(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm giữa núi đồi bao quanh, Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh hang Bàn Bù (thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) đẹp tựa bức tranh sơn thủy. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nơi đây còn là “địa chỉ” in dấu nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Lên thăm Bàn Bù những ngày đầu xuân, du khách còn được đắm mình trong không gian lễ hội truyền thống của đất và người nơi đây.

Du xuân lên Bàn Bù vui hội rước nước

Nằm giữa núi đồi bao quanh, Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh hang Bàn Bù (thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) đẹp tựa bức tranh sơn thủy. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nơi đây còn là “địa chỉ” in dấu nghĩa quân Lam Sơn năm xưa. Lên thăm Bàn Bù những ngày đầu xuân, du khách còn được đắm mình trong không gian lễ hội truyền thống của đất và người nơi đây.

Du xuân lên Bàn Bù vui hội rước nướcDi tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Bàn Bù nằm trong không gian núi rừng xanh thẳm.

Từ TP Thanh Hóa, theo hướng miền Tây xứ Thanh khoảng 80km, du khách sẽ “bắt gặp” Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Bàn Bù tọa lạc trên địa bàn thị trấn Ngọc Lặc. Nằm nép mình dưới tán cây rừng xanh thẳm, Bàn Bù như điểm nhấn nổi bật giữa thiên nhiên hữu tình. Đó là một quần thể gồm núi, hang động, suối nước, chùa Nán, đền thờ Mẫu Thoải (Thủy Lôi thần), đền thờ Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi và các tướng sĩ nghĩa quân Lam Sơn.

Trong đó, hang Bàn Bù mang vẻ đẹp thiên tạo được ngợi ca là một trong những hang động kỳ vĩ bậc nhất xứ Thanh. Từ dưới chân núi Than (theo cách gọi của người dân địa phương) men theo những bậc thang do con người tạo tác, cửa hang Bàn Bù hiện ra trước mắt. Nếu lần đầu ghé thăm Bàn Bù, hẳn du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp được tạo nên bởi “bàn tay” tạo hóa. Bên trong hang Bàn Bù dài thăm thẳm tưởng chừng không có điểm cuối với nhiều động nhỏ và nhũ đá hình thù kỳ ảo tuyệt đẹp đã được người đời đặt tên. Là ruộng Vua; ao Vua; hang Bụt; thác Bạc; thác Vàng; động Tiên; cung cấm... gắn liền với những chuyện kể ly kỳ, hấp dẫn. Anh Vũ Việt Hùng, du khách đến từ TP Thanh Hóa, chia sẻ: “Là người thích du lịch, tôi đã có dịp khám phá nhiều hang động trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên đây là lần đầu tiên ghé thăm hang Bàn Bù và không khỏi bất ngờ. Đây có lẽ là một trong những hang động dài nhất mà tôi được biết”.

Vào trong hang Bàn Bù, du khách luôn có cảm giác mát mẻ, trong lành. Là bởi bên trong hang, bất kể mùa đông hay hè, luôn có một dòng suối tuôn chảy suốt đêm ngày ra tận cửa hang. Nước suối trong hang mát lành “soi bóng” những nhũ đá lấp lánh dưới ánh điện sáng khiến cảnh vật như càng lung linh, huyền ảo.

Trong khung cảnh tuyệt đẹp, sau câu chuyện kể của người dẫn đường, lặng lòng mình, ta bất chợt nghe như có tiếng vọng về từ... lịch sử. Theo nhiều tài liệu lưu giữ và lời kể của người dân địa phương, khoảng 600 năm về trước, hang Bàn Bù còn được biết đến là “phòng tuyến” cũng đồng thời là nơi ẩn mình của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược.

Trong một trận chiến chặn đánh giặc Minh, Bình Định vương Lê Lợi đã sai các tướng tâm phúc Lý Triện, Nguyễn Lý, Phạm Vấn đem theo tướng sĩ mai phục chặn đánh giặc tại hang Bàn Bù. Từ đó ngăn chặn ý định tiến quân của kẻ địch lên miền Tây xứ Thanh, vòng sang Ai Lao. Nhờ đó, nghĩa quân Lam Sơn có thêm thời gian củng cố lực lượng.

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua, không quên những ngày gian khó tại hang Bàn Bù và tin vào sự phù trợ của thần linh, nhà vua đã sắc phong cho dân làng phụng thờ Tĩnh Quang Ngọc Giám Thủy Lôi Lưu Thanh Thủy Thần (được hiểu là thần nước, Mẫu Thoải hay Mẹ nước). Đồng thời, ban sắc phong cho dân làng hàng năm tổ chức lễ hội vào tháng giêng (18, 19 tháng giêng) để kỷ niệm chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại hang Bàn Bù năm xưa.

Và để tưởng nhớ công lao của Bình Định vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, dưới chân núi hang Bàn Bù, người dân địa phương đã cùng nhau dựng đền thờ vua Lê Lợi, khai quốc công thần Lê Lai, Nguyễn Trãi... và tướng sĩ có công đánh giặc. Trải qua các triều đại phong kiến về sau cũng nhiều lần ban sắc phong cho Nhân dân địa phương về việc thờ phụng thần nước, các vị tiền nhân và tổ chức lễ hội Bàn Bù.

Bên cạnh đền thờ Lê Lợi, Lê Lai, đền thờ Mẫu Thoải, trong không gian Di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh Bàn Bù còn có chùa Nán. Tương truyền chùa có từ xa xưa, khi giặc Minh đến đây đã phá hủy hết. Về sau, dân làng đã cùng nhau tôn tạo chùa để thờ Phật.

Du xuân lên Bàn Bù vui hội rước nướcNghi lễ rước nước trong lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù.

Du xuân ghé thăm Bàn Bù, du khách không chỉ chiêm bái cảnh sắc thiên nhiên, lễ Phật, tỏ lòng kính ngưỡng thần linh, tưởng nhớ công ơn tiền nhân mà còn được tham gia lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù với nghi lễ rước nước mang nét đẹp tín ngưỡng đặc sắc của người dân địa phương. Theo đó, lễ hội truyền thống diễn ra từ ngày 18 đến 20 tháng giêng hằng năm tại Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh Bàn Bù.

Và trong lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù dĩ nhiên không thể thiếu nghi lễ rước nước. Vào sáng ngày 19, ông Ậu (thầy cúng) cùng một số đôi nam nữ đã được lựa chọn sẽ từ dưới chân núi lên hang Bàn Bù cúng thần nước - xin vía nước, sau đó đưa kiệu rước nước về đền thờ Mẹ nước - Mẫu Thoải để làm lễ tế. Ông Ậu sẽ cùng những người được chọn dùng một loại cỏ vẫn được người dân thường gọi cỏ “trường sinh bất tử” để làm thủ tục “chia nước” đến những người tham gia lễ hội. Theo đó, nước sẽ được “vẩy” cho khắp lượt mọi người có mặt, sau đó được đem ra tưới trên đồi bãi, ruộng đồng với ước vọng cầu cho muôn dân được khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, đời sống no đủ...

Trong đời sống tín ngưỡng của người dân trên địa bàn huyện Ngọc Lặc nói chung, người Mường nói riêng, Thủy Lôi thần - Mẹ nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mang theo niềm tin tín ngưỡng ấy, tham gia nghi lễ rước nước hang Bàn Bù, người dân tin rằng bản thân, gia đình sẽ được Thủy Lôi thần phù giúp cho may mắn, bình an. Và đây cũng là dịp để hậu thế bày tỏ lòng tưởng nhớ thành kính đến những thế hệ cha ông đã ngã xuống trong những cuộc tranh đấu bảo vệ non sông gấm vóc của tiên tổ.

Sau các nghi lễ thiêng, người dự hội lại cùng nhau hòa mình vào không gian vui tươi, rộn ràng của lễ hội với các trò chơi, trò diễn dân gian như Pồn Pôông; ném còn, kéo co, bắn nỏ, hát xường... Ông Bùi Hải Đăng, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc cho biết: “Lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách về tham gia. Kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội còn là dịp để quảng bá, giới thiệu và lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên cùng những nét văn hóa lâu đời của đất và người Ngọc Lặc...”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]