(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở vùng biển Hoằng Trường, từ xưa đã truyền nhau câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông du ngoạn qua cửa Lạch Trường, rằng: “Bao giờ cho Nẹ nằm đồng/ Bò con gặm cỏ thì Ông mới về”. Câu thơ như lời cảm thán của tiền nhân khi đối diện với cảnh sắc non nước hữu tình của dải đất nơi cửa biển...

Về miền biển xanh cát trắng: Một vùng non nước hữu tình

Ở vùng biển Hoằng Trường, từ xưa đã truyền nhau câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông du ngoạn qua cửa Lạch Trường, rằng: “Bao giờ cho Nẹ nằm đồng/ Bò con gặm cỏ thì Ông mới về”. Câu thơ như lời cảm thán của tiền nhân khi đối diện với cảnh sắc non nước hữu tình của dải đất nơi cửa biển...

Về miền biển xanh cát trắng: Một vùng non nước hữu tìnhCông viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường.

Thế nhưng, trước khi biết đến Hoằng Trường (Hoằng Hóa) dưới dáng vóc tự nhiên và tươi đẹp tựa như thuở ban sơ của non và nước, của sóng và gió, của nắng và cát...; thì mảnh đất này vốn nổi tiếng là “chiến địa” - nơi diễn ra nhiều trận đối đầu lịch sử giữa Hải quân Việt Nam và quân dân Thanh Hóa với những tàu chiến, “giặc trời” của đế quốc Mỹ. Nhằm cứu vãn tình thế thảm bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, năm 1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Mỹ cho Hạm đội 7 - lực lượng không quân tập trung đánh phá dọc từ hòn Nẹ (Hậu Lộc) đến cửa Lạch Trường (Hoằng Hóa). Trước hành vi gây hấn của kẻ thù, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân Hoằng Trường đã tham gia vào cuộc chiến tranh Nhân dân được xem là có một không hai trong lịch sử. Đặc biệt, chiến công vang dội của Trung đội lão dân quân Hoằng Trường bằng súng bộ binh 12ly7 bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967, đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Trong cuộc chiến ấy, mỗi ngư dân Hoằng Trường đã trở thành một “cột mốc sống” trên biển, vừa mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Đây quả thực là cuộc chiến tranh kỳ lạ. Bởi chiến tranh đã trở thành một phần đời sống lúc bấy giờ và đã đi vào ý thức của mỗi con người. Để rồi cứ kẻ thù đến là đánh, bất kể chúng lớn mạnh và nguy hiểm đến đâu. Bởi cuối cùng, “sự kiêu ngạo của vũ khí đã cúi đầu trước sự kiêu hãnh của con người”! Để ghi lại dấu mốc lịch sử đặc biệt ý nghĩa ấy, ngày 19-12-2015, Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam đã được khánh thành. Công trình được ví như cánh buồm đỏ sừng sững, hiên ngang và bất khuất trước sóng gió nơi cửa biển Lạch Trường. Công trình là biểu tượng thiêng liêng về truyền thống yêu nước, tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc, luôn nhắc hậu thế về quá khứ lịch sử đau thương nhưng đầy quật cường của dân tộc ta. Và rằng, để giữ bình yên cho dải đất này là máu đỏ hòa lẫn trong nước biển. Chính vì lẽ đó, tự hào phải gắn liền với trách nhiệm của mỗi người đối với sự phát triển quê hương, đất nước trong bối cảnh hiện nay. Vậy nên, nếu được một lần về với Hoằng Trường, du khách hãy ghé thăm Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân và Nhân dân Việt Nam, để thêm một lần cảm nhận khí thế hào hùng và bi tráng của một thời máu lửa.

Sau phút lắng mình trong hồi ức, du khách có thể mở lòng mình để đón nhận những vang vọng của đất trời, của núi sông, của sóng gió nơi cửa biển đang cùng nhau hội tụ trên mảnh đất Hoằng Trường này. Dải bờ biển dài chừng 5km, dãy núi Linh Trường nối từ núi Ngọc Chuế (xã Hoằng Yến) kéo đến mũi hòn Bò và cùng với hòn Nẹ, hòn Sụp tạo thành hình cánh cung án ngữ trước cửa biển, như che chắn và bao bọc lấy sự sống trong lòng nó. Cuộc sống dẫu nhiều phần vất vả nhưng hồn hậu, chất phác và rất đỗi bình yên. Ngày nay, bức tranh cuộc sống nơi cửa biển đã được vẽ thêm nhiều nét màu tươi sáng. Đặc biệt, sự ra đời của quần thể kiến trúc độc đáo mang tên Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường ngay sát mép nước, càng thêm nhiều hứa hẹn về một sự “đổi màu” cuộc sống nơi đây.

Từ trên cao nhìn xuống, dãy núi Linh Trường như hình con rồng đang vươn mình ra biển cả, mà hòn Bò là phần đầu rồng. Còn những phiến đá ăn ra biển, kích thước lớn nhỏ và nhiều hình thù khác nhau, lấp lánh như những viên ngọc được ví như râu rồng. Nhưng khi đứng độc lập với dãy Linh Trường, hòn Bò có hình thù của một con bò lớn và địa danh này từng xuất hiện trong câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Bao giờ cho Nẹ nằm đồng/ Bò con gặm cỏ thì Ông mới về”. Hòn Bò gắn liền với nhiều câu chuyện tâm linh của cư dân ngư nghiệp và đặc biệt, dân gian lưu truyền rằng, hòn Bò là những khối đá thạch anh trắng quý hiếm, có khả năng thanh lọc nguồn năng lượng xấu, thu hút nguồn năng lượng tích cực và xua đuổi tà khí. Chính vì vậy, Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò- Lạch Trường được xem là nơi hội tụ và hài hòa giữa vẻ đẹp tự nhiên với các giá trị văn hóa - tâm linh. Đồng thời, tọa lạc trên thế đất có vị trí phong thủy đắc địa: Lưng tựa núi hòn Bò, mặt hướng ra biển.

Được khởi dựng từ năm 2018 và đã hoàn thành một số hạng mục, số còn lại vẫn đang tiếp tục thi công. Hiện Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường bao gồm các công trình Tượng đài chiến thắng trận đầu của Hải quân và Nhân dân Việt Nam, chùa Bụt, đền thờ Tô Hiến Thành, phủ Mẫu, nhà Linh, hòn Bò, bãi Râu Rồng... Mặc dù chưa hoàn thiện, song với các hạng mục hiện có đã phần nào mang đến cho du khách sự hình dung về mức độ kỳ công và diện mạo hoành tráng của toàn bộ công trình. Đặc biệt, các công trình mới được xây dựng trong quần thể danh thắng có sự phối hợp giữa hai lối kiến trúc vừa mang dáng dấp truyền thống vừa có các yếu tố hiện đại. Điển hình phải kể đến chùa Bụt - di tích linh thiêng và lâu đời bậc nhất nơi cửa biển Hoằng Trường.

Theo các cụ cao niên, chùa Bụt có từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Trải qua mấy trăm năm tồn tại, lại bị chiến tranh tàn phá, chùa đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Với tâm nguyện phục dựng lại chùa, cũng là giữ gìn tín ngưỡng đạo Phật trong đời sống cư dân ngư nghiệp nơi đây, năm 2018 chùa được phục dựng và trở thành công trình mang tính “điểm nhấn” trong quần thể Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường. Nhìn tổng thể, chùa Bụt khá đậm lối kiến trúc Ấn Độ, song cũng có những nét riêng của chùa truyền thống người Việt. Phía trước chùa là lầu chuông, lầu trống và ngay chính giữa là Tượng phật tổ Như Lai cao hơn 7m... Có lẽ chính vì sự “mới lạ” ấy đã tạo sức hút với du khách, khi thời gian gần đây Công viên hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường đã tạo ra “cơn sốt” check-in với nhiều du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.

Hãy một lần về với vùng non nước hữu tình Hoằng Trường để khám phá cảnh sắc tươi đẹp nhuốm màu huyền bí và lắng nghe biển khơi hát khúc tự tình đời biển - đời người.

Kim Ngân


Kim Ngân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]