(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đến thời điểm này Thanh Hóa có hơn 620 cơ sở lưu trú với trên 20 nghìn phòng, đứng thứ 6 cả nước, trong đó có 121 khách sạn từ 1 - 5 sao, 56 doanh nghiệp lữ hành, 360 cơ sở phục vụ ăn uống nhà hàng... Đặc biệt, với sự ra đời của hàng loạt các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô lớn đã góp phần làm cho diện mạo du lịch Thanh Hóa thay đổi căn bản với những tín hiệu tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tín hiệu vui từ cơ sở kinh doanh, lưu trú

(VH&ĐS) Đến thời điểm này Thanh Hóa có hơn 620 cơ sở lưu trú với trên 20 nghìn phòng, đứng thứ 6 cả nước, trong đó có 121 khách sạn từ 1 - 5 sao, 56 doanh nghiệp lữ hành, 360 cơ sở phục vụ ăn uống nhà hàng... Đặc biệt, với sự ra đời của hàng loạt các cơ sở lưu trú du lịch có quy mô lớn đã góp phần làm cho diện mạo du lịch Thanh Hóa thay đổi căn bản với những tín hiệu tích cực.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016 toàn tỉnh đón được hơn 3,8 triệu lượt khách, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 68 nghìn lượt, tăng gần 19% so với năm 2015. Phục vụ được 6,5 triệu ngày khách, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó khách quốc tế đạt hơn 164 nghìn lượt khách, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Có được kết quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực cho phát triển du lịch, trong đó có vai trò đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này. Năm Du lịch Quốc gia 2015 - Thanh Hóa đã tạo tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm những cách làm hiệu quả thu hút khách. Các hội nghị, hội thảo giữa các vùng miền, Hiệp hội du lịch các tỉnh liên tục được tổ chức tại Khách sạn Sao Mai, FLC Sầm Sơn...

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, tỉnh và ngành chức năng cùng các địa phương tập trung đầu tư phát triển du lịch có trọng điểm như: Sầm Sơn, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Suối cá thần Cẩm Lương,... Đồng thời đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh xứ Thanh; tích cực đổi mới phong cách phục vụ, tạo sản phẩm mới… nhằm thu hút khách quốc tế.

Một góc Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn. (Ảnh: Trần Đàm)

TP Thanh Hóa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, cũng là nơi tập trung đông du khách. Khách sạn Sao Mai, Thiên Ý, Mường Thanh, Lam Kinh, Phù Đổng, Công ty CP Dạ Lan, Nhà hàng Rừng Trong Phố... vẫn giữ được khách truyền thống và nhiều đoàn khách nước ngoài. Hầu hết các đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ lưu trú, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Tại Sầm Sơn, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm điều dưỡng đã đón hàng vạn lượt khách về tắm biển. Việc đầu tư mở rộng tuyến đường Hồ Xuân Hương, nâng cấp bãi biển thoáng, xanh, sạch, đẹp cùng với sự ra đời của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC Sầm Sơn trong đó có sân golf 18 lỗdạng link đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Đi vào hoạt động được 5 năm Khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) đã nhanh chóng thu hút được nguồn lực lớn từ phía doanh nghiệp đầu tư khách sạn và tạo được dấu ấn như: Khách sạn Ánh Phương – Vườn Thảo Linh, Eureka Linh Trường, Hải Tiến Resort, Thiên đường xứ Thanh... Bên cạnh đầu tư xây dựng khách sạn với những trang thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp còn xây dựng bể bơi ngoài trời, bể bơi nước nóng trong nhà, các dịch vụ massage. Đặc biệt nơi đây có Công ty CP TM&XD Thanh Vân đầu tư được khu vui chơi thể thao giải trí mạo hiểm: dù lượn, tàu lượn cao tốc,thám hiểm mặt trăng.Vì thế, về đây du khách không chỉ được tắm biển, nghỉ dưỡng, thưởng thức những món ăn đặc sản từ biển mà còn được tham gia các trò chơi cảm giác mạnh.

“Ngành công nghiệp không khói” Tĩnh Gia cũng đang trên đà phát triển với thế mạnh của biển Hải Hòa và đảo Nghi Sơn. Tại ven biển Hải Hòa có 5 khách sạn lớn và thị trấn Còng có 4 khách sạn. Ngoài ra còn có Khách sạn Bella, Khách sạn Nghi Sơn, khu sinh thái đảo Nghi Sơn đã được đầu tư và đi vào hoạt động.

Nhân viên Khách sạn Nghi Sơn học ngoại ngữ để giao tiếpphục vụ du khách. (Ảnh: Thúy Hòa)

Bà Nguyễn Thùy Linh - Phó Tổng Giám đốc Khách sạn Nghi Sơn cho biết: Khách sạn được đầu tư từ năm 2013 với nguồn vốn 9 triệu USD. Mục tiêu là đón tiếp các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Khu kinh tế Nghi Sơn và khách du lịch. Khuôn viên khách sạn rộng rãi, thoáng mát, có nhiều cây xanh, 228 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi, phong cách sang trọng ấm cúng. Khách sạn luôn chăm lo đào tạo cho nhân viên về ngoại ngữ tiếng Anh để phục vụ khách. Đây cũng là bước đi phù hợp trong điều kiện phát triển và hội nhập kinh tế đất nước.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, các cơ sở kinh doanh, lưu trú đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Điều này khẳng định sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng phục vụ để mỗi doanh nghiệp du lịch cứng cáp hơn trước môi trường cạnh tranh du khách ngày càng gay gắt. Đó là điều kiện để du lịch Thanh Hóa bứt phá hơn trong những năm tiếp theo.

Hồng Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]