(vhds.baothanhhoa.vn) - Được hình thành bởi quá trình bồi đắp phù sa sông Mã, lại có sông Dọc (đã bị vùi lấp) chảy qua khiến cho vùng đất cổ Quỳ Chử có sự xuất hiện, quần tụ sinh sống của cư dân cổ từ rất sớm. Đây cũng là điều kiện tạo nên văn hóa Quỳ Chử đặc sắc - bước phát triển cuối của thời đại đồng thau ở xứ Thanh và cũng là “tiền đề” của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Về đất cổ Quỳ Chử

Được hình thành bởi quá trình bồi đắp phù sa sông Mã, lại có sông Dọc (đã bị vùi lấp) chảy qua khiến cho vùng đất cổ Quỳ Chử có sự xuất hiện, quần tụ sinh sống của cư dân cổ từ rất sớm. Đây cũng là điều kiện tạo nên văn hóa Quỳ Chử đặc sắc - bước phát triển cuối của thời đại đồng thau ở xứ Thanh và cũng là “tiền đề” của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Về đất cổ Quỳ ChửDi tích Đình Trung được tôn tạo trên nền móng cũ là không gian văn hóa tâm linh của làng Quỳ Chử.

Năm 1978, sau khai quật ở khu đất cao có tên Đồng Cáo thuộc làng Quỳ Chử xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) các nhà khoa học đã phát hiện dấu tích nơi cư trú và di vật, mộ táng của người Việt cổ. Ngoài các di vật như: mảnh đồng, búa đồng, quả cân gốm, đồ trang sức... còn có các mộ táng (mộ đất và mộ quan tài gốm). Đặc biệt là đồ tùy táng tại các ngôi mộ là các đồ đồng: rìu xéo, giáo, vòng lòng máng... Đến năm 2000, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa khai quật lần thứ hai địa điểm khảo cổ học Quỳ Chử. Bên cạnh gốm (mảnh gốm) mang kiểu dáng, màu sắc, chất liệu đặc trưng Quỳ Chử. Các nhà khoa học còn phát hiện được thêm 2 ngôi mộ táng. Qua phân tích di cốt cho thấy, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã sống tại đây từ giai đoạn sớm đến giai đoạn giữa của văn hóa Đông Sơn.

Thông qua việc khai quật di chỉ khảo cổ học Quỳ Chử, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy tầng văn hóa diễn biến liên tục và kéo dài từ cuối thiên niên kỷ thứ 2 đến cuối thiên niên kỷ thứ 1 (trước Công nguyên). Theo cố PGS.TS Diệp Đình Hoa khi nói về những hiện vật gốm, đồng thau Đông Sơn phát hiện ở Quỳ Chử trong sách Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1978 (NXB Khoc học xã hội) thì đặc điểm đó “đã làm rõ nét về tính hệ thống của những người Việt cổ trong quá trình làm chủ vùng đồng bằng sông Mã. Tính địa phương của loại hình văn hóa làm tôn thêm vẻ độc đáo của cư dân bộ Cửu Chân trong sự phong phú của nền văn minh thống nhất từ thời dựng nước...”. Cũng qua các lần khai quật ở Quỳ Chử, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy dấu vết của con sông Dọc với dấu vết cư trú cổ của con người ở đôi bên bờ sông. Sông Dọc cổ được biết đến là một nhánh của sông Mã chảy về Quỳ Chử, nối với sông Phú Địch (Hoằng Khê) rồi đổ ra biển.

Dựa trên kết quả khai quật và điền dã tại Quỳ Chử, các nhà khoa học nhìn nhận, để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã tập trung làm nhà, dựng làng nhìn ra sông Dọc để tránh hướng gió Bắc mùa đông lạnh giá và có thể khẳng định, người Việt cổ ở Quỳ Chử đã góp phần tạo thành những quần thể dân cư quanh lưu vực sông Mã, cùng chung lưng đấu cật với dân cư cổ vùng sông Hồng, sông Cả dựng nên nền văn minh Đông Sơn phát triển rực rỡ.

Sau dấu tích của người Việt cổ, đến thời phong kiến, Quỳ Chử cũng là vùng đất có sự quần cư xóm làng từ khá sớm. Thần phả và gia phả lưu giữ tại đây còn ghi lại, đại ý: Người đến lập làng là những quan lại nhỏ và dân thời Lê từ Nam Định vào. Thấy Quỳ Chử có nhiều ao hẹp, dài, họ làm nhà định cư, tổ chức ươm và nuôi cá giống đem bán cho nhiều nơi. Về sau dân số phát triển, quy mô làng được mở rộng, họ đặt tên làng là Tổ Cá Phường. Tổ Cá Phường hay Cá Tổ là tên làng thuở xưa của Quỳ Chử bên bờ sông Dọc... Dễ hiểu vì sao, dù sông Dọc ngày nay không còn, nhưng “men” theo khu vực từng là con sông cổ chảy qua Quỳ Chử, vẫn còn đó những địa danh như Dọc Tây Bến, Dọc Chùa, Dọc Kẻ Dược...

Về đất cổ Quỳ Chử

Văn Lâu trong không gian di tích Đình Trung được người dân Quỳ Chử dựng lên từ vật liệu của ngôi đình cổ xưa bị hỏa hoạn là nơi thờ các anh hùng liệt sĩ, danh nhân, người có công với sự phát triển của làng.

Vùng đất cổ Quỳ Chử xưa, nay là xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) bao gồm 5 làng nhỏ: Quỳ Chử, Đông Khê, Ích Hạ, Phúc Tiên, Trọng Hậu. Dù hiện đến nay, chưa có tài liệu khẳng định chắc chắn sự xuất hiện của các tên làng, song theo các cụ cao niên tại địa phương, hầu hết các làng trong xã trước đây đều có tên gọi mang thành tố “Kẻ” cổ xưa (Kẻ Tổ- làng Quỳ Chử; Kẻ Bái - làng Ích Hạ; Kẻ Trọng - làng Trọng Hậu...). Địa bàn đầu tiên mà cư dân các làng tại đây chọn làm nơi cư trú là những cồn đất cao. Như “Gò Kim Quy” bên bờ sông Dọc là nơi sinh sống sớm nhất của dân làng Quỳ Chử; cồn Lân (cồn Lằn) nhìn ra sông Môn (nơi sông Dọc đổ vào) là địa bàn cư trú của hai họ Lưu, Đoàn khi tới làng Đông Khê lập ấp... Từ các cồn, gò đất cao nơi mới định cư, lập nghiệp đến khi cư dân phát triển đông đúc, đất thổ cư được mở rộng và kéo theo sự hình thành xóm, làng.

Về tên gọi Quỳ Chử, người dân địa phương cho rằng, từ thời Trần trở về trước nơi đây vẫn mang tên Kẻ Tổ. Đến thời Hậu Lê, khi Bình Định Vương Lê Lợi trên đường bị giặc Minh truy đuổi qua sông Dọc đã được bà lão thôn quê cứu giúp. Đồng thời, “quỳ” dâng bữa cơm rau đạm bạc tỏ lòng quý mến người anh hùng đất Lam Sơn. Sau khi lên ngôi vua, nhớ ơn bà lão năm xưa, nhà vua đã cho phép đổi tên làng thành Quỳ Chử (được hiểu là bến quỳ).

Cũng bởi là vùng đất có lịch sử hình thành, phát triển và quần cư của con người từ rất sớm. Nên ở làng Quỳ Chử xưa kia có số lượng lớn đình, đền, chùa... Ông Lê Đình Cẩn, Trưởng làng văn hóa Quỳ Chử cho biết: Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ở Quỳ Chử trước đây có số lượng đền chùa nhiều bậc nhất trong vùng. Chỉ trong một làng, có bốn ngôi đền, một ngôi chùa và tới bốn đình làng. Trong đó, ba đình làng thuộc ba thôn Tây Phúc, Trung Tiến, Đông Nam và Đình Trung - chung của 3 làng. Mỗi khi làng Quỳ Chử có việc lớn cần họp bàn, người dân cả ba thôn lại về Đình Trung. Quá trình biến động của lịch sử và thời gian khiến nhiều di tích tâm linh, tôn giáo ở Quỳ Chử không còn. May mắn, còn lại Đình Trung giữ lại được thì cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX lại bị hỏa hoạn. Với những vật liệu còn sót lại sau vụ cháy Đình Trung, Nhân dân trong làng đã dựng lên Văn lâu trên ao đình để thờ các anh hùng, liệt sĩ, danh nhân, người có công đóng góp cho sự phát triển của quê hương Quỳ Chử. Sau đấy, đình Trung được tôn tạo trên nền móng cũ như ngày hôm nay. Tại Đình Trung hiện nay phối thờ Đức thánh Cả Lê Phụng Hiểu và thánh Đệ Nhị, Đệ Tứ là những danh tướng trong khởi nghĩa Lam Sơn. Cùng với đó, còn có đền Mẫu thờ Đệ tam thánh Mẫu của làng.

Ở Quỳ Chử, có một trò chơi dân gian đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm qua hiện vẫn đang được người dân duy trì tổ chức vào mỗi dịp lễ hội Kỳ phúc của làng (diễn ra từ mùng 6 - 8 tháng 2 âm lịch): Nấu cơm thi cá giải trên ao làng trước đình Trung. Các đội thi vừa chèo thuyền trên ao, vừa bắt cá và nấu cơm. Theo bác Lê Đình Cẩn, dù không có tài liệu khẳng định chắc chắn thời gian xuất hiện của trò chơi dân gian nấu cơm thi cá giải, tuy nhiên dựa trên nguồn gốc hình thành của làng Quỳ Chử bắt đầu từ những cư dân Tổ Cá Phường hay Cá Tổ - Kẻ Tổ vốn giỏi nghề đánh bắt, nuôi cá đã sáng tạo nên trò chơi dân gian.

Về đất cổ Quỳ Chử hôm nay, trong sự phát triển của vùng quê nông thôn, còn đó một không gian văn hóa làng truyền thống đang được người dân trân trọng và giữ gìn.

Bài viết có tham khảo một số tư liệu lưu giữ tại địa phương.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]