(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Phà Ghép đã từng là một địa danh nóng bỏng thời chiến tranh chống Mỹ, nay đã được huyện Quảng Xương quy hoạch để phát triển thành đô thị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vài suy nghĩ về quy hoạch phát triển dịch vụ du lịch khu vực Ghép

(VH&ĐS) Phà Ghép đã từng là một địa danh nóng bỏng thời chiến tranh chống Mỹ, nay đã được huyện Quảng Xương quy hoạch để phát triển thành đô thị.

Tại Quyết định 3555/QĐ-UBND, ngày 27/10/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Đô thị Bắc Cầu Ghép là đô thị du lịch, dịch vụ thương mại, hậu cần nghề cá, công nghiệp nhẹ, sửa chữa tàu thuyền và chế biến nuôi trồng hải sản. Nhằm góp một ý kiến để chức năng dịch vụ du lịch trở thành hiện thực, tôi nêu vài suy nghĩ xung quanh việc tổ chức hoạt động du lịch ở nơi đây, cơ sở quan trọng cho việc lập quy hoạch phát triển khu du lịch Cầu Ghép.

Sông Yên sau khi đi qua nhiều khu vực phía thượng nguồn đã mở rộng dòng chảy trước khi đổ ra biển ở lạch Ghép. Thời chiến tranh chống Mỹ, Quốc lộ 1A đi qua đây phải vượt dòng sông rộng và vùng bãi bồi hai bên sông ước chừng trên dưới 2 km và ở đây chỉ có phà hoặc cầu phao. Phà Ghép trong thời kháng chiến chống Mỹ, là một phần của Quốc lộ 1A, ở cách xa dân cư của xã Quảng Trung (Quảng Xương) cũng như xã Hải Châu (Tĩnh Gia). Khu vực phà Ghép đã một thời chứng kiến bao trận mưa bom, bao lần pháo kích từ máy bay và từ chiến hạm của đế quốc Mỹ. Thâm hiểm hơn giặc Mỹ còn nghĩ ra kế sách thả ngư lôi phong tỏa khu vực này. Trong hoàn cảnh đó, mỗi lần xe qua phà Ghép đều là những lần cân não và sinh tử của quân và dân ta. Chính từ những đợt mưa bom bão đạn ấy đã xuất hiện những con người anh hùng với những hành động thật phi thường. Điển hình là người thanh niên Sầm Sơn, Vũ Hồng Út đã có hành động cảm tử để có thể thông dòng sông cho phà qua. Không ai nghĩ rằng, lái ca nô qua bãi ngư lôi Mỹ có thể thoát chết nên anh được làm lễ truy điệu sống trước khi cầm tay lái ca nô. Kỳ diệu thay, sau khi ngư lôi nổ, thông được dòng sông, anh lên bờ an toàn trước niềm vui tột cùng của mọi người.

Đoàn xe qua Phà Ghép trong chiến tranh chống Mỹ (ảnh tư liệu).

Từ những gợi ý của lịch sử, tôi cho rằng, hoạt động lái ca nô phá ngư lôi ngày nay có thể tạo ra một trải nghiệm văn hóa thể thao thú vị cho du khách. Và hơn hết, hoạt động này sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo cho đô thị bắc Ghép nói riêng và xứ Thanh nói chung. Ý tưởng tổ chức hoạt động văn hóa thể thao mang tên "Lái ca nô phá ngư lôi" có thể tóm tắt như sau:

Hai bờ sông Yên, đoạn gần cầu Ghép về hạ nguồn hoặc thượng nguồn đều có thể chọn làm địa điểm để tổ chức hoạt động này. Nhưng về phía hạ nguồn sẽ dễ mở rộng không gian cho một khu vực rộng đủ tầm. Điểm xuất phát và kết thúc cuộc chơi nên bám sát gợi ý từ lịch sử. Nghĩa là nơi xuất phát thuộc phần đất xã Quảng Trung, và nơi kết thúc thuộc phần đất xã Hải Châu.

Mỗi cuộc chơi gồm một nhóm thi đấu với nhau, sẽ được nghe về lịch sử bảo vệ Phà Ghép trong chiến tranh chống Mỹ, trong đó có hành động anh hùng của những người anh hùng lái chiếc ca nô với tốc độ cao để phá ngư lôi, mở thông dòng sông cho phà sang sông đưa người và hàng hướng ra tiền tuyến. Tiếp đến, người chơi sẽ được hướng dẫn thủ tục lái ca nô, phương pháp tránh ngư lôi và biện pháp an toàn cho cuộc chơi. Sau khi có được những hiểu biết cơ bản như vậy, người chơi sẽ thực hiện lái ca nô phá ngư lôi rồi sang bờ hữu sông Yên. Sau đó, trọng tài sẽ làm các thủ tục đánh giá thành tích theo tiêu chí số ngư lôi bị phá nhiều hay ít, người chơi bị ngã giữa chừng hay đến đích an toàn, ngư lôi nổ ướt phía trước (đồng nghĩa với việc lái kém) hay phía sau (lái tốt) và ban tổ chức làm thủ tục đón người chiến thắng, kết thúc một cuộc chơi.

Có thể thấy rằng, để tổ chức được hoạt động thể thao văn hóa này, cần một thiết kế cơ khí tốt. Ngư lôi cần được thiết kế để sao cho khi ca nô chạm vào sẽ nổ nhưng không gây nguy hiểm, cần điều chỉnh được tốc độ nổ cho phù hợp với từng đối tượng, tạo cho các đối tượng người chơi có được hứng thú theo trình độ lái ca nô. Khi đã điều tiết được tốc độ nổ, người có tác phong chậm rãi hoặc nhanh nhẹn đều có thể có thành tích cao. Điều tiết tốc độ nổ của ngư lôi cũng là biện pháp nâng cao trình độ người chơi, tạo cho người chơi luôn có mong muốn khám phá thêm. Hoạt động thể thao văn hóa này cũng cần nghiên cứu những không gian thay thế không gian lịch sử để tổ chức các hoạt động nhằm kéo dài tuyến, giúp người chơi tìm hiểu về lịch sử Phà Ghép, tập huấn nghiệp vụ lái ca nô, nghiệp vụ an toàn khi chơi và điểm kết thúc cuộc chơi, đánh giá kết quả.

Đây là một hoạt động thể thao cảm giác mạnh, có nhiều bất ngờ do nhiều yếu tố khó xác định trước như: Số ngư lôi cần phá, tốc độ lái ca nô sẽ tạo ra kết quả ngư lôi nổ phía trước hay ca nô lướt qua mới nổ, tinh thần của nhóm người cổ vũ trên bờ và nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan khác. Và chính những yếu tố bất ngờ như vậy sẽ tạo ra sức hấp dẫn của hoạt động thể thao này.

Tôi tin tưởng một ngày nào đó, hoạt động thể thao cảm giác mạnh "Lái ca nô phá ngư lôi" tại bến Phà Ghép xưa và cầu Ghép nay được tổ chức thường niên, có thể chỉ vào lúc khô, nóng, nhưng chắc chắn sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử sống động, hấp dẫn, dễ nhớ. Các cụ ta xưa thường nói “có bột mới gột nên hồ”. Rất có thể, hoạt động thể thao văn hóa mang tên "Lái ca nô phá ngư lôi" là “bột”, là cơ sở quan trọng để lập quy hoạch tạo ra khu công viên dịch vụ du lịch Cầu Ghép và hoạt động thể thao ấy sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách thập phương.

KTS. Lê Hồng Cẩm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]