(vhds.baothanhhoa.vn) - Là con trai của công thần khởi nghĩa Lam Sơn Nguyễn Công Duẩn (Duẫn), đồng thời là ông ngoại của vua Lê Hiến tông, Nguyễn Đức Trung là dũng tướng toàn tài. Không chỉ có công trong việc đưa Lê Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh tông), trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguyễn Đức Trung còn có nhiều công trạng trong việc trấn ải biên giới đất nước.

Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung: Dũng tướng trấn ải toàn tài

Là con trai của công thần khởi nghĩa Lam Sơn Nguyễn Công Duẩn (Duẫn), đồng thời là ông ngoại của vua Lê Hiến tông, Nguyễn Đức Trung là dũng tướng toàn tài. Không chỉ có công trong việc đưa Lê Tư Thành lên ngôi (tức vua Lê Thánh tông), trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Nguyễn Đức Trung còn có nhiều công trạng trong việc trấn ải biên giới đất nước.

Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung: Dũng tướng trấn ải toàn tàiÔng Nguyễn Hữu Thoại giới thiệu Thủy tổ phả họ Nguyễn.

Với nhiều công trạng góp phần làm nên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn - lập nên vương triều nhà Lê, công thần khởi nghĩa Lam Sơn Nguyễn Công Duẩn, người con của đất Gia Miêu xứ Thanh được vua Lê quý mến. Với số ruộng đất được vua ban, dòng họ Nguyễn làm chủ cả một vùng Gia Miêu rộng lớn, con cháu mỗi ngày thêm đông. Nối nghiệp cha, các con của Nguyễn Công Duẩn cũng nuôi chí lớn. Trong đó, con trai là Nguyễn Đức Trung có công lớn trong việc dẹp loạn Nghi Dân.

Cuối năm 1459, Lê Nghi Dân cầm đầu nhóm phản loạn giết vua Lê Nhân tông và Tuyên Từ thái hậu, sau đó tự lên ngôi vua xưng là Lạng Sơn vương. Trước sự bất đạo của Lê Nghi Dân, các đại thần trong triều không phục nên đã cùng nhau họp bàn: “Nay Lạng Sơn vương Nghi Dân rất vô đạo, đem bọn vô lại... đang đêm bắc thang trèo qua hoàng thành vào cung cấm giết vua và Hoàng thái hậu, tội ác không gì to bằng. Bọn chúng ta là bề tôi huân cựu, mắt trông thấy việc ấy mà lại cam chịu phục tòng kẻ bội nghịch, đứng ở trong triều kẻ cướp ngôi giết vua, là tội nhân của muôn đời, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới suối vàng nữa?”.

Sau buổi họp bàn, Nguyễn Đức Trung và các quan đại thần càng nung nấu quyết tâm phải lật đổ Nghi Dân. Khi thời cơ đến, Nguyễn Đức Trung cùng nhóm xướng nghĩa đã giết sạch quân phản loạn, bắt Nghi Dân, đồng thời đón hoàng tử Tư Thành lên ngôi vua - tức vua Lê Thánh tông.

Bấy giờ, Nguyễn Đức Trung có con gái là Nguyễn Thị Huyên tài sắc vẹn toàn. Sau khi lên ngôi vua, Lê Thánh tông đã tuyển Nguyễn Thị Huyên vào cung. Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Lúc này, vua chưa sinh thái sử, Quang Thục Hoàng thái hậu sai Nguyễn Đức Trung cầu tự ở am Từ Công núi Phật Tích... Năm Tân Tỵ (1461), Nguyễn Thị Huyên sinh ra hoàng trưởng Tranh. Bà Quang Thục lại sai Nguyễn Đức Trung tới am Từ Công núi Phật Tích làm lễ tạ”.

Còn theo sách Gia Miêu ngoại trang và ông tổ các vua chúa dòng họ Nguyễn: “Khi vua Lê Thánh tông chưa có con nối dõi, Quang Thục Hoàng thái hậu sốt ruột sai Nguyễn Đức Trung đi cầu tự ở am Từ Công núi Phật Tích. Bà chiêm bao thấy thượng đế cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn Thị, sau đó Trường Lạc hoàng hậu ở cung Vĩnh Ninh lập tức mang thai... Khi đủ ngày đủ tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào phòng, một lát sau thì sinh hoàng tử”.

Cũng theo sử liệu, khi Nguyễn Thị Huyên sinh được hoàng tử, thế lực họ Nguyễn trong triều đình nhà Lê càng lớn. Song không vì thế mà quan đại thần Nguyễn Đức Trung sinh lòng kiêu ngạo. Ông hết lòng phò vua, giúp nước. Bởi vậy mà được cả vua Lê và quần thần trong triều đình kính nể.

Năm Đinh Hợi (1467), trấn Yên Bang (nay thuộc Quảng Ninh) có giặc quấy phá. Trước đó, triều đình đã phái xuống nhiều tướng dẫn quân đi đánh dẹp nhưng đều bị thua. Yên Bang là nơi xa xôi, lại có vị trí chiến lược quan trọng, không thể không dẹp yên, trước tình thế đó, vua Lê Thánh tông đã sai Đô đốc đồng trị Nam quân phủ Nguyễn Đức Trung làm đốc chiến đến Yên Bang. Khi Nguyễn Đức Trung đến nơi thì tình thế vô cùng nguy cấp, giặc gần như đã làm chủ vùng đất này, trong khi đó quân triều đình chẳng còn mấy người. Để dẹp yên giặc, cùng với việc ở lại quan sát tình thế, Nguyễn Đức Trung gửi sớ về triều đình xin thêm viện binh. Chỉ một năm sau đó, dưới sự chỉ huy của dũng tướng Nguyễn Đức Trung, giặc cỏ ở Yên Bang đã bị đánh dẹp.

Sau chiến công dẹp giặc ở Yên Bang, Nguyễn Đức Trung càng được vua Lê tin tưởng. Bấy giờ, ở hương Lam Sơn xứ Thanh, đất căn bản của nhà Lê bị nhiều quan tham chiếm làm của riêng, vì vậy vua Lê Thánh tông lại sai Nguyễn Đức Trung về xứ Thanh. “Vua bảo Đức Trung: Lam Kinh là đất căn bản lăng vua, không thể ví như nơi kinh sư khác được. Mới rồi bọn thế gia hay làm trái lễ phép, coi thường pháp luật, chiếm lấy đất công làm của tư, đến nỗi các thân vương, công chúa cũng không có chỗ cắm dùi. Lấy pháp luật mà trị tội, sao bằng lấy phép tắc mà bảo trước, để cho họ nhà vua ngày một nhiều thêm mà vẫn có chỗ nương mình... Giới hạn đã định rồi, ai dám trái phạm thì theo luật trị tội. Nhưng nói dễ, làm khó, nên trẫm muốn sai khanh về Thanh Hóa làm trấn thủ để xem xét mọi việc” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Khi quan đại thần Nguyễn Đức Trung về xứ Thanh, trước hết ông nghiêm khắc xử lý việc ở hương Lam Sơn khiến nhiều kẻ cường hào tham lam đều sợ hãi. Nhờ đó, dân chúng được vỗ về, đồng ruộng được quan tâm, mùa màng liên tục bội thu. Người dân nhắc đến ông với lòng quý mến.

Tuy nhiên, khi công việc ở xứ Thanh mới tạm yên thì ở phía Nam đất nước, quốc vương Chiêm Thành lại đem quân đánh úp Châu Hóa. Trước sức mạnh của giặc, tướng trấn thủ Châu Hóa bấy giờ đã cấp báo về kinh đô xin cứu viện. Bấy giờ, vua Lê Thánh tông thân chinh mang quân đi dẹp giặc Chiêm Thành.

Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung: Dũng tướng trấn ải toàn tàiĐất Gia Miêu nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung là quê hương của Thái úy Trình Quốc công Nguyễn Đức Trung.

Vua Lê sai Lân Quận công Đinh Liệt và Kỳ Quận công Lê Niệm dẫn quân đi trước. “Nhà vua cho 15 vạn thủy quân đi tiếp. Khi tiến vào đến đất Chiêm Thành, vua thân đem 1.000 chiếc thuyền chiến đến hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa (Cửa Tọa), kéo cờ thiên tử, đánh trống hò reo cùng tiến. Vua mật sai bộ binh tướng quân Nguyễn Đức Trung đem quân bộ ngầm đi đường chân núi, chặn đánh các ngả rút lui của địch. Quân Chiêm thua to, bị chém hơn 4 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 3 vạn người. Trong số đó có vua Chiêm” (sách Địa chí huyện Hà Trung).

Khi quân Đại Việt rút về, dũng tướng Nguyễn Đức Trung lại được phái ở lại làm trấn thủ cai quản phần đất mới. Vùng đất mới của Chiêm Thành chiếm dễ mà giữ khó, bởi quân Chiêm không ngừng quấy phá khu vực biên giới. Nguyễn Đức Trung lại dẫn quân đánh đuổi vào tận kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm và nhiều tướng sĩ dẫn về Thăng Long. Với lần lập công này, Nguyễn Đức Trung đã được vua Lê Thánh tông ban cho nhiều người Chiêm để làm nô tỳ. Và ông đã đem số nô tỳ người Chiêm về lại xứ Thanh khai khẩn những vùng đất hoang được vua ban, nộp tô thuế cho triều đình.

Cuộc đời làm quan của mình, Thái úy Trình (Trinh) Quốc công Nguyễn Đức Trung gắn bó với vùng biên ải, làm tướng trấn thủ sẵn sàng đánh giặc. Trên con đường làm quan, dù lập được nhiều công trạng, lại có mối quan hệ thân tình với vua Lê nhưng quan đại thần Nguyễn Đức Trung luôn giữ tính cách khiêm nhường. Vì thế mà được văn võ bá quan trong triều nể phục, người đời quý mến. Về đất Gia Miêu, ghé thăm nhà thờ Nguyễn Hữu, ông Nguyễn Hữu Thoại, hậu duệ dòng họ Nguyễn ở đất Gia Miêu - nay là xã Hà Long (Hà Trung) tự hào cho biết: “Cùng với các vị tiền nhân, cụ Nguyễn Đức Trung với tài năng, công trạng lập được đã góp phần làm rạng danh dòng tộc họ Nguyễn ở Gia Miêu”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Địa chí huyện Hà Trung; Gia Miêu ngoại trang và ông tổ các vua chúa dòng họ Nguyễn).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]