(vhds.baothanhhoa.vn) - 93 năm trước, ngày 3-2-1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời tác động một cách trực tiếp, toàn diện đến phong trào yêu nước và phong trào cộng sản ở Thanh Hóa. Để đến ngày hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến làng Hàm Hạ, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh.

Về Hàm Hạ, nhớ lại những ngày đầu thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa

93 năm trước, ngày 3-2-1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đồng thời tác động một cách trực tiếp, toàn diện đến phong trào yêu nước và phong trào cộng sản ở Thanh Hóa. Để đến ngày hôm nay, chúng ta không thể không nhắc đến làng Hàm Hạ, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh.

Về Hàm Hạ, nhớ lại những ngày đầu thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh HóaĐình làng Hàm Hạ đã được tu sửa khang trang từ năm 2020.

Ngược dòng thời gian về năm 1929, khi ấy một số cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (hay còn gọi là Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội) bị tập kích. Những hội viên tích cực thoát khỏi sự truy lùng của địch, vẫn kiên trì hoạt động theo lập trường của Chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Vào thời gian này, đồng chí Lê Công Thanh (người làng Mao Xá, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) – một cán bộ của tổ chức Thanh niên, sau khi trốn thoát ra Bắc, tham gia “vô sản hóa” và được kết nạp Đảng tại Bắc kỳ. Thông qua đồng chí Thanh, Xứ ủy Bắc kỳ đã nắm bắt được tình hình cách mạng ở Thanh Hóa. Tháng 4-1930, xứ ủy cử đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (hội viên Thanh niên cũ của Thanh Hóa, hoạt động ở Bắc kỳ và kết nạp Đảng ở đó) về Thanh Hóa bắt mối với các hội viên Thanh niên còn lại ở Hàm Hạ và một số nơi khác để xúc tiến chuẩn bị xây dựng cơ sở đảng.

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, ngày 25-6-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã triệu tập hội nghị thành lập chi bộ cộng sản tại nhà ông Lê Oanh Kiều, làng Hàm Hạ (nay là tổ dân phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn). Hội nghị gồm các đồng chí: Lê Thế Long, Lê Oanh Kiều, Lê Bá Tùng, Phạm Văn Huống, Lê Bá Hàm (làng Hàm Hạ), Nguyễn Xuân Nghinh (làng Triệu Tiền), Doãn Hữu Vinh (làng Ngọc Lậu, nay thuộc xã Đông Thịnh). Đồng chí Nguyễn Doãn Chấp thay mặt cấp trên truyền đạt chủ trương về việc xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản ở Thanh Hóa và tuyên bố chính thức thành lập Chi bộ Hàm Hạ, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Thanh Hóa. Hội nghị đã vạch ra kế hoạch hành động trong thời gian trước mắt và thống nhất bầu đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư Chi bộ.

Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ đã góp phần quan trọng cho sự ra đời của các chi bộ khác trong tỉnh. Trên cơ sở tổ chức hợp nhất 3 chi bộ gồm: Hàm Hạ (huyện Đông Sơn), Phúc Lộc (huyện Thiệu Hóa) và Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), ngày 29-7-1930, Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã được thành lập tại Yên Trường (xã Thọ Lập) do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.

Ngày hôm nay, sau 93 năm, về khu phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) thăm Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ, nơi thành lập và hoạt động của chi bộ đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 1925 - 1930 gồm đình Hàm Hạ, nhà ông Lê Oanh Kiều, nhà ông Phạm Văn Huống chúng ta như được quay ngược lại những năm tháng gian khổ hoạt động cách mạng đồng thời càng tự hào hơn về lớp lớp những thế hệ đi trước.

Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ đã được tôn tạo thực sự khang trang. Đình làng đã thay hệ thống cửa đi bằng gỗ lim, nền lát gạch bát nung thủ công; bàn thờ, bát hương, nơi thờ tự Thành hoàng và 7 vị đảng viên của chi bộ thật trang trọng. Khu vực phía ngoài khuôn viên sân, vườn cây xanh, giếng làng, bến sông nhà Lê... được mở rộng tạo cảnh quan thông thoáng, thuận tiện cho tổ chức các hoạt động. Cùng với việc tu bổ, tái tạo lại các điểm di tích, một số công trình có liên quan đến di tích cũng được đầu tư xây dựng tạo sự đồng bộ và thuận tiện cho quá trình phát huy giá trị di tích. Các công trình gồm có nhà trưng bày và tiếp khách của cụm di tích, nhà thờ đồng chí Lê Thế Long, một trong 3 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hàm Hạ, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.

Về Hàm Hạ, nhớ lại những ngày đầu thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Thanh HóaÔng Phạm Văn Sinh, phó bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông thắp nén hương lên bàn thờ 7 vị đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hàm Hạ.

Thắp nén hương thơm, ông Phạm Văn Sinh, phó bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố Hàm Hạ, thị trấn Rừng Thông cho chúng tôi biết thêm: Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, ngôi đình không chỉ là không gian tâm linh, trung tâm sinh hoạt văn hóa của Nhân dân mà còn là nơi chở che, bao bọc cho những người chiến sĩ cách mạng, kết nối tình cảm yêu thương, gắn bó giữa những người dân chân lấm tay bùn với nhau. Hàng năm, cứ vào ngày 12-2 âm lịch, Nhân dân trong làng tổ chức dâng lễ thờ cúng Thành Hoàng làng và tổ chức hội làng tại đình Hàm Hạ.

Nằm ngay bên cạnh đình làng là nhà ông Lê Oanh Kiều, nơi diễn ra sự kiện thành lập chi bộ Đảng cũng đã được làm lại cốt nền và lát gạch bát, các hiện vật được phục dựng theo thời gian diễn ra sự kiện. Bà Trịnh Thị Minh Thanh, có 35 năm làm dâu trong gia đình, chia sẻ: Hôm nay là đúng ngày giỗ cụ Kiều (ngày mùng 9 tháng Giêng). Là cháu dâu của cụ tôi thực sự tự hào về truyền thống gia đình và truyền thống quê hương.

Cách đó không xa là nhà ông Phạm Văn Huống, đây là địa điểm được Tỉnh ủy chọn đặt làm cơ quan ấn loát của Đảng bộ, in tờ báo “Tiến lên” sau khi chuyển từ Yên Trường (xã Thọ Lập) về. Dù chưa xuất bản được nhiều nhưng báo “Tiến lên” đã thể hiện sức mạnh của một cơ quan ngôn luận trong việc tuyên truyền, in ấn, phát hành đến các cơ sở đảng và trở thành tài liệu học tập, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng yêu nước.

Từ chi bộ đầu tiên của tỉnh, đến nay Chi bộ Hàm Hạ (thị trấn Rừng Thông) đã có 102 đảng viên. Chi bộ thường xuyên họp định kỳ hàng tháng tuyên truyền cho các đảng viên thấm nhuần tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chi bộ đã thành công trong việc xây dựng khu phố Hàm Hạ trở thành khu phố kiểu mẫu vào năm 2020 và tiếp tục xây dựng Hàm Hạ mỗi ngày mỗi lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của thị trấn Rừng Thông về xây dựng đô thị văn minh, thị trấn kiểu mẫu.

Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ là đỉnh cao của phong trào yêu nước, như một tất yếu lịch sử, đáp ứng phong trào cách mạng trong tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Đến ngày nay, lớp lớp cháu con ở Hàm Hạ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống tiền phong gương mẫu của cha ông. Ông Phạm Văn Sinh, tổ trưởng tổ dân phố Hàm Hạ không quên nhắc lại câu chuyện di dời để xây dựng đình làng cũng như hiến đất để mở rộng đường vào khu di tích của người dân Hàm Hạ. “Chỉ có niềm tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương cách mạng Hàm Hạ mới khiến bà con đồng thuận và chấp nhận các phương án để mở rộng khuôn viên Cụm di tích tại Hàm Hạ”.

Hơn 90 năm ấy biết bao nhiêu tình, những ngày này, vùng đất cách mạng Hàm Hạ là “địa chỉ đỏ” thu hút cán bộ, đảng viên, Nhân dân về dâng hương, bày tỏ lòng thành kính, tri ân đối với các bậc lão thành cách mạng tiền bối, những chiến sĩ cộng sản kiên trung, các anh hùng liệt sĩ cùng nhiều thế hệ đồng chí, đồng bào đã cống hiến cho quê hương, đất nước để từ đó họ có thêm nhiều động lực dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]