(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cách TP Thanh Hóa khoảng 80 km về phía Tây, xã Thành Mỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành còn gìn giữ, bảo tồn lễ hội Mường Đòn độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Đây được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn dịp đầu xuân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trẩy hội Mường Đòn

(VH&ĐS) Cách TP Thanh Hóa khoảng 80 km về phía Tây, xã Thành Mỹ là xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành còn gìn giữ, bảo tồn lễ hội Mường Đòn độc đáo, đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường. Đây được xem là địa điểm du lịch hấp dẫn dịp đầu xuân.

Mường Đòn là tên gọi chung của các thôn: Vân Phú, Vân Phong, Vân Tiến, Vân Đình (xã Thành Mỹ). Mường Đòn sớm được thiên nhiên ban tặng cho thế đất đẹp của vùng bán sơn địa cao ráo với những quả đồi vừa thấp thoải rồi cao dần để rồi trùng điệp theo dải núi Trường Sơn hùng vĩ trở thành nhịp nối giữa các xã Thành Yên, Thạch Lâm với vùng đồng bằng hạ lưu sông Bưởi, huyện Thạch Thành. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Mường. Từ nhiều đời nay, người dân Mường Đòn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Và lễ hội Mường Đòn được diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hằng năm nhằm tưởng nhớ công trạng khai ấp, lập mường của ông Vũ Duy Dương và em gái Vũ Thị Cao, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình). Theo các sắc phong còn lưu giữ tại đình Mường Đòn, thì ông Vũ Duy Dương là Tổng trấn giữ vùng đất phía Tây Thanh Hóa - một tướng tài dưới thời vua Lê Trang Tông, được ban sắc phong là Bạch Mã Linh Lang thượng đẳng thần và được dân làng tôn là Thành Hoàng. Còn bà Vũ Thị Cao tương truyền khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh, đã khăn gói từ đất Yên Mạc vào Thanh Hóa. Vào đến nơi, biết tin anh trai hy sinh, bà đã ở lại hương khói cho anh, cùng bà con giết giặc, xây dựng bản mường cho đến lúc mất. Bà được truy phong tước danh: “Quế hoa nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc”, và được nhân dân lập đền thờ cúng tại thôn Vân Phong, gọi là đền Bà.

Những ngày trước khi lễ hội diễn ra, dân làng tập trung tại sân đình nghe trưởng Mường phổ biến lịch trình chuẩn bị lễ hội. Các trai làng khỏe mạnh được cử ra dựng dậu, trồng cây nêu và cây đu trước sân đình. Trong ngày chính hội, dân làng tổ chức thi làm cỗ để tế thần, các gia đình tùy khả năng đăng ký dự thi. Mỗi mâm cỗ, ngoài những vật lễ phải có như xôi nếp nương, mâm ngũ quả... đặc biệt bắt buộc phải có một con cá trắm hoặc chép to gói lá chuối tươi hấp hoặc rán. Trước giờ lễ tế, một đội hành lễ và một ông chủ tế đi rước sắc phong từ đền thờ về đình làng. Lễ tế được cử hành trang nghiêm, trọng thể, đề đạt ước vọng mưa thuận gió hòa, dân làng no đủ, đoàn kết, vui tươi với sự tham gia của người già, chức sắc trong làng, các làng kết chạ quanh xã hoặc bên sông Bưởi.

Lễ hội Mường Đòn thu hút đông đảo người dân trong xã và các vùng lân cận đến tham dự.

Lễ hội Mường Đòn không chỉ là niềm mong đợi của người dân nơi đây mà còn là sự háo hức, mong đợi của nhân dân các vùng lân cận. Anh Trương Văn Tú, quê xã Thành Mỹ đang công tác tại Hải Phòng cho biết: Năm nào anh cũng háo hức đón chờ Mường Đòn tổ chức lễ hội, dù bận việc đến mấy anh cũng tranh thủ thu xếp công việc để về dự hội, bởi lễ hội không chỉ giúp anh được gắn bó, gần gũi hơn với gia đình, bản Mường mà giúp anh nhớ đến giá trị văn hóa truyền thống mà trong xã hội hiện đại đang dần mất đi. Về lễ hội, anh được ngắm nhìn các mẹ, các chị tươi tắn trong bộ trang phục Mường duyên dáng, sặc sỡ, được thưởng thức đặc sản địa phương, tham gia vào nghi lễ truyền thống của lễ hội, tham gia trò chơi dân gian, khiến anh cảm thấy ấm áp, an nhiên hơn.

Những ngày lễ hội, dân làng còn sôi nổi tham gia các trò dân gian như chơi đu, kéo co, đấu vật, chọi gà, ném còn, thi bắn nỏ, đánh mảng, đánh cù... cùng với các chương trình biểu diễn văn nghệ hát giao duyên, điệu hát tuồng cổ, hát mường, hát xường... mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Đến với lễ hội Mường Đòn, du khách sẽ còn được thưởng thức những sản vật đặc sản địa phương như các món thịt lợn thui, chấm muối trắng xếp trên lá chuối, chả thìa, chả lá bưởi, xôi, rượu và các loại bánh. Các món bánh đều do người dân tự làm bằng nguyên liệu bột nếp và mật mía với cách đồ, hấp cổ truyền; ngắm nhìn ngôi đình Mường cổ xưa, nơi đây còn lưu giữ nhiều đạo sắc phong cổ. Để rồi, bất cứ ai đến hội Mường Đòn, đọng lại là sự thật thà, mến khách cùng những nét đẹp văn hóa mà người dân Mường Đòn còn lưu giữ lại chính là điểm dừng chân hấp dẫn cho mỗi du khách dịp xuân sang.

Đến với lễ hội Mường Đòn, du khách có thể tiếp tục hành trình du xuân ngược lên đường mòn Hồ Chí Minh đến thăm Thác Mây (xã Thạch Lâm); Vườn Quốc gia Cúc Phương (huyện Nho Quan, Ninh Bình); thăm suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy); Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); hay cận kề xã Thành Mỹ chính là Di tích khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận nằm trên địa bàn xã Thành Yên, vừa được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt tháng 11/2016; thăm đền Phố Cát, xã Thành Vân - điểm đến linh thiêng nổi tiếng xứ Thanh.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]