(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa bối cảnh suy vong của vương triều Trần, quan đại thần Hồ Quý Ly với thực quyền nắm giữ nổi lên là một người có hoài bão, khát vọng chấn hưng, tiên phong cải cách. Hàng loạt nỗ lực cải cách được ông quyết liệt thực hiện. Trong đó, Thành Nhà Hồ trên vùng đất xứ Thanh được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa thế giới (năm 2011) là minh chứng hùng hồn nhất thể hiện khát vọng của một triều đại...

Về đất Tây Đô - Bài 2: Thăm thành đá, “lắng nghe” khát vọng một vương triều

Giữa bối cảnh suy vong của vương triều Trần, quan đại thần Hồ Quý Ly với thực quyền nắm giữ nổi lên là một người có hoài bão, khát vọng chấn hưng, tiên phong cải cách. Hàng loạt nỗ lực cải cách được ông quyết liệt thực hiện. Trong đó, Thành Nhà Hồ trên vùng đất xứ Thanh được UNESCO vinh danh Di sản Văn hóa thế giới (năm 2011) là minh chứng hùng hồn nhất thể hiện khát vọng của một triều đại...

Tin liên quan:
  • Về đất Tây Đô - Bài 2: Thăm thành đá, “lắng nghe” khát vọng một vương triều
    Về đất Tây Đô - Bài 1: Đi tìm dấu tích vương triều Trần

    Không ít ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Nói Tây Đô xứ Thanh là kinh đô nước Việt (Đại Ngu) dưới vương triều Hồ đúng song có lẽ vẫn chưa đủ. Lần lại sử liệu, sẽ chẳng sai khi nói rằng, đó còn là kinh đô của vương triều Trần những năm cuối cùng dù thực quyền không còn trong tay nhà vua. Là một thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh với câu chuyện công chúa nhà Trần được chữa khỏi bệnh; hành cung Bảo Thanh (Ly cung) xây dựng nguy nga, kiên cố; hang Nàng và những câu chuyện kể... mỗi di tích, điểm đến trong chuyến trở về đất Tây Đô chắc chắn sẽ mang đến cho lữ khách xúc cảm khám phá.

Về đất Tây Đô - Bài 2: Thăm thành đá, “lắng nghe” khát vọng một vương triều

Du khách tham quan Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ.

Nỗ lực cải cách

Khi nhà Trần suy yếu cực độ, chính trị đất nước rối ren cũng là lúc Hồ Quý Ly (tức Lê Quý Ly) nắm trọn quyền lực trong tay. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông qua đời, quan đại thần họ Hồ được cử làm Phụ chính Thái sư, tước Trung tuyên Vệ quốc Đại vương để “chèo lái” một vương triều không còn sức mạnh.

Được biết đến là người có năng lực chính trị, kinh tế, văn hóa... Hồ Quý Ly đã dứt khoát cho tiến hành hàng loạt cải cách trên hầu khắp các lĩnh vực, nhằm giải quyết khủng hoảng xây dựng một nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung vững mạnh.

Theo ghi chép của Đại Việt Sử ký toàn thư, về chính trị, Hồ Quý Ly đặt ra quy chế về hệ thống quan lại địa phương, thống nhất việc quản lý từ trên xuống theo xu hướng trung ương tập quyền; ông đặt ra phép hạn điền nhằm hạn chế việc sở hữu ruộng tư. Ngoại trừ đại vương và trưởng công chúa thì tất cả mọi người từ quý tộc đến thứ dân đều bị hạn chế số ruộng. Đây được xem như “cú đánh” trực tiếp vào tầng lớp quý tộc điền trang, địa chủ tư hữu và cũng là cách để tăng nguồn thu sưu thuế cho ngân sách nhà nước vốn đã cạn kiệt bởi thói ăn chơi xa hoa của các vua nhà Trần. Ông cũng giảm nhẹ thuế ruộng đối với nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo ít ruộng.

Cải cách của Hồ Quý Ly còn chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả của giáo dục, thi cử. Hệ thống giáo dục ở địa phương được mở rộng, đặt các học quan, cấp học điền. Ban chiếu định lệ thi Cử nhân, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, người đỗ được vua cho thi một bài văn sách để xếp cao thấp, phản đối lối học sáo rỗng, học vẹt lời cổ nhân... Sử thần Ngô Thì Sĩ đánh giá cao điều này và nhận định: “Phép khoa cử của thời Trần đến đây mới hoàn bị”. Bên cạnh giáo dục thì văn hóa cũng được ông cải cách. Cùng với việc hạn chế Phật giáo, Đạo giáo thì Nho giáo được đề cao. Ông cho ban chiếu sa thải các tăng đạo dưới 50 tuổi, bắt phải hoàn tục và tổ chức sát hạch kinh giáo.

Nhắc đến dấu ấn của Hồ Quý Ly, thì cải cách kinh tế với việc phát hành tiền giấy vẫn được xem là một bước tiến quan trọng trong lịch sử nước nhà phong kiến. Theo Đại Việt Sử ký tiền biên: “Mùa hạ, tháng tư (năm 1396) bắt đầu phát hành tiền giấy thông bảo hội sao. Giấy 10 đồng vẽ rau tảo, giấy 30 đồng vẽ làn sóng, giấy 1 mạch vẽ mây, giấy 2 mạch vẽ con rùa, 3 mạch vẽ con lân, giấy 5 mạch vẽ chim phượng; giấy 1 quan vẽ rồng. Ai làm tiền giả thì bị giết, tịch thu ruộng vườn gia sản”. Đây được xem là một trong những cải cách táo bạo của thời đại, bởi nó không chỉ hủy bỏ đồng tiền cũ, mà còn xóa bỏ quan niệm cũ, về tiền tệ. Trước đó, việc sử dụng tiền giấy là hiện tượng chưa từng có.

Khát vọng... thành đá

Trong hệ thống chính sách của Hồ Quý Ly cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, cải cách quân sự với việc cho xây dựng tòa thành mới bằng đá kiên cố ở đất An Tôn (Thanh Hóa ngày nay) đặt tên thành Tây Đô là minh chứng rõ nhất cho tính cách của một con người hành động, quyết đoán. Đại Việt Sử ký toàn thư còn ghi: “Đinh Sửu năm thứ 10 (1397), mùa xuân, tháng giêng, sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh là Đỗ Tỉnh đi xem xét đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà miếu nền xã, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đấy, 3 tháng làm xong”. Khi có quan trong triều can ngăn, Hồ Quý Ly chỉ nói ngắn gọn: “Ý ta đã định trước rồi, ngươi còn nói gì nữa”.

Và quả thực, dấu mốc “3 tháng làm xong” với vô số những kỹ thuật được phát minh và áp dụng để xây thành đến hôm nay vẫn khiến hậu thế phải thán phục. Nó còn được xem là kỷ lục trong lịch sử kinh thành của Việt Nam. Kết quả điều tra khảo sát và đo đạc của các nhà khảo cổ học cho thấy, thành Tây Đô quy mô cực kỳ lớn, riêng Hoàng thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5km. Thành phía ngoài xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bốn hướng. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10 - 16 tấn, có khối nặng đến 26 tấn, được đẽo gọt vuông vắn, lắp ghép theo hình chữ “Công” tạo sự liên kết kiên cố. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn bằng đá, cửa Nam là cửa chính với 3 cổng ra vào, dài trên 35m, cao hơn 10m. Khối lượng đá xây thành Tây Đô ước tính trên 25.000m3. Tòa thành đá có chức năng như Hoàng thành với các cung điện bên trong, La thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao...

Trải qua thời gian hơn 600 năm, kinh thành Tây Đô ngày nào đã bị phá hủy tương đối. Tuy nhiên, một số đoạn của tòa thành đá độc đáo bậc nhất thì vẫn còn khá nguyên vẹn, sừng sững thách thức, hiên ngang tồn tại. Như một bằng chứng lịch sử chứa đựng trong nó một “lịch sử” khác, một sự “thanh minh” cho những nỗ lực, quyết tâm và khát vọng của vị vua sáng lập vương triều Hồ.

Cho đến bây giờ, ngoại trừ việc bước đầu tìm ra nguồn gốc nguồn đá để xây thành thì cách thức đẽo gọt kích thước các phiến đá phù hợp cấu trúc, phương tiện vận chuyển, phương pháp lắp ghép... dường như vẫn đang là “bí mật” của di sản, thách thức hậu thế đi tìm lời giải thỏa đáng. Và dù cho bí mật xây dựng Thành Nhà Hồ có được giải đáp hay không thì nó vẫn là kỳ tích biểu hiện cho sức mạnh, quyết tâm, đỉnh cao trí tuệ, lao động sáng tạo và tinh hoa văn hóa của người Việt trên khắp mọi miền đất nước. Xứng đáng để hậu thế nghiêng mình, trân trọng giữ gìn. Đúng như đánh giá của cố GS.NGND Phan Huy Lê: “Thành Nhà Hồ là một kinh thành tuy thời gian tồn tại không dài nhưng có nhiều đặc điểm và giá trị văn hóa độc đáo không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực Đông Á và Đông Nam Á... Thành Nhà Hồ là kinh đô duy nhất xây dựng chủ yếu bằng đá lớn rất hiếm trên thế giới”.

Thành Nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp cải cách của Hồ Quý Ly và vương triều Hồ. Tòa thành đá được dựng lên cũng là quyết tâm chuẩn bị chu toàn cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược không thể tránh khỏi. Chỉ đáng tiếc lịch sử không dành cho ông nhiều sự ưu ái, để rồi tất cả phải đành khép lại đầy đau đớn và nuối tiếc. Dẫu cho những cải cách của Hồ Quý Ly không đem lại kết quả như kỳ vọng, song ông vẫn là nhà cải cách của thời đại, xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt.

Bài và ảnh: Thu trang

Tin liên quan:
  • Về đất Tây Đô - Bài 2: Thăm thành đá, “lắng nghe” khát vọng một vương triều
    Về đất Tây Đô - Bài 1: Đi tìm dấu tích vương triều Trần

    Không ít ý kiến nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng: Nói Tây Đô xứ Thanh là kinh đô nước Việt (Đại Ngu) dưới vương triều Hồ đúng song có lẽ vẫn chưa đủ. Lần lại sử liệu, sẽ chẳng sai khi nói rằng, đó còn là kinh đô của vương triều Trần những năm cuối cùng dù thực quyền không còn trong tay nhà vua. Là một thắng tích động Hồ Công - chùa Du Anh với câu chuyện công chúa nhà Trần được chữa khỏi bệnh; hành cung Bảo Thanh (Ly cung) xây dựng nguy nga, kiên cố; hang Nàng và những câu chuyện kể... mỗi di tích, điểm đến trong chuyến trở về đất Tây Đô chắc chắn sẽ mang đến cho lữ khách xúc cảm khám phá.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]