(vhds.baothanhhoa.vn) - Hữu Bộc là một trong những làng cổ có lịch sử lâu đời ở xã Đông Ninh (Đông Sơn). Nơi đây có di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Giám (đền thờ Quận công Lê Giám) - vị võ quan có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Hữu Bộc là một trong những làng cổ có lịch sử lâu đời ở xã Đông Ninh (Đông Sơn). Nơi đây có di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Giám (đền thờ Quận công Lê Giám) - vị võ quan có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Năm 2021, Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Lê Giám được trùng tu với kinh phí hơn 800 triệu đồng

Theo tộc phả họ Lê ở làng Hữu Bộc, Lê Giám khi xưa là người Hữu Bộc tổng Thạch Khê huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa. Từ khi còn nhỏ đã mồ côi cha, nhà lại nghèo nên thường phải lên rừng hái củi bán lấy tiền mưu sinh và nuôi mẹ. Lớn lên, ông được theo hầu Tổng Quốc Chính Bình An Vương Trịnh Tùng, làm quan đến chức Thượng tướng quân Đô đốc phủ.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Một mảng chạm khắc gỗ tại đền thờ Lê Giám

Khi làm quan, ông đã theo Bình An Vương Trịnh Tùng nhiều lần xông pha trận mạc, lập công lớn. Như, năm 1600 ông có công bắt được bọn ngụy Vân Quận công; năm 1601 giết Quận Nga; năm 1602 bắt được Quận Huệ Vũ. Trong lần đi đánh trận tại Cao Bằng, ông đã bắt được nhiều đồ đảng của giặc, thu về nhiều voi, ngựa chiến.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Đồ bát biểu (bát bửu) bên trong đền thờ võ quan Lê Giám

Về công trạng của ông với nhà Lê Trung hưng, tờ chế triều vua Lê Kính tông ngày 25 tháng 2 năm 1619 chép: “Kiệt tiết tuyên lực dương võ uy dũng công thần đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ đô chỉ huy sứ… Trụ quốc trung trật Lê Giám: Ân huệ kỳ nam/ Tri thảo kiện trí/ Văn thao võ lược đều tinh, kém gì họ Lã/ Thủy chiến, bộ quân đều giỏi, hơn hẳn tướng Hàn/ Dốc lòng chinh chiến gần xa/ Một dạ trung thành thờ vua, chúa/ Coi việc Tả quân, nội phủ nanh vuốt ai bì… Cho nên triều đình phong tước để rạng rỡ bề tôi vậy… Cho người ruộng, cho người vàng, tỏ lấy công tâm, mấy đời bằng mấy đời lộc, lâu bền tiếng tốt”.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Hương án cổ tại đền thờ đã có tuổi đời hàng trăm năm

Là võ quan có nhiều công lao với sự nghiệp Trung hưng nhà Lê, Lê Giám đã được phong tước Quận công đứng đầu trong hàng Ngũ tước (Công, Hầu, Bá, Tử, Nam) và giao giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ - người đứng đầu đạo quân cấm binh (quân đội thân cận của nhà vua, bảo vệ cung cấm, hộ giá nhà vua).

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Bức đại tự cổ bên trong đền thờ Lê Giám

Sau khi mất ông được vua Lê ban tên thụy Trung Mẫn, cấp cho con cháu ruộng đất để làm hương hỏa thờ cúng, cử quan xã trông coi đền thờ ở quê nhà làng Hữu Bộc (nay thuộc xã Đông Ninh).

Theo các tài liệu hiện còn lưu giữ tại đền thờ Quận công Lê Giám, thì di tích khi xưa có quy mô khá lớn, bao gồm cả đền thờ và mộ phần. Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian và thăng trầm lịch sử, đền thờ đã bị hủy hoại khá nhiều.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Các hiện vật - đồ thờ tại di tích đền thờ Lê Giám được con cháu giữ gìn cẩn trọng.

Dẫu vậy, di tích may mắn còn lưu giữ được “khung gỗ” kiến trúc với một số mảng chạm khắc linh vật tinh xảo. Cùng với đó còn có hệ thống hiện vật, đồ thờ mang dấu ấn thời gian, giàu giá trị: Đại tự, hương án, bát hương, bài vị, bát biểu, kiếm thờ, hòm đựng sắc, mâm bồng… Bác Lê Đình Thương - hậu duệ đời thứ 16 của Quận công Lê Giám cho biết: “Từ truyền thống được gây dựng từ thời cụ Lê Giám đến hôm nay con cháu dòng họ vẫn tiếp nối, luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Năm 2021, Di tích đền thờ Lê Giám đã được trùng tu với kinh phí hơn 800 triệu, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa do con cháu trong dòng họ đóng góp…”.

Về làng Hữu Bộc thăm đền thờ Quận công Lê Giám

Đền thờ Lê Giám được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Tưởng nhớ vị võ quan uy dũng, hàng năm vào ngày kỵ (giỗ) của ông 14 tháng 11 (âm lịch), con cháu dòng họ và Nhân dân trong vùng lại cùng nhau tập trung về đền thờ Quận công Lê Giám để dâng hương tưởng nhớ người xưa.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]