(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã Nga An (huyện Nga Sơn) có cụm di tích danh thắng nổi tiếng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989: Chùa Tiên, Phủ Thông, hồ Đồng Vụa, Phủ Trèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiềm năng du lịch ở Nga An cần được khai thác

Xã Nga An (huyện Nga Sơn) có cụm di tích danh thắng nổi tiếng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989: Chùa Tiên, Phủ Thông, hồ Đồng Vụa, Phủ Trèo.

Chùa Tiên và Hồ Đồng Vụa

Chùa Tiên được xây dựng trên mảnh đất rộng 3,5 ha, cảnh quan đẹp, hấp dẫn và yên tĩnh. Bước chân vào cửa chùa, lòng ta thấy thư thái hơn. Nơi đây có không gian xanh bình yên, sạch sẽ. Những cây nhãn cành lá xum xuê, hoa Đại tỏa mùi hương ngào ngạt và một cánh đồng cây Thèn Én (một loại nguyên liệu để làm hương thắp trong chùa) trải rộng. Di chỉ khảo cổ học chùa Tiên được phát hiện năm 1974. Di chỉ rộng 500m2, tầng văn hoá dày 0m60, tìm thấy gốm thô. Theo truyền thuyết, chùa Tiên gắn liền với động Từ Thức (xã Nga Thiện).

Du khách tham quan chùa Tiên.

Vào rằm tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Tiên được diễn ra. Đây là dịp để phật tử bốn phương về dâng hương kính Phật. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hấp dẫn.

Gần khuôn viên chùa Tiên là hồ Đồng Vụa -một trong những thắng cảnh của đất Nga Sơn. Hồ rộng trên 20 ha, giữa hồ có hình “ông rùa” nổi cao, 4 bên là đồi núi, hồ còn vẻ đẹp hoang sơ, nước hồ sâu đủ để du khách du thuyền vãn cảnh. Một bên là núi, một bên là nước, phong cảnh như hòa quện với nhau, sơn thủy hữu tình. Đặc biệt, hồ có rất nhiều cá, du khách có thể buông cần câu, hưởng thú tiêu dao khi ngắm nhìn những bông sen hồng bung nở.

Hồ Đồng Vụa điểm đến trải nghiệm hấp dẫn.

Phủ Thông

Từ hồ Đồng Vụa về phía tây nam, chỉ cần vượt qua 200m đường núi du khách sẽ đến Phủ Thông nằm trong lòng động. Đây là một động thiên tạo nằm trên vách núi Thông sát Quốc lộ 10. Vòm cửa động rộng khoảng 8 - 10m, cao 9m. Trong lòng động rộng bằng mấy gian nhà, có vách ngăn cửa đi vào phía trong. Đỉnh động có một cửa thông lên trời lấy ánh sáng cho động. Trong động có nhiều hình thù kỳ thú từ nhũ đá, và người dân nơi đây đã xây dựng đền thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Phủ Trèo

Phủ Trèo là nơi in dấu chân người khổng lồ và mộ ông Rùa. Người xưa kể lại rằng: Người khổng lồ gánh đá để xếp thành những ngọn núi khi đến vùng đất này gần biển lớn để ngăn những đợt sóng lớn từ biển vào. Vì phải hoàn thành việc gánh đá, ông khổng lồ đã gánh 2 hòn đá lớn, vết chân in trên đá. Vì quá nặng nên đòn gánh bị gãy, 2 hòn đá văng ra cách chừng 10m. Hiện ở Phủ Trèo vẫn còn 2 hòn đá to, 1 hòn giống mũ “quan văn” và một hòn giống mũ “quan võ” nên gọi là núi văn, núi võ... Còn mộ ông Rùa tương truyền: Ngày xưa ở hồ Đồng Vụa (chùa Tiên) Rùa tu đã chính quả. Từ hồ Đồng Vụa rùa leo lên núi theo đường Trèo. Đến đỉnh đường Trèo thì tịch. Người dân thấy lạ nên chôn cất ông Rùa chu đáo. Người qua lại mỗi người một hòn đá, người nắm đất, người bẻ cây sống đời đắp lên lâu thành mộ to. Điều kì lạ sau hôm ông Rùa mất thì có mưa to, gió lớn và nhiều gỗ, tre trôi về gần mộ ông Rùa, nhân dân cho là điềm lành nên dựng đền thờ, sau đó xây chùa, Phủ. Mùa lễ hội nhân dân địa phương khắp nơi kéo về chiêm bái và mong mọi điều tốt lành...

Quần thể di tích trên có sự liên kết với nhau, đẹp và hấp dẫn, có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh tiên cùng cõi phật trong khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ, thơ mộng. Mặc dù những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Nga An và huyện Nga Sơn đã đầu tư kinh phí, kêu gọi các tổ chức cá nhân hảo tâm, bản hội công đức xây dựng quần thể di tích này nhưng chưa xứng tầm... Để phát huy tác dụng các di tích phục vụ du khách tham quan, vãn cảnh cần có quy hoạch, kêu gọi xã hội hóa đầu tư kinh phí xây dựng để vừa bảo tồn di tích danh thắng vừa phát triển du lịch...

Thúy Hòa


Thúy Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]