(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thanh Hóa sở hữu số lượng di tích lớn, trải đều khắp các vùng, miền, là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho việc phát triển du lịch. Song thực tế, bên cạnh một số không nhiều các di tích đã, đang phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thì còn số lượng lớn các di tích vẫn chỉ ở tiềm năng. Để đưa di tích trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng với việc chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ, có lẽ sẽ cần có những quyết sách, chiến lược phát triển, cách làm đồng bộ thực sự.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ di tích đến sản phẩm du lịch đặc trưng (Bài 1): Di tích xứ Thanh - nguồn tài nguyên du lịch phong phú

(VH&ĐS) Thanh Hóa sở hữu số lượng di tích lớn, trải đều khắp các vùng, miền, là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú cho việc phát triển du lịch. Song thực tế, bên cạnh một số không nhiều các di tích đã, đang phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thì còn số lượng lớn các di tích vẫn chỉ ở tiềm năng. Để đưa di tích trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, cùng với việc chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ, có lẽ sẽ cần có những quyết sách, chiến lược phát triển, cách làm đồng bộ thực sự.

Với hơn 1.500 di tích, danh thắng đã được kiểm kê, trong đó có804 di tích đã được xếp hạng: 1 di sản văn hóa thế giới; 3 di tích quốc gia đặc biệt; 141 di tích quốc gia và 659 di tích cấp tỉnh (tính đến tháng 10/2016). Đây được xem là nguồn tài nguyên du lịch phong phú, là lợi thế cho việc phát triển du lịch Thanh Hóa.

Từ những di tích lịch sử trăm năm

Theo chiều dài lịch sử phát triển của đất nước, xứ Thanh địa linh nhân kiệt vẫn được biết đến là mảnh đất “tam vua nhị chúa”, nơi sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, ghi danh vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của dân tộc Việt. Và bậc tiền nhân không chỉ để lại cho hậu thế sự ngưỡng vọng mà gắn liền với đó còn có những di tích, địa danh in dấu.

Nhắc đến Thọ Xuân, người ta nghĩ đến mảnh đất hai vua. Có một sự trùng hợp, cả hai vị vua sáng lập ra hai triều đại phong kiến trong lịch sử nước Việt: nhà Tiền Lê và nhà Hậu Lê đều sinh ra từ mảnh đất này.

Với tài năng, đức độ của mình, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã được Thái hậu Dương Vân Nga tin tưởng trao Long bào, mời lên ngôi vua để thống nhất lòng dân, chống quân xâm lược. Bắt đầu từ đây, ông đã sáng lập ra nhà Tiền Lê (980- 1009). Dù chỉ tồn tại trong thời gian khá ngắn song những đóng góp của nhà Tiền Lê đã được lịch sử ghi nhận. Sau khi vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) mất, tưởng nhớ công lao của ông với đất nước, người dân Xuân Lập (Thọ Xuân)- nơi vua sinh ra đã lập đền thờ tưởng nhớ. Mỗi năm, vào dịp ngày mất của ông 7-9/3 (âm lịch) nhân dân lại tổ chức lễ hội Lê Hoàn tại đền thờ đức vua. Lễ hội Lê Hoàn là một trong hai lễ hội lớn nhất của người dân Thọ Xuân.

Sau nhà Tiền Lê hơn 400 năm, Lê Lợi - vị anh hùng của đất Thọ Xuân đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược, cởi trói ách đô hộ, đưa nhân dân ta thoát khỏi cuộc sống lầm than. Và từ đây, Lê Lợi, tức vua Lê Thái Tổ chính thức xây dựng nên nhà Hậu Lê (1428 - 1789), một trong những triều đại kéo dài và phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Ngày nay, tại xã Xuân Lam (Thọ Xuân), quê hương vua Lê Thái Tổ có Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Di tích Lam Kinh được xem là kinh đô thứ hai của nhà Hậu Lê với hệ thống cung điện, thái miếu, đền thờ cùng hệ thống lăng tẩm - nơi yên nghỉ của các vị vua và hoàng hậu và phi tần nhà Lê. Hàng năm vào ngày 22/8 (âm lịch) - ngày giỗ của ông, hàng vạn người dân xứ Thanh và con cháu nhà Lê trên khắp mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau hành hương trở về Lam Kinh tham gia lễ hội.

Khác với đền thờ Lê Hoàn, khu di tích Lam Kinh, đình Gia Miêu xã Hà Long (Hà Trung) lại được biết đến là nơi phát tích của nhà Nguyễn. Nơi đây, khi cuộc nội chiến Lê - Mạc xảy ra, An Thanh Hầu Nguyễn Kim đã dựng cờ phò Lê diệt Mạc. Sau này, con trai ông là Nguyễn Hoàng khi đi trấn thủ đất Thuận Hóa đã có công mở mang bờ cõi đất nước xuống tận mũi Cà Mau, lập ra xứ Đàng trong. Sau khi lên ngôi, lấy Huế là kinh đô, vua Gia Long - Nguyễn Ánh, hậu duệ của chúa Nguyễn Hoàng đã quay trở về đất tổ Gia Miêu xây dựng khu lăng miếu, đình, đền hết sức uy nghiêm với lối kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn.

Ở Gia Miêu ngày nay vẫn còn tồn tại các công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử: Đình làng Gia Miêu; lăng, miếu Triệu Tường. Khu đất thiêng này, nhắc cho hậu thế nhớ về một triều đại có công lớn trong lịch sử mở mang bờ cõi của nước Việt. Cùng với đó, những thành tựu to lớn mà nhà Nguyễn đã gây dựng nên trong lịch sử phong kiến Việt Nam xưa.

Đền thờ Mai An Tiêm.

Còn đó, thật nhiều di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi của các vị vua, chúa, anh hùng, hào kiệt xứ Thanh. Đó là Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ; đền thờ Mai An Tiêm; đền Bà Triệu; đền thờ Dương Đình Nghệ; khu di tích Phủ Trịnh...Mỗi di tích, đâu chỉ là dấu vết lịch sử còn lại với thời gian, còn là tâm huyết, máu xương của thế hệ cha ông đã để lại cho hậu thế. Để hôm nay, mỗi chúng ta trân trọng và thêm tự hào về lịch sử của đất và người xứ Thanh.

Đến nỗ lực chung tay bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử

Trải qua hàng trăm năm xây dựng, tồn tại, đến nay, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu xuống cấp, đòi hỏi được đầu tư trùng tu, phục hồi. Trong đó có 472/804 di tích nằm trong diện phải trùng tu, tôn tạo: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ; di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh; di tích khảo cổ hang Con Moong...

Suối cá Cẩm Lương.

Từ năm 2011 - 2016, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 219 lượt di tích được tu bổ, chống xuống cấp do chính quyền các địa phương làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó là 31 dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Sở VH,TT&DL, cùng các đơn vị trực thuộc làm chủ đầu tư.

Trong thời gian kể trên, đã có gần 950 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đầu tư từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa và chống xuống cấp; nguồn ngân sách tỉnh; và kinh phí hỗ trợ, chống xuống cấp di tích của tỉnh đã được đầu tư cho các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó là hơn 500 tỷ đồng được các địa phương huy động từ nguồn xã hội hóa. Trong đó có thể kể đến các di tích được đầu tư nguồn kinh phí như: Đền thờ Lê Hoàn; khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh...

Cũng trong thời gian từ năm 2011 - 2016 trên địa bàn tỉnh đã có 5 di tích đã được quy hoạch: Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ; khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng; khu di tích Phủ Trịnh; khu di tích lăng, miếu Triệu Tường...

Với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, công tác trùng tu, tôn tạo, tu bổ... di tích trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bên cạnh việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật đặc sắc trong các thời kỳ của lịch sử thì một số di tích sau khi được tu bổ đã và đang trở thành sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan: khu di tích Lam Kinh; di tích đền Bà Triệu... Song thực tế, số lượng di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn vẫn là khá khiêm tốn.

Hơn 1.500 di tích, danh thắng, cùng với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, nổi tiếng khác của xứ Thanh được trải dài, rộng khắp, đó thực sự là nguồn tài nguyên quý cho “tham vọng” đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thanh Hóa trong tương lai. Song, để nguồn tài nguyên này thực sự phát huy giá trị, hiệu quả góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch xứ Thanh, lại là bài toán vẫn chưa có lời giải thích đáng.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]