(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo Địa chí xã Quảng Nham, từ thế kỷ thứ V-VI có nhiều người từ khu vực xã Quảng Bình di dời đến quanh chân núi Ghép để đánh bắt cá. Sau dần có thêm cả những người từ Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển đến hội nhập với dân bản địa thành làng chuyên nghề biển. Câu ca “Làng Mỏm hình tựa quả bầu/ Đình trên, đền dưới, sông sâu trước làng” phần nào nói lên địa thế và quang cảnh của làng.

Trảy kẻ Mom về đền Phúc và bia Tây Sơn

Theo Địa chí xã Quảng Nham, từ thế kỷ thứ V-VI có nhiều người từ khu vực xã Quảng Bình di dời đến quanh chân núi Ghép để đánh bắt cá. Sau dần có thêm cả những người từ Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển đến hội nhập với dân bản địa thành làng chuyên nghề biển. Câu ca “Làng Mỏm hình tựa quả bầu/ Đình trên, đền dưới, sông sâu trước làng” phần nào nói lên địa thế và quang cảnh của làng.

Trảy kẻ Mom về đền Phúc và bia Tây SơnThủ từ Trần Nhân Tâm giới thiệu những giá trị đặc sắc của bia Tây Sơn trên vùng đất kẻ Mom.

Quảng Nham ngày nay là xã ven biển sầm uất của huyện Quảng Xương. Từ xa xưa, dân đánh bắt cá tụ cư về đây, sau dần do quá trình bồi tụ, ngày càng nhiều người đến sinh sống và làm ăn. Cuộc sống sôi động nhộn nhịp trong cả những ngày được mùa cá tôm và khi làng có lễ hội.

Nói về những dấu mốc quan trọng của người kẻ Mom xưa (Quảng Nham ngày nay), ông Trần Nhân Tâm – thủ từ quản lý di tích đền Phúc và bia Tây Sơn khẳng định: Có 3 giai đoạn và cũng là 3 dấu mốc quan trọng với người kẻ Mom. Thời Trần, nơi đây chính là nơi luyện tập thủy binh. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chọn núi Văn Trinh lập đại bản doanh để trấn giữ và bảo vệ phía Nam bờ cõi Đại Việt, chặn đánh thủy quân Toa Đô từ phía trong kéo ra ồ ạt đổ bộ vào vùng đất Quảng Xương hòng truy bắt vua Trần. Nhờ địa thế cũng như sự phù trợ của thời tiết mà thủy quân nhà Trần đã đánh cho quân Toa Đô tơi tả. Sau ngày chiến thắng, vua Trần ban sắc xây dựng đền Mom to lớn nguy nga và tự tay tặng hoành phi câu đối: “Xã tắc phát phu bất ư Mông Cổ đồng thiên địa/ Xuân thu trữ đậu trường giữ ly thiên vạn cổ kim” (Toàn dân cắt tóc xin thề không đội trời chung với giặc Mông Cổ/ Quanh năm cúng giỗ giữ niềm tin trong trời đất muôn đời).

Sau gần 5 thế kỷ, đến thời Tây Sơn (1778-1802) trong lần tiến quân ra Bắc với lá cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, từ đường thủy, Nguyễn Huệ vào Lạch Ghép. Tại đây, Nguyễn Huệ đã vào đền Mom dâng hương, tuyển mộ thêm trai tráng trong vùng để hội cùng đoàn quân Bắc tiến chinh phạt quân Thanh. Sau ngày chiến thắng trở về, Nguyễn Huệ đã ban sắc trùng tu, đồng thời cho người soạn và khắc văn bia vào đá ban tặng và cho đổi tên đền. Tên đền Phúc có từ đó.

Và giai đoạn từ khi có Đảng lãnh đạo, Nhân dân Quảng Nham phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhân dân Quảng Nham đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.

Dẫu mỗi một giai đoạn lịch sử, tên làng, tên xã có sự thay đổi thì khi nhắc đến xã Quảng Nham người ta vẫn nhớ đến cái tên Cự Nham, kẻ Mom thuở nào.

Cái tên Cự Nham, trong đó bao gồm chữ sơn và thạch ghép lại phần nào thể hiện sự cứng cỏi của con người trong quá trình vật lộn với biển cả mênh mông, trong việc quai đê ngăn lũ để tồn tại. Chính trong điều kiện ấy con người Quảng Nham càng tôi luyện thêm ý chí, nghị lực, vững vàng trong mọi hoàn cảnh để tồn tại và phát triển. Dù có những thuận lợi về nghề đánh bắt hải sản, nhưng bà con hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên cuộc sống khá vất vả: “Trông ra ngoài bể sương mù/ Thấy anh câu đục, câu đù mà thương”. Chính hoàn cảnh khắc nghiệt: “Sào non đừng cắm bãi lầy/ Không gan không đến chốn này làm chi” là để nói lên ý chí của con người. Trong đó, có sự phân công rõ rệt, đàn ông khỏe mạnh chuyên tâm vào việc ra khơi đánh cá, hải sản đánh bắt về phụ nữ hoặc người lớn tuổi ở nhà lo việc chế biến (phơi khô, làm mắm) hoặc đem đi bán ở các chợ quanh vùng. Ngoài ra, Nhân dân còn có nghề chắp gai, đan lưới... Nói chung, cuộc sống bà con hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, trời yên biển lặng thì no đủ, biển động mất mùa thì thiếu đói. Cuộc sống được miêu tả qua câu ca: "Bao giờ rung nổi cồn Bầu thì em đổ gạo têm trầu cho anh/ Bao giờ rung nổi cồn Xanh, giàu thì tại số mai anh ở nhà”, vừa nói lên sự hình thành của cồn Bầu, cồn Xanh nhưng hơn hết là nói về sự ảnh hưởng thời tiết tới đời sống ngư dân...

Trảy kẻ Mom về đền Phúc và bia Tây SơnCụm di tích đền Phúc và bia Tây Sơn nay đã khang trang và to đẹp hơn nhiều.

Cũng bởi cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả mà những ngày nhàn họ lại tổ chức “vui câu hát ví, vui lòng giao duyên” như một cách để khuây khỏa cuộc sống của mình. Quảng Nham vẫn còn giữ được nhiều phong tục tập quán truyền thống rất tốt đẹp, biểu hiện rõ nét nhất về sinh hoạt văn hóa tinh thần là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Thành hoàng làng - những người có công với làng, với nước, gắn liền với những hội hè đình đám khá đậm nét. Cuộc sống gắn liền với biển cả, hàng ngày phải đương đầu vật lộn với sóng to gió lớn, nên ngư dân rất tin vào sự phù hộ độ trì của các lực lượng siêu nhiên. Ông Nguyễn Văn Tiệp, một người dân ở thôn Tân cho biết: Trước đây làng có 11 di tích. Tiếc rằng theo thời gian cùng sự biến động của lịch sử xã hội, nhiều đền thờ miếu mạo đã bị đập phá, tiêu hủy. Còn ông Trần Nhân Tâm chia sẻ: Đến nay tôi vừa 76 tuổi, trong suốt thời gian ấy, tôi được chứng kiến biết bao kỳ lễ hội. Sau khoảng thời gian dài căng mình với sóng biển, từ ngày 18 tháng Chạp là lễ tế bốn chầu đại đình bằng 4 cỗ lớn, mở đầu chuỗi lễ hội của làng. Tiếp theo đó là lễ tế nữ quan cờ người vào ngày mùng 2 tết; hội đánh cờ người vào ngày mùng 2 và mùng 5 tết; lễ dân mã và thi bơi chèo chải trên sông Yên (nơi cửa sông chảy ra biển) từ mùng 2 đến mùng 5 tết; trình diễn tích trò “Trống trận Quang Trung và múa võ Tây Sơn” ngày mùng 5 tết; hội nấu cơm thi và hội hát trống quân và hát giao duyên cửa đình vào ngày mùng 6 tết; lễ cầu ngư ngày 12 tết... Những ngày ấy, bà con Nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại nô nức trảy hội đền Phúc, dâng hương thực hiện các nghi lễ linh thiêng, tham gia và xem các trò chơi.

Về đền Phúc (hay còn gọi đền Mom) di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, nằm trong cụm di tích của xã Quảng Nham chúng tôi càng thấy rõ hơn sự nỗ lực giữ gìn các di sản văn hóa cha ông để lại, được tận mắt chiêm ngắm văn bia cổ do vua Quang Trung - Nguyễn Huệ ban tặng với nội dung ghi lại chứng tích lịch sử một thời của vùng đất kẻ Mom. Hằng năm, sáng mùng 2 tết, lễ hội đền Phúc và bia Tây Sơn diễn ra, nô nức cả vùng. Câu hát thuở nào: “Năm lũ cũng trảy kẻ Mom/ Mười lũ cũng trảy kẻ Mom/ Đâu hơn hội mở tết xuân/ Dưới sông chèo chải, đền sân cờ người”, nay vẫn còn giữ nguyên không khí lễ hội tại đền Phúc và bia Tây Sơn.

Hiện tại, đời sống bà con đã khấm khá hơn nhiều. Tuy vậy, so với mặt bằng chung trong huyện thì vẫn còn tương đối thấp. Một phần đất chật người đông, dân số của xã lên tới 18.000 người với gần 3.600 hộ, một phần nguồn hải sản đánh bắt ngày càng cạn kiệt, bà con chưa có điều kiện để đầu tư tàu đánh bắt công suất lớn. Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, xã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản đạt 55.000 tấn trở lên, chiếm 47% cơ cấu kinh tế của xã. Bên cạnh đó, huyện Quảng Xương đã và đang có chủ trương chỉ đạo cùng với chính quyền và Nhân dân xã Quảng Nham tiếp tục đầu tư và huy động nhiều nguồn lực xã hội để nhanh chóng tôn tạo, hoàn thiện và phát huy giá trị khu quần thể di tích, góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển đa dạng các hoạt động du lịch ở khu vực này như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... nhằm nâng cao đời sống tinh thần của bà con, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]