề án “Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn 2030” cũng đã định rõ khung kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, gắn với từng nhóm thị trường mục tiêu cụ thể để tập trung nguồn lực và phát huy hiệu quả các hoạt động quảng bá. Theo đó, các năm 2017 - 2018 là giai đoạn đầu triển khai xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hoá. Do vậy, giai đoạn này tỉnh sẽ tập trung xây dựng nội dung cơ bản về mẫu nhận diện thương hiệu, chỉ dẫn, hướng dẫn áp dụng. Đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử, chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực. Đây là các hoạt động mang tính nền tảng để triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thương hiệu du lịch trong giai đoạn sau. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 2018 đến 2025, thực hiện các hoạt động truyền thông thương hiệu, tuyên truyền nhận thức, tổ chức sự kiện, lễ hội, truyền thông trên các phương tiện để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ về truyền thông thương hiệu du lịch. Giai đoạn 2025 - 2030, tập trung đánh giá lại, rà soát các hoạt động triển khai trong giai đoạn trước để tiếp tục triển khai công tác truyền thông phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường và bối cảnh cạnh tranh.

Về giải pháp, đề án ưu tiên nguồn lực phát triển thương hiệu du lịch, thành lập Quỹ phát triển du lịch và hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp du lịch tham gia công tác phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh sản phẩm dịch vụ gắn liền với các giá trị cốt lõi của thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Định hướng và hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp cùng yêu cầu gắn kết chặt chẽ với thương hiệu du lịch của Thanh Hóa...

Theo bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL: Để xây dựng thành công thương hiệu du lịch xứ Thanh, trong thời gian tới cần xác định giá trị cốt lõi rõ ràng gắn với từng thị trường, đặc biệt chú trọng đến giải pháp về truyền thông thương hiệu. Triển khai công tác truyền thông thương hiệu theo từng chiến dịch và thay đổi cách làm truyền thông, chú trọng đến truyền thông tương tác để nâng cao hiệu quả trong truyền thông thương hiệu. Theo đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Thanh Hóa cần phải tập trung vào 2 yếu tố: Sự nổi trội và cảm xúc. Không chỉ truyền thông uy tín và quảng bá đặc tính của thương hiệu mà quan trọng hơn cả là lấy cảm xúc làm điểm nhấn để thương hiệu mang lại ấn tượng và cảm xúc chạm được đến trái tim du khách.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]