Về Nông Cống thăm đền Mưng
Nằm trong không gian phía Tây của núi Nưa - một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Thanh gắn liền với những tên tuổi lớn của đất nước trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, đền Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống) có lịch sử hình thành từ rất lâu đời. Tuy nhiên, với việc xuống cấp nghiêm trọng, chính quyền và Nhân dân trong xã đang mòn mỏi chờ đợi đền sớm được tu sửa, nâng cấp.
Làng Mưng là nơi thờ vị thần Tham Xung tá quốc tôn thần Lê Hữu trong số 17 ngôi đến thờ ngài ở tỉnh Thanh Hóa.
Theo các sử gia ghi lại, vùng đất làng Mưng có lịch sử hình thành và phát triển từ rất lâu đời. Đây còn là một trong những vùng đất gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước ta trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Từ những năm đầu công nguyên vùng đất làng Mưng đã có con người tụ cư lập nghiệp và nơi đây được Bà Triệu chọn làm căn cứ để đánh đuổi giặc Ngô bảo vệ đất nước. Ngày nay dân gian vẫn còn truyền lại câu ca: “Ai về Nông Cống tỉnh Thanh/ Dừng chân nhớ Triệu Thị Trinh anh hùng”. Đến thế kỷ VII (năm 618) khi nhà Đường xâm lược nước ta, nhân dân làng Mưng lúc bấy giờ cũng là địa phương đi theo cha con Hoàng đế Lê Ngọc chống lại ách đô hộ của nhà Đường và có nhiều đóng góp trong cuộc khởi nghĩa này. Sau khi cuộc khởi nghĩa của cha con hoàng đế Lê Ngọc thất bại, Nhân dân nhiều nơi trong đó có làng Mưng đã lập đền thờ phụng cha con ông. Theo nội dung bản thần tích về hoàng đế Lê Ngọc, nhân vật được thờ tại đền Mưng là thánh lưỡng Tham Xung tá quốc tôn thần (tức chàng Út đại vương, tên húy là Hữu).
Các cụ trong làng đến nay vẫn tự hào kể lại: Xưa kia đền được xây dựng nguy nga đồ sộ nhất vùng, có hậu cung chính tẩm, 5 gian tiền tế, có sân chầu, giải vũ hai bên và tường bao quanh, có nghi môn, tam quan. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đền Mưng đã bị bom đạn tàn phá. Ngày nay, trên nền cũ, Nhân dân góp công xây dựng lại để hàng năm tế tự.
Ông Nguyễn Trọng Thường giới thiệu về bát hương có niên đại cổ nhất trong đền.
Những con thú cổ còn được giữ gìn trong đền.
Hai chiếc cột cổ có từ khi xây dựng đền cách đây 15 thế kỷ, do bị hư hỏng nặng nên khi đền tu sửa lại đã được đem ra trưng bày ngay trong khu vực đền.
Hiện nay, đền Mưng còn lại 10 pho tượng đá có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm tượng quan văn, quan võ (tượng đứng, tay cầm gươm hoặc hốt) và nhóm tượng lồi (lực sĩ Chiêm Thành) tư thế quỳ và vòng tay chầu, nhóm tượng thú (voi, ngựa, chó…).
Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội đền Mưng. Trong đó, tháng giêng gọi là lễ hội bơi thờ hay còn gọi là lễ hội bơi đua (đua thuyền), diễn ra từ ngày mùng hai đến ngày mùng năm. Tháng ba âm lịch là chính lễ, diễn ra vào các ngày từ mùng một và mùng tám. Nổi bật nhất của lễ hội đền Mưng là “trò hát chèo thờ làng Mưng” - một hình thức diễn xướng nghệ thuật sân khấu độc đáo, riêng biệt.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa riêng, năm 1994 đền Mưng đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2019, lễ hội đền Mưng đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nhiều vết nứt ở các cột trong đền.
Tuy vậy, sau lần trùng tu vào năm 1994 đến nay đền đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Trọng Thường, thủ từ đền Mưng cho biết: Hầu hết phần mái đền có nhiều chỗ dột, nứt nẻ, dù chúng tôi đã lợp tôn rồi chận ngói lên. Nếu cứ để tình trạng này lâu dài, nhất là khi mưa xuống thì di tích sẽ hư hỏng nặng.
Ông Lê Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Các hạng mục sửa chữa nâng cấp đền đã được phê duyệt với kinh phí 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên thời gian tu sửa nâng cấp đền bị chậm lại. Người dân trong vùng rất mong dự án sớm được thực hiện.
CHI ANH
{name} - {time}
- 2023-06-02 07:42:00
Về đền thờ Tể tướng Nguyễn Hiệu
- 2023-06-01 10:14:00
Hoằng Hóa: Đón khoảng 525.000 lượt khách trong 5 tháng đầu năm
- 2022-03-05 09:09:00
Giữ gìn, phát huy giá trị các di tích cách mạng tại TP Thanh Hóa
Về thăm núi Tùng
Đến Pù Luông trải nghiệm chèo bè tre trên suối Nủa
Mùa xuân thăm đền Hàn Sơn và đền Cô Bơ
Bản Hang làm du lịch cộng đồng
Giữ “hồn làng” đình Bồng Hạ bằng nguồn xã hội hóa
Du xuân trên lòng hồ Cửa Đạt
Dấu tích thành đá của chủ quân Nguyễn Chích chống giặc Minh
Thăm cố đô Lam Kinh dịp đầu năm
Khám phá chùa Ông, động Bà trên đất Mường Ca Da