(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa.

Thường Xuân quan tâm phát triển du lịch đi vào chiều sâu

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, huyện Thường Xuân đã có nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa.

Thường Xuân quan tâm phát triển du lịch đi vào chiều sâuBản Mạ - điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thường Xuân - nơi nổi danh trong lịch sử là vùng đất quế ngọc Châu Thường. Nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa gần 60 km, là nơi quần cư sinh tụ của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ trữ tình, huyện Thường Xuân còn nổi tiếng với nền văn hóa lịch sử dày sâu; nơi chứa đựng những di tích, công trình lịch sử tâm linh quan trọng, những phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc anh em.

Nhắc đến Thường Xuân hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới điểm du lịch tâm linh nổi tiếng đó là đền thờ vị sĩ phu yêu nước Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn. Hàng năm, vào dịp tết đến, xuân về, không khí lễ hội tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt diễn ra tưng bừng, rộn rã. Du khách thập phương về dự lễ, là để tưởng nhớ tiền nhân, cũng đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên giao hòa. Ngay gần đó là công trình thủy điện Cửa Đạt hùng vĩ, mặt hồ rộng lên tới 3.300 ha, đáy nước trong xanh in bóng núi non tạo nên khung cảnh vô cùng trầm mặc và hữu tình.

Bên cạnh đó, còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ở thượng nguồn sông Chu - nơi được ví như rừng Amazon của Việt Nam. Với tổng diện tích 63.668 ha, khu bảo tồn có 5.000 ha rừng nguyên sinh, hơn 1.000 loài động, thực vật. Hệ thống thác nước chảy ra từ các đỉnh núi cao đã tạo cho Xuân Liên một vùng sinh thái đẹp, trong lành. Hiện nay, khu bảo tồn đã xác định các tuyến, điểm và đang triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ khai thác, phát triển du lịch sinh thái, gồm: tuyến du lịch sinh thái trên lòng hồ Cửa Đạt gắn với điểm dừng nghỉ chân thưởng thức ẩm thực ở ngã ba Sông Khao; du lịch sinh thái thác Yên, thác Thiên Thủy; du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh và quần thể cây di sản pơmu, samu...

Bên cạnh đó, những bản làng truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Mường - Thái, cùng vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết là tiềm năng to lớn để huyện Thường Xuân phát triển du lịch cộng đồng. Và trên thực tế, hoạt động khai thác du lịch cộng đồng của huyện đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây.

Được biết đến là một trong những điểm sáng của du lịch cộng đồng, bản Mạ - nay là khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân nằm bên dòng sông Chu thơ mộng. Vượt qua cây cầu treo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian yên bình, mộng mơ. Ngoài những nếp nhà sàn, người dân bản Mạ vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Thái như: hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Cùng với đó, nhiều món ăn đặc trưng vùng cao, như: măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng... cũng góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp văn hóa của nơi này. Đến với bản Mạ, là đến với thiên nhiên giao hòa cùng các giá trị đặc sắc, để trải nghiệm và tận hưởng một không gian văn hóa nhiều dấu ấn trong lòng núi đồi hoang sơ. Hiện nay, bản Mạ đang dần trở thành một điểm đến đầy sức hấp dẫn với du khách trong tỉnh và trong nước, bình quân mỗi năm bản đón được từ 5 - 7 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhằm cụ thể hóa đề án và quảng bá du lịch địa phương, đến nay huyện đã tổ chức thành công Tuần lễ văn hóa, thể thao và du lịch huyện Thường Xuân vào các năm 2019 và 2022 (đây là hoạt động thường niên, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các năm 2020, 2021 không tổ chức) với các hoạt động như: lễ mừng cơm mới; đua thuyền rồng, bắn nỏ, kéo co, tung còn nam - nữ... Đến với lễ hội, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất quế ngọc Châu Thường.

Trong những năm gần đây, huyện đã, đang tăng cường các hoạt động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời tiến hành các hoạt động khảo sát điểm đến, tour, tuyến; tham vấn phát triển du lịch; xây dựng chương trình tour và ký kết hợp tác với doanh nghiệp lữ hành. Qua các chương trình khảo sát, đến nay huyện Thường Xuân đã xây dựng 2 tour du lịch trọng điểm gồm: khám phá hồ Cửa Đạt - thác Yên - Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Khu di tích lịch sử Lam Kinh - đền Cửa Đạt - bản Mạ - hồ Cửa Đạt - Nông trại Goldencow.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thường Xuân - Cầm Bá Đứng cho biết: “Thường Xuân là vùng đất đầy tiềm năng du lịch. Song, để nơi đây trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách cần rất nhiều sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành và đặc biệt là những nhà đầu tư. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lợi thế. Hướng tới để du lịch thực sự trở thành đòn bẩy kinh tế - xã hội của huyện trong tương lai không xa”.

Bài và ảnh: Lê Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]