(vhds.baothanhhoa.vn) - Đền thờ Lại Thế Khanh tọa lạc tại thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Đây là công trình mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, đã và đang được người dân địa phương gìn giữ và phát huy.

Về Hà Trung thăm đền thờ Lại Thế Khanh

Đền thờ Lại Thế Khanh tọa lạc tại thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang (Hà Trung) được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Đây là công trình mang đậm giá trị lịch sử, văn hóa, đã và đang được người dân địa phương gìn giữ và phát huy.

Về Hà Trung thăm đền thờ Lại Thế KhanhĐền thờ Lại Thế Khanh, thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang được đầu tư tôn tạo khang trang.

Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi có dịp về xã Hà Giang (Hà Trung) thăm đền thờ Lại Thế Khanh. Đền thờ nay đã khác trước, bởi có sự quan tâm của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân, đền được trùng tu, tôn tạo khang trang.

Theo tư liệu lịch sử, Lại Thế Khanh là người xã Hà Dương (Hà Trung) - nay là xã Yên Dương. Ông là người thông minh, trí dũng, giỏi võ nên lập được nhiều chiến công được vua Lê trọng dụng. Năm 1527, khi Mạc Đăng Dung bức tử vua Lê để giành ngôi báu, Lại Thế Khanh theo cha là Lại Thế Đạt từ Thăng Long về Thanh Hóa rồi sang Sầm Nưa (Lào) với mưu đồ chung sức khôi phục cơ nghiệp nhà Lê. Dưới quyền Tiết chế Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim, Lại Thế Khanh đem quân chinh phạt khắp nơi, rước vua Lê Trang tông về Thanh Hóa, ông được phong tước hầu. Năm Ất Tỵ (1543) Trịnh Kiểm được phong làm Tiết chế thái sư Lạng Quốc công, nắm giữ mọi việc quân binh, Lại Thế Khanh là thuộc tướng phủ tiết chế. Ông đã ba lần tiến quân ra trấn Sơn Nam (phía Nam kinh thành Thăng Long) theo Thái sư Trịnh Kiểm đánh giặc đều lập được công lớn và được phong tước An Quận công. Ngoài ra, ông còn được hưởng đất lộc điền vua ban ở xã Quan Chiêm, tổng Thượng Bạn, phủ Hà Trung (nay là thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang, huyện Hà Trung). Năm 1578 Lại Thế Khanh qua đời, được vua truy tặng Thái tể Khiêm Quốc công, tên thụy là Công Thuận và ngày 27 tháng 9 âm lịch là ngày giỗ ông. Sau khi Lại Thế Khanh mất, Nhân dân đã xây dựng đền thờ ông tại thôn Quan Chiêm, xã Hà Giang để ghi nhớ công lao của ông đối với đất nước. Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, Nhân dân trong làng lại tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo người dân đến tham dự.

Theo các cụ cao tuổi họ Lại và Nhân dân thôn Quan Chiêm kể lại theo ký ức, đền gồm có tắc môn (bình phong) và ngôi nhà thờ 5 gian kiến trúc hình chữ Đinh, dài 6,52m, xây dựng bằng gạch, phần mái lợp ngói. Cổng đền xây dựng gồm 2 trụ gạch vuông vắn, chiều rộng 2,5m, cao 2,7m. Sân đền dài 5m, rộng 6m, có tường bao quanh. Trải qua biến cố của lịch sử, ngôi đền đã trở thành phế tích trong sự tiếc nuối của Nhân dân. Năm 2000 con cháu họ Lại đóng góp, tôn tạo lại một số hạng mục để có nơi cho Nhân dân thắp hương vào các ngày giỗ, lễ tết. Với giá trị lịch sử của nó, năm 2011 đền thờ Lại Thế Khanh đã được tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân xã Hà Giang nói riêng, huyện Hà Trung nói chung, khi có bậc tiền nhân có đức, có tài làm rạng danh quê hương, đất nước.

Năm 2022, được sự quan tâm của Nhà nước và nguồn huy động hợp pháp khác, đền thờ Lại Thế Khanh đã được tu bổ, tôn tạo với các hạng mục, như: tôn tạo cổng tứ trụ, đền thờ, mái nhà mẫu, nhà sắp lễ... tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, có nhiều người dòng họ Lại đã ủng hộ mua các vật dụng cần thiết, phục vụ cho hoạt động của đền. Ông Lại Xuân Đức, một trong những người con dòng họ Lại có nhiều đóng góp cho xây dựng đền chia sẻ: Trùng tu, tôn tạo lại đền thờ Lại Thế Khanh là niềm mong ước của Nhân dân trong và ngoài huyện. Nhận thức được trách nhiệm của bản thân, tôi đã tự nguyện đóng góp một phần công sức và vận động anh, em, con cháu trong dòng họ góp công, góp của để cùng với Nhà nước xây dựng ngôi đền trở nên khang trang.

“Đền thờ Lại Thế Khanh không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của Nhân dân mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Vì vậy, thời gian qua, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn xã cùng chung tay bảo vệ di tích. Vào ngày giỗ của ông, Nhân dân lại tập trung tại đền để dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của ông. Cứ 5 năm, xã Hà Giang lại tổ chức lễ hội đền Lại Thế Khanh một lần, với quy mô lớn, thu hút đông đảo Nhân dân đến tham gia. Ngoài phần lễ, còn có phần hội, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng đời sống tinh thần của quần chúng Nhân dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, khuôn viên của đền thờ Lại Thế Khanh rất hẹp. Vì vậy, thời gian tới, xã Hà Giang đề xuất với cơ quan chức năng mở rộng diện tích của đền thờ để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt tâm linh của Nhân dân. Cùng với di tích đền thờ Lại Thế Khanh, xã Hà Giang còn có di tích đình cổ Quan Chiêm, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Chánh Lộc, chùa Quan Chiêm, đền thờ Tô Hiến Thành. Đây là điều kiện quan trọng để xã Hà Giang gìn giữ và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch tâm linh”, ông Tống Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hà Giang cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]