(vhds.baothanhhoa.vn) - Với hàng trăm trang trại nông nghiệp, nhiều làng nghề truyền thống cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những miền quê xứ Thanh đã và đang trở thành điểm du lịch đặc sắc, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Trải nghiệm du lịch nông thôn xứ Thanh

Với hàng trăm trang trại nông nghiệp, nhiều làng nghề truyền thống cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, những miền quê xứ Thanh đã và đang trở thành điểm du lịch đặc sắc, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Trải nghiệm du lịch nông thôn xứ ThanhKhách tham quan Bảo tàng gốm tại Khu sinh thái Linh Kỳ Mộc.

Thành Sơn, Thành Lâm (Bá Thước); Phú Lệ, Phú Xuân (Quan Hóa); Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Thạch Lâm (Thạch Thành)... là những vùng nông thôn miền núi xứ Thanh nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đến với nơi đây, du khách có thể lựa chọn hình thức du lịch cộng đồng, du lịch canh nông hoặc du lịch sinh thái. Dù chọn hình thức nào du khách cũng sẽ có những trải nghiệm, khám phá thú vị về đất và người nơi đây.

Sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như thác Mây, di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong, di tích chiến khu du kích Ngọc Trạo... thời gian qua, lượng du khách đến với Thạch Thành ngày một đông. Trong đó, thác Mây với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng, xanh mát quanh năm, đã và đang là điểm hẹn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Quanh khu vực thác Mây, đồng bào dân tộc Mường quần cư đã nhiều đời. Nơi đây còn lưu giữ được một quần thể hơn 300 nhà sàn truyền thống của người Mường. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Mường còn lưu giữ đầy đủ các nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện nay một số hộ dân ở thôn Đăng Thượng (xã Thạch Lâm) đã làm du lịch cộng đồng, đầu tư, nâng cấp nhà, thành lập đội văn nghệ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách có nhu cầu. Ước tính mỗi năm, thác Mây đón trên 50.000 lượt khách du lịch.

Đáp ứng nhu cầu du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng tại thác Mây đã và đang được đầu tư, xây dựng. Trong đó, đường giao thông đi vào thác Mây đã được đầu tư, kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng, hình thành các tour du lịch trải nghiệm. Từ thác Mây, du khách có thể đi tham quan các điểm đến khác của huyện Thạch Thành theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 45, như: hang Con Moong, đình Mường Đòn, suối nước nóng Vó Ấm, thác Đẹn, chiến khu Ngọc Trạo... Đồng thời kết nối với những khu, điểm du lịch trong tỉnh như suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An...

Trải nghiệm du lịch nông thôn xứ ThanhTrải nghiệm tại suối cá Cẩm Lương.

Đến với vùng nông thôn Cẩm Thủy, du khách không thể không ghé thăm suối cá Cẩm Lương. Suối có hàng trăm ngàn con cá. Cá sống trong một hang sâu của núi Trường Sinh. Tại đây du khách có thể chơi đùa với cá, cho cá ăn, cảm nhận sự mát lành của dòng suối và sự thân thiện từ đàn cá. Ngoài việc tham quan suối cá, du khách được tham quan đền Ngọc thờ Tứ Phủ Long Vương, hay khám phá động Cây Đăng trên núi Trường Sinh. Bên trong động là hàng ngàn lớp thạch nhũ lấp lánh, huyền ảo tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể ghé thăm những bản làng xung quanh suối để giao lưu văn hóa, tìm hiểu thêm những nét đẹp về phong tục, tập quán và lễ hội của người dân nơi đây, thưởng thức những món ăn đặc sản ấn tượng tại địa phương.

Mỗi vùng nông thôn miền núi có cảnh sắc thiên nhiên khác nhau, đồng bào sinh sống nơi đây có những nét văn hóa, phong tục riêng. Bởi vậy, mỗi vùng quê là một câu chuyện du lịch riêng biệt với nhiều hình thức khám phá khác nhau, vừa thú vị vừa đặc sắc.

Khám phá vùng quê ở đồng bằng, bên cạnh thắng cảnh đẹp, du khách được tham quan nhiều di tích văn hóa, lịch sử đã có tuổi đời hàng trăm năm, làng nghề truyền thống mang hồn cốt dân tộc. Du khách được mua sắm các sản phẩm đặc sắc của các vùng miền. Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 414 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm: 357 sản phẩm hạng 3 sao; 56 sản phẩm hạng 4 sao; 1 sản phẩm 5 sao (sản phẩm mắm tôm Lê Gia, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia, huyện Hoằng Hóa). Trong đó, có 17 sản phẩm OCOP là sản phẩm thuộc làng nghề truyền thống như: chiếu cói (huyện Nga Sơn), bánh gai, nón lá (huyện Thọ Xuân), dao rèn (huyện Hậu Lộc), đồ đồng, bánh đa (huyện Thiệu Hóa), hương bài (huyện Nông Cống)... Hầu hết các huyện đều có điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP. Đây đồng thời là điểm du lịch, tham quan, mua sắm của du khách.

Trải nghiệm du lịch nông thôn xứ ThanhDu khách vui chơi tại thác Mây.

Đặc biệt, việc hình thành các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch, đã và đang là điểm đến thu hút khách nội tỉnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 10 mô hình hoạt động hiệu quả, như nông trại nông nghiệp Queen farm, nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc, nông trại T-Farm, nông trại Golden Cow, nông trại Ánh Dương... Hình thức trải nghiệm tại các mô hình cũng rất phong phú, gồm du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp tìm hiểu văn hóa lịch sử, tham gia lao động sản xuất, kết hợp với làng nghề truyền thống... Các mô hình này không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn tạo ra môi trường vui chơi, học tập an toàn, bổ ích, phù hợp với nhiều lứa tuổi.

Với nhiều loại hình du lịch phù hợp, bên cạnh đó là sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân tham gia du lịch... các địa phương đã và đang tận dụng, phát huy lợi thế, thế mạnh vùng nông thôn để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở địa phương.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]