(vhds.baothanhhoa.vn) - Thuộc xã Đông Ninh (Đông Sơn), làng cổ Trường Xuân được nhiều sử sách nhắc đến bởi đây là nơi phát hiện ra một trong những văn bia cổ xưa ở Việt Nam: Bia cổ Trường Xuân.

Về đất cổ Trường Xuân

Thuộc xã Đông Ninh (Đông Sơn), làng cổ Trường Xuân được nhiều sử sách nhắc đến bởi đây là nơi phát hiện ra một trong những văn bia cổ xưa ở Việt Nam: Bia cổ Trường Xuân.

Về đất cổ Trường Xuân

Năm 2010, Hậu cung đền thờ Lê Ngọc được tôn tạo trên nền móng cũ của di tích.

Làng cổ Trường Xuân còn được biết đến với tên gọi Kẻ Trổ, gắn liền với tên tuổi của “Hoàng đế” Lê Ngọc. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôi làng cổ có lịch sử muộn nhất cũng từ thế kỷ thứ VI. Theo sắc phong của vua Lê Hiển tông còn lưu giữ tại đền thờ Lê Ngọc (làng Trường Xuân) thì lúc bấy giờ làng có tên Bằng Hồng. Đến thời vua Gia Long, làng mang tên Trường Hồng, sở dĩ có tên gọi này là do một sự tích đến nay vẫn lưu truyền trong dân gian: Hàng năm, trên cánh đồng của làng thường có bầy chim hồng hạc bay về kiếm ăn, đây được xem là giống linh điểu tượng trưng cho sự trường thọ, may mắn, sung túc và quyền uy. Bởi vậy mà người dân xin lên triều đình được đổi tên thành Trường Hồng. Đến thời vua Tự Đức, nhằm tránh tên húy của vua, làng một lần nữa đổi tên thành Trường Xuân cho đến ngày nay. Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi này bởi vị trí của làng khi xưa là kinh đô Trường Xuân của Thái thú quận Cửu Chân - “Hoàng đế” Lê Ngọc.

Từ thế kỷ thứ VII trở về trước, đất cổ Trường Xuân thuộc Đông Phố quận Cửu Chân. Lúc bấy giờ, vùng đất này được gọi là huyện Đông Dương, sau đổi thành Đông Cương. Đến thời Đinh, Tiền Lê, Lý, quận Cửu Chân đổi thành huyện Cửu Chân và Đông Cương thuộc huyện Cửu Chân. Thời Trần, Đông Cương đổi thành Đông Sơn phủ Thanh Đô; thời thuộc Minh thuộc phủ Thanh Hóa; đến thời Lê, Đông Sơn thuộc phủ Thiệu Thiên. Và đến thế kỷ XIX, vua Gia Long cho đổi phủ Thiệu Thiên thành Thiệu Hóa, Trường Xuân thuộc tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa.

Vốn là làng cổ thuần nông có con người đến khai phá, xây dựng cơ nghiệp từ rất sớm nên nơi đây mang đặc trưng của làng quê nông thôn truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình, đền, chùa. Làng có ngôi đình lợp ngói 3 gian 2 chái, ngoảnh về hướng Đông Nam, suy tôn “Hoàng đế” Lê Ngọc làm Thành hoàng làng. Cùng với đó là Nghè Trổ, còn gọi là Nghè Hàng Tổng (cả tổng Thạch Khê thờ) thờ Cao tổ Lê Ngọc Hoàng đế. Công trình tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn, bao quanh bởi bóng cây cổ thụ tạo nên nét đẹp trầm mặc, linh thiêng. Ngay phía trước nghè có dựng tấm bia đá “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo tràng chi bi văn” (dân gian thường gọi là bia Trường Xuân) được khắc dựng năm 618. Bên cạnh đình và nghè, ở Trường Xuân khi xưa còn có đến 4 ngôi chùa và khu văn chỉ, võ chỉ… Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian, các công trình kiến trúc, tín ngưỡng tâm linh của làng phần nhiều không còn nguyên vẹn, một số đã trở thành phế tích.

Ngày nay, tại Trường Xuân có 18 cửa họ cùng nhau sinh sống, có thể kể đến các họ lớn như: Lê Viết, Ngô Trọng, Lê Đình, Lê Bá… Trong đó, họ Lê Viết được xem là dòng họ đến đây khai phá sớm nhất.

Trước Cách mạng Tháng Tám, hàng năm tại Trường Xuân diễn ra nhiều lễ hội, quy mô lớn nhất là lễ hội đền Lê Ngọc thu thút người dân cả vùng cùng tham gia. Và theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây để phòng chống trộm cướp, làng được rào khép kín, có 4 cổng để thông thương với bên ngoài, trên cơ sở đó mà hình thành nên 4 xóm: Cổng Đồng, Cổng Thày, Cổng Đỡ, Cổng Sau.

Có một điều dễ nhận thấy khi về làng cổ Trường Xuân, là không chỉ ở các công trình kiến trúc, di tích đều ít nhiều gắn với tên tuổi “Hoàng đế” Lê Ngọc. Mà ngay trong đời sống văn hóa, tâm thức dân gian của người dân nơi đây, tên tuổi ông cũng thường xuyên được nhắc đến.

Căn cứ vào văn bia “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” và hai đạo sắc phong thời vua Lê Hiển tông ban phong cho Cao tổ Lê Ngọc Hoàng đế, cùng với thần tích đền thờ Lê Ngọc, thì đây là nhân vật được đánh giá có nhiều ảnh hưởng tới vùng đất Cửu Chân. Theo bản sao thần tích Lê Ngọc do Bùi Xuân Vĩ dịch, đại ý: Lê Cốc tự là Ngọc, tổ tiên làm quan đời Tấn ở Trung Quốc được phong tước hầu. Đến thời Lương thì đã trải quan ba đời, đều được phong hầu. Đến thời Tùy, Lê Cốc được bổ nhiệm làm Tuyên úy tướng quân Nhật Nam thái thú, sang đời Đại Nghiệp thì đổi làm Cửu Chân thái thú. Ông lấy vợ người Nghệ An (lúc bấy giờ là quận Nhật Nam) sinh được ba con trai, một con gái. Cuối thời Tùy, hào kiệt nổi lên cát cứ khắp nơi và Lê Cốc cát cứ ở quận Cửu Chân, bố phòng nhằm giữ bờ cõi. Trong thời gian này, ông xây dựng Thọ Huynh (tức sinh phần), ở trước Thọ Huynh xây Hoằng Tĩnh đài và dựng văn bia (Trường Xuân). Nội dung văn bia ca ngợi sự nghiệp và đạo đức của Lê Cốc.

Cũng theo thần tích, Lê Ngọc giữ tiết với nhà Tùy, không chịu thuần phục nhà Đường nên đã theo Tiêu Tiển chống lại nhà Đường. Ông phái các con đóng giữ các địa phương. Sau khi nhà Đường tiêu diệt Tiêu Tiển thì Lê Ngọc lui về giữ căn cứ Cửu Chân. Do Lê Ngọc không chịu đầu hàng nhà Đường nên sau khi tử trận trong cuộc chiến chống lại nhà Đường, ông và vợ cùng các con được Nhân dân tôn thờ làm Phúc thần. Ở xứ Thanh có nhiều nơi thờ ông. Dù không được chính sử nhắc đến nhiều song qua nội dung văn bia và thần tích, hậu thế đã biết rõ hơn về một nhân vật lịch sử ở Thanh Hóa trước thế kỷ thứ X. Sắc phong dưới thời vua Lê Hiển tông đã phong cho Cao tổ Hoàng đế Lê Ngọc nhiều mỹ tự khác nhau.

Theo các cụ cao niên trong làng Trường Xuân, từ khi Lê Ngọc qua đời đến nay đã XIV thế kỷ nên dấu vết sinh phần không còn cũng là điều dễ hiểu. Đến thế kỷ XVII, người dân làng Trường Xuân nói riêng, tổng Thạch Khê nói chung đã cùng nhau đóng góp xây nơi thờ ông ngay trên nền đất sinh phần khi xưa. Công trình về sau đã bị hoang phế nhưng hiện vật còn lưu giữ đã “hé lộ” nhiều thông tin về nhân vật được thờ tự và công trình kiến trúc. Ngoài “Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo an đạo tràng chi bi văn” đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thì tại Di tích đền thờ Lê Ngọc còn có hai đạo sắc phong, bát hương đá, ngói mũi hài, bệ đá trang trí hình rồng, long ngai, bát bảo, mâm bồng… Năm 2009, chính quyền và Nhân dân địa phương đã cùng nhau kêu gọi đóng góp kinh phí để tôn tạo hậu cung đền thờ trên nền móng cũ nhằm tưởng nhớ về một nhân vật lịch sử được người dân cảm mến.

Nói về truyền thống văn hóa ở Trường Xuân, bác Nguyễn Văn Nhung - Trưởng làng văn hóa Trường Xuân tự hào: “Làng Trường Xuân có thế đất đẹp, tốt tươi. Dù chỉ thuần nông nhưng người Trường Xuân tự bao đời vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên, để đến hôm nay xây dựng xóm làng giàu mạnh, tươi đẹp. Nhiều con em địa phương thành đạt đã thể hiện tấm lòng hướng về quê hương, chung tay đóng góp nhằm xây dựng các công trình văn hóa, trùng tu di tích, bảo tồn giá trị truyền thống…”.

Bài và ảnh: Lương Khoa


Bài và ảnh: Lương Khoa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]