(vhds.baothanhhoa.vn) - Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) là làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và là làng văn hóa thứ 2 của cả nước. Càng tự hào về truyền thống làng mình, bà con Nhân dân càng nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng làng yên bình, không tệ nạn, không vi phạm quy ước, hương ước...

Về Đông Cao, làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa

Đông Cao (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) là làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và là làng văn hóa thứ 2 của cả nước. Càng tự hào về truyền thống làng mình, bà con Nhân dân càng nỗ lực cố gắng phát triển kinh tế, xây dựng làng yên bình, không tệ nạn, không vi phạm quy ước, hương ước...

Về Đông Cao, làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh HóaĐình làng Đông Cao.

Giữa thế kỷ thứ XV, con cả của vị khai quốc công thần thời Lê, tướng Đinh Liệt là Thượng thư Bộ Binh Đinh Công Đột đã đến làng (thôn) Đông Cao để chọn đất lộc điền, vừa dựng thái ấp vừa lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của ba vị Khai quốc công thần họ Đinh, gồm: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt. Ban đầu làng có tên là Đống Cải (xã Thanh Hà, tổng Cổ Định), thờ thành hoàng là Thánh Lưỡng. Khi ghép với lộc điền họ Đinh thành làng Đống Đôi thờ thêm Đinh Liệt. Từ thời Duy Tân, Đống Đôi đã là một làng thịnh vượng, sau tiếp tục được đổi sang là Đông Cao.

Không chỉ là đất lộc điền, trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa, làng Đông Cao chính là nơi tập kết của nghĩa quân Cần Vương để đánh đồn Mưng, dân làng Đông Cao đã cầm vũ khí cứu nước, góp một phần vào trang sử hào hùng chống thực dân Pháp xâm lược.

Cũng như các làng trên địa bàn xã Trung Chính, làm ruộng vốn đã cực nhọc, nhưng làm ruộng ở tả ngạn dòng Lãng giang bên chân núi Nưa của người dân làng Đông Cao thì càng cực hơn vì thường xuyên bị lụt vào mùa mưa. Những cánh đồng lúa xanh mơn mởn có thể bị ngập chìm trong làn nước bạc bất cứ lúc nào. Không phải ngẫu nhiên mà người dân địa phương có câu thành ngữ “đòn xóc cắm bờ còn mất ăn”, ý nói đem đòn xóc cắm bờ chờ gánh lúa về còn bị lũ lụt cướp đi. Làm nông nghiệp mà người dân ở đây chẳng mấy khi có bát cơm trắng, hoặc có thóc gạo thì vẫn phải nhịn ăn, phòng khi mất mùa.

Người dân ở Đông Cao rất chăm chỉ. Ngoài trồng lúa, họ còn trồng ngô, khoai, đậu, lạc, và các loại rau màu góp phần giải quyết vấn đề lương thực hằng ngày, nhất là mùa giáp hạt. Ngoài ra, một số người từ nơi khác đến đây lập nghiệp đã mang theo các nghề thủ công như đan lát, trồng bông dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, làm bánh, bún... Ông Bùi Văn Sử (98 tuổi) chia sẻ: Đức tính hay lam hay làm đó không chỉ để kiếm tiền tăng thêm thu nhập cho gia đình mà cao hơn là góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của vùng quê. Qua lao động để giáo dục con cái sự chăm chỉ, cần cù, siêng năng, tháo vát.

Sự thuần phác, chăm chỉ của người dân, cộng với truyền thống văn hóa của làng là lý do mà Đông Cao được chọn là đơn vị thí điểm xây dựng làng văn hóa đầu tiên của tỉnh. “Nhớ lại, năm 1989, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai thí điểm xây dựng làng văn hóa. Đến năm 1991, được sự giúp đỡ của Phó Giáo sư Vũ Ngọc Khánh, Sở Văn hóa - Thông tin đã tổ chức hội thảo “Văn hóa làng và xây dựng làng văn hóa”. Trên cơ sở kết luận khoa học và thực tiễn, làng chúng tôi vinh dự được lựa chọn làm thí điểm. Từ đó, làng đã thiết lập “Quy ước Đông Cao” gồm 4 mục/24 điều, gồm văn hóa - xã hội (7 điều), xây dựng kinh tế (5 điều), an ninh trật tự (4 điều) và các quy định chung (8 điều). Và chỉ 6 năm sau, tức năm 1997, làng Đông Cao đã được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh”, ông Đinh Ngọc Duy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Trung Chính cho biết.

Về Đông Cao, làng văn hóa đầu tiên của tỉnh Thanh HóaNgay trước đình làng Đông Cao là cảnh non nước hữu tình.

Ông Đinh Ngọc Duy khẳng định rằng để Đông Cao được lựa chọn làm thí điểm làng văn hóa cấp tỉnh chính là truyền thống văn hóa, từ lễ hội đến các tư liệu lịch sử và tư liệu văn hóa dân gian truyền khẩu như những làn hát ghẹo, hát đối, những bài ca của các dòng họ nói về quá trình đi tìm đất lập nghiệp của tổ tiên, đặc biệt là những bài ca nói lên tinh thần yêu nước, kêu gọi Nhân dân đứng lên cứu nước, cứu nhà trong lúc đất nước bị đe dọa mất chủ quyền... Đặc biệt, ở làng Đông Cao chúng tôi có tiếng nói, cách phát âm rất riêng và đặc sắc. Thay vì cách nói: Cái gì thế? hay Cái chi rứa? thì người dân Đông Cao lại nói: Cái giầy cái vậy? Hoặc các địa phương khác hỏi: Đi đâu đấy/ Đi mô rứa? thì chúng tôi hỏi nhau: Đi đâu ở vậy?

Sau 27 năm kể từ khi nhận danh hiệu làng văn hóa đầu tiên ở Thanh Hóa, Đông Cao hôm nay vẫn chủ yếu là một làng thuần nông, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là dựa vào hạt lúa, hầu hết những người trẻ tuổi đi làm ăn xa hoặc làm công nhân ở các công ty trên địa bàn tỉnh. Theo ông Lê Phi Hùng, trưởng thôn Đông Cao chia sẻ: Mỗi năm, vào khoảng tháng 7, tháng 8 mùa mưa đến thì ruộng làng trắng băng, mùa màng thất bát. Đây cũng là vấn đề mà người dân băn khoăn. Tuy nhiên, sau 27 năm kể từ khi được công nhận làng văn hóa, đến nay Đông Cao đã có hệ thống công trình giao thông rộng rãi, đẹp..., bà con chăm lo đời sống kinh tế của gia đình, đồng thời giữ gìn nếp làng trong thời hiện đại.

Làng Đông Cao hiện có 147 hộ với 600 nhân khẩu. Nhờ chịu thương chịu khó mà người dân Đông Cao luôn nỗ lực có cuộc sống tốt đẹp hơn. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 69 triệu đồng/năm.

Về đình làng Đông Cao, nơi thờ Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt, ông Lê Phi Hùng, trưởng thôn, giới thiệu với chúng tôi: Theo lệ, cứ đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch, làng Đông Cao lại mở hội và tổ chức nghi thức lễ tế thành hoàng hết sức trang trọng. Ngôi đình này là một trong những di tích cổ tiêu biểu nhất cho cả vùng đất Cầu Quan. Và hướng tới kỷ niệm 500 năm ngày mất của thành hoàng làng- cụ Đinh Công Đột (17/5/1524 - 17/5/2024), ban di tích, cấp ủy ban thôn, cán bộ, Nhân dân làng Đông Cao có dự định khôi phục tôn tạo khu mộ tổ cụ Đinh Công Đột tại khu di tích Mữu kè. Những việc làm này ngoài mang ý nghĩa tâm linh, còn là mong muốn cháu con trong làng/thôn luôn hướng về nguồn cội, nỗ lực vươn lên làm ăn kinh tế, xây dựng quê hương. Và hơn hết là cố gắng để giữ vững danh hiệu làng văn hóa.

Bài viết có sử dụng tư liệu sách “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Trung Chính (1930-2012)”, NXB Thanh Hóa, 2013.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]