(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Mai Thế Tuấn là người đỗ Đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều (tức triều Nguyễn)” năm 1843. Cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo.

Về Nga Sơn nghe chuyện kể về Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh triều Nguyễn

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Mai Thế Tuấn là người đỗ Đệ nhất giáp đầu tiên của bản triều (tức triều Nguyễn)” năm 1843. Cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông là tấm gương sáng cho muôn đời con cháu noi theo.

Về Nga Sơn nghe chuyện kể về Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh triều NguyễnBia giới thiệu thân thế, sự nghiệp Thám Hoa Mai Anh Tuấn và dòng họ Mai trong khuôn viên đền thờ Mai Anh Tuấn.

Từ tấm gương hiếu học

Mai Anh Tuấn quê ở làng Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn. Tên cha mẹ đặt cho ông là Mai Thế Tuấn. Sách “Đại Nam liệt truyện”, tập 4 chính biên - nhị tập, viết: “Thế Tuấn lúc nhỏ đọc sách qua một lượt là thuộc. Tuổi mới 20 đã có tiếng về văn”.

Dòng họ Mai vốn có truyền thống hiếu học ở Nga Sơn. Chỉ tính riêng thời Lê Trung Hưng, dòng họ Mai ở Thạch Giản có tới 31 người đỗ đạt cao và làm quan lớn trong triều đình, có nhiều công trạng được ghi danh vào sử sách. Ông cố của Mai Anh Tuấn đỗ Tiến sĩ cập đệ niên hiệu Vĩnh Khánh, đời vua Lê Duy Phường, làm quan đến chức Binh bộ Thị lang, tước Hương lĩnh hầu. Ông nội là Đồng bình chương sự (tể tướng). Cha ông là Mai Thế Trinh là Tri huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Theo gia phả dòng họ Mai, sau khi đỗ Tú tài lần thứ nhất ở trường thi Nam Định, ông tiếp tục đăng ký dự thi Hương ở Nghệ An, bài làm xuất sắc, nên ông đỗ thủ khoa Tú tài. Đến kỳ thi Hội, ông lại đỗ đầu khoa Cử nhân. Năm Quý Mão (1843), khi ấy ông 28 tuổi, tham dự kỳ thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh (tương đương Thám hoa thời trước). Bài thi của ông được vua Thiệu Trị khen ngợi: “Trẫm biết bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của Tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước”. Lúc vào bái yết, vua cho đổi tên là Anh Tuấn, lại ban cho bài thơ để tỏ yêu dấu.

Mai Anh Tuấn là tấm gương để các thế hệ con cháu noi theo, lấy sự học làm hàng đầu. Từ sự học để tu thân, giúp đời. Hiện nay, tại Văn Miếu Huế, bia Tiến sĩ ghi kết quả kỳ thi năm Quý Mão, niên hiệu Thiệu trị thứ 3 (1843) có tên ông xếp đầu danh sách.

Đến một trung thần

Sau khi thi đỗ, Mai Anh Tuấn được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sung Nội các bí thư sở hành tẩu, chuyển làm Thị độc, rồi đổi Thị độc học sĩ sung biện công việc nội các.

Đến Tự Đức năm đầu (1848), nhân có việc thuyền tỉnh Quảng Đông (nhà Thanh, Trung Quốc) dạt sang nước ta, vua cho quan quân cấp thuyền hộ tống họ về nước, lại đem 2 vạn lạng bạc của công để sang mua hàng hóa. Mai Anh Tuấn cho rằng cần ngăn chặn mầm xa xỉ, nên dâng sớ thống thiết khuyên can.

Vua Tự Đức nhận sớ phật lòng, giao xuống cho Bộ Lại luận tội. Tuy vậy, nhờ các đại thần liên tiếp dâng sớ xin khoan tha, vua chỉ trách nhẹ, rồi đưa ông ra làm Án sát sứ ở Lạng Sơn.

Ở vùng đất mới, chỉ có một tháng, ông đã được vua ban chỉ khen ngợi vì đánh được giặc ở Hữu Khánh. Nhân đó ông dâng sớ: “Xin đình việc lưu quan, bãi việc vận chuyển rèn tập thổ dõng để thư sức cho dân, và ngầm bài xích thế giặc”.

Ở Lạng Sơn ông lo dẹp thổ phỉ để giữ gìn trị an. Năm 1851, quân thổ phỉ nhà Thanh tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên rồi tiến sâu vào Lạng Sơn. Ông cùng với Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lợi.

Một lần, Mai Anh Tuấn trong khi biết có thể tiến lên cũng vô ích nhưng vì “Quân ta còn kẹt trên núi. Nếu ta không lên thì quân ta chết hết trong tay giặc”. Quân giặc đông, thừa thế đánh giết, quân ta không địch nổi nên vỡ chạy. Mai Anh Tuấn rút gươm đâm giặc thì bị chúng giết hại. Hôm đó là ngày mùng 6 tháng 8 năm Tự Đức thứ 8 (1855).

Tấm gương của ông đã khiến vua quan thương xót truy tặng là Hàn lâm viện Trực học sĩ. Bài văn tế đọc tại lễ an táng ông có đoạn: “Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡ người thân, đó là Hiếu. Ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ huý, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là Dũng. Ôi! Vùng biên có biến động, giặc cường bạo kiêu căng, một mình cầm quân đánh giặc để giúp bạn, đem cái chết để báo đền Tổ quốc. Thật là Hiếu, Trung, Nghĩa, Dũng muôn thuở nêu cao!”.

Thương tiếc ông, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, đốc học Nam Định có bài thơ chữ Hán cảm động, dịch nghĩa là:

Bậc thư sinh xông pha trận mạc,

Tấm cô trung phận bạc thương ôi!

Can vua đã chẳng được rồi,

Nói chi việc dẹp giặc ngoài biên xa.

Trời Thạch Giản sao nhòa khí uất,

Rừng Lạng Sơn xào xạc hơi thu.

Hán vương ý cũng mong chờ,

Mà rồi cấp ấm vẫn trơ cõi ngoài.

Chính tấm lòng Trung Hiếu Nghĩa Dũng ấy, sau khi chết, Mai Anh Tuấn được Nhà vua lệnh lập đền thờ ở Thanh Hóa và Lạng Sơn. Linh vị và bát hương thờ ông được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần nhà Nguyễn. Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại làng Hoàng Cầu (Đống Đa - Hà Nội), nơi ông sinh ra. Để tưởng nhớ công ơn, năm 2008, tên ông đã được đặt tên cho con phố ven hồ Hoàng Cầu.

Đền thờ Mai Anh Tuấn

ở quê nhà Nga Sơn

Về thăm đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), chúng tôi được ông Mai Văn Kiệm, hậu duệ đời thứ 13, cho biết: “Con cháu trong dòng họ luôn coi những bậc tiền bối là tấm gương sáng để học tập và noi theo. Chính vì thế, dù có thể không đỗ đạt cao nhưng con cháu chúng tôi luôn cố gắng sống tử tế, có ích với xã hội và gia đình. Sau khi đền thờ được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 1991, năm 2009, con cháu trong dòng họ đã kêu gọi nhau xây dựng nhà thờ thật khang trang”.

Nhiều năm trông giữ ngôi đền, ông Mai Văn Kiệm chia sẻ, không riêng gì ông, mà cháu con trong dòng họ đều khắc ghi những câu chuyện về cụ. "Dù cụ không sinh ra ở đây, nhưng tại quê gốc ở Nga Sơn này, từ năm 1999, chính quyền địa phương cũng đã đổi tên Trường PTTH Nga Sơn 2 thành Trường THPT Mai Anh Tuấn”, ông Kiệm cho biết.

Ngày 6 tháng 8 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Mai Anh Tuấn. Những năm trước con cháu thường tề tựu về thắp hương làm cỗ mời quan khách thụ lộc. Phần thưởng hàng năm cho cháu con đạt thành tích tốt là chuyến đi thăm Kinh thành Huế, nơi Mai Anh Tuấn được khắc bia vinh danh Tiến sĩ. Tấm gương hiếu học, trung nghĩa của Mai Anh Tuấn mãi là niềm tự hào của con cháu ở mảnh đất quê nhà Nga Sơn.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]