(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến huyện miền núi Thường Xuân xứ Thanh, người ta nhớ đến sản vật quế ngọc nổi tiếng khắp cả nước. Và ở nơi đây, với lịch sử cư ngụ lâu đời của đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, nhiều lễ hội truyền thống thấm đẫm niềm tin tín ngưỡng và sự biết ơn đang được bảo tồn, phát huy…

Về Thường Xuân khám phá nét đẹp lễ hội truyền thống

Nhắc đến huyện miền núi Thường Xuân xứ Thanh, người ta nhớ đến sản vật quế ngọc nổi tiếng khắp cả nước. Và ở nơi đây, với lịch sử cư ngụ lâu đời của đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó, nhiều lễ hội truyền thống thấm đẫm niềm tin tín ngưỡng và sự biết ơn đang được bảo tồn, phát huy…

Về Thường Xuân khám phá nét đẹp lễ hội truyền thốngĐồng bào Thái ở Thường Xuân dâng lễ vật trong lễ hội Mừng cơm mới. (Ảnh chụp tháng 11-2020)

Mường Chiếng Ván có lễ hội Nàng Han

Trong tiếng Thái cổ, “Lùm Nưa” được hiểu là gió mát ở vùng trên. Đây cũng là tên một bản làng trù phú của người Thái nằm ở trung tâm mường Chiếng Ván (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân ngày nay). Người dân nơi đây vẫn tự hào về mảnh đất có đồi Pú Pen soi bóng xuống sông Đặt lượn quanh; đồi Pú Tính đưa tiễn ông bà về với tiên tổ; và Hang Mường in hình Nàng Han - người con gái anh hùng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ bản làng.

Truyền thuyết người Thái nơi đây vẫn kể lại, xưa kia ở bản Lùm Nưa, trong gia đình nọ có hai người con gái tuyệt đẹp là Nàng Han và Nàng Tóc Thơm đẹp người, đẹp nết. Người em, Nàng Tóc Thơm có mái tóc dài như suối và hương thơm lạ kỳ nổi tiếng khắp mường. Người chị, Nàng Han không chỉ xinh đẹp mà còn thông minh, giỏi võ nghệ. Nàng Han được triều đình tin tưởng giao cho nhiệm vụ trấn ải miền biên viễn trên vùng đất quê hương. Bản làng đang bình yên, bỗng một ngày kia có quân giặc kéo đến cướp bóc của cải dân lành, ngang ngược đòi bắt Nàng Tóc Thơm về làm vợ. Nàng Han khi đó đã khởi binh lãnh đạo dân làng cùng nhau chống giặc. Trước sự anh dũng của nghĩa quân Nàng Han, giặc hung ác cuối cùng chỉ còn đám tàn binh.

Sau trận đánh lớn giành thắng lợi, Nàng Han ra sông tắm, để lộ thân hình thiếu nữ tuyệt đẹp dưới làn nước mát lành. Nhưng chẳng may cho nàng, đám tàn binh còn sót lại khi đó cũng ở bên suối, chúng phát hiện ra vị tướng oai phong lúc xung trận hóa ra là một nữ nhi nên hò reo xông tới. Cả thẹn, Nàng Han đã vung gươm giết giặc và hy sinh anh dũng. Ngựa chiến mà Nàng Han thường cưỡi khi xung trận đưa xác nàng lên đỉnh núi Hang Mường, để lại máu kẻ thù chảy đỏ dòng sông. Cũng từ đó mà người dân gọi tên sông Nhồng (sông máu). Ngày nay, trong Hang Mường còn nhũ đá như hình người thiếu nữ đang ngồi nghỉ ngơi, kế bên là những hình voi chiến, ngựa chiến đứng chầu. Người dân bản tin rằng, đó là hình ảnh do Nàng Han hóa thân mà thành.

Biết ơn Nàng Han, đồng bào Thái về sau đã tổ chức lễ hội Nàng Han để tưởng nhớ, tri ân công đức nữ anh hùng của bản làng. Lễ hội Nàng Han diễn ra ngay tại Hang Mường dưới vách đá mang dáng hình Nàng, từ ngày mùng 5 tết và kéo dài cả mùa xuân. Tục truyền, lễ vật dâng tế trong lễ hội Nàng Han được bày biện thành 13 mâm với 4 tầng để cúng các vị thần linh và Nàng Han, trong đó rượu cần là lễ vật không thể thiếu. Bởi trong quan niệm của người Thái, rượu cần là tinh túy của nước, phẩm vật của thiên nhiên ban tặng cho con người.

Kết thúc phần lễ, bản trên mường dưới cùng nhau ra bãi đất rộng bên kia sông Nhồng - đối diện Hang Mường, hòa mình vào trò chơi, trò diễn dân gian: múa cá sa; diễn tấu, đánh trống chiêng; khua luống; ném còn; nhảy sạp; hát đối đáp nam nữ… Lễ hội Nàng Han để dân bản tưởng nhớ người nữ anh hùng song cũng là dịp nam nữ giao duyên, từ đó nên vợ nên chồng. Sau lễ hội Nàng Han, già trẻ, trai gái lại trở về bản, bên bếp lửa nhà sàn, uống rượu cần, làm lễ cầu vía linh hồn Nàng Han, Nàng Tóc Thơm hiển hiện để các bà Tày ban phát lộc, buộc chỉ ngũ sắc cầu may, cầu phúc cho người dự hội.

Lễ hội Nàng Han còn phản ánh tín ngưỡng phồn thực cầu con, cầu của, cầu nhân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi… Là nét đẹp văn hóa đã được đồng bào nơi đây bảo tồn, lưu giữ.

Lễ hội Mừng cơm mới - “tôn vinh hạt thóc”

Khác với lễ hội Nàng Han, lễ hội Mừng cơm mới thường diễn ra vào tháng 10 âm lịch là lời cảm tạ những ưu ái mà “Then trời” dành cho người Thái, với quan điểm: Trên trời luôn có Then là đấng cai quản trời đất, loài người và vạn vật, còn dưới đất có các đấng thần linh. Muốn mùa màng tốt tươi phải được sự phù hộ của Then, thần linh và ông bà tổ tiên.

Về Thường Xuân khám phá nét đẹp lễ hội truyền thốngViệc bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống còn nhằm quảng bá nét đẹp vùng đất, con người Thường Xuân đến du khách. (Ảnh chụp tháng 11-2020)

Theo đó, lễ hội Mừng cơm mới với ý nghĩa tôn vinh hạt thóc của Then ban cho bản mường, cúng các vị thần linh: trời đất, thần sông, thần suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng, cúng hồn lúa và tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, để năm sau vụ mùa tươi tốt, mùa màng bội thu. Hội mùa là sự giao hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, vạn vật. Chủ lễ của lễ hội Mừng cơm mới là ông Mo: “Mo tôi thức gia tiên để dậy/ Mo tôi gọi thổ công, thần linh đều về/ Nghe Mo tôi kể việc hôm nay/ Hôm nay ngày lành tháng tốt/ Con cháu dân làng ai cũng tới/ Xắng lễ cơm mới đến mời các ngài…”

Theo lời một ông Mo, trong lễ cơm mới của người Thái Thanh Hóa không bao giờ các gia đình cúng thịt gà, mà chỉ cúng cá bắt ở sông, ở suối và những sản vật thiên nhiên ban tặng. Lý giải điều này, người Thái vẫn kể lại câu chuyện, thuở con người và loài vật còn hiểu tiếng nói của nhau, một gia đình nghèo nọ có bố mới mất, tuy nhiên ngoài con gà mẹ đang nuôi con thì chẳng có gì để có thể làm lễ cơm mới cúng bố. Đêm hôm đó, người con trai bàn với vợ ngày mai giết thịt gà để cúng bố. Nghe được điều đấy, gà mẹ đau lòng dặn dò các con phải tự chăm sóc mình. Vô tình vợ chồng nhà nọ lại nghe được lời dặn dò của gà mẹ, cảm động trước tình mẫu tử thiêng liêng, họ quyết định không giết thịt gà để cúng nữa.

Sau khi ông Mo hoàn tất phần lễ, phần hội bắt đầu với âm vang trống chiêng. Khi tiếng trống chiêng vang vọng núi rừng, trai gái, già trẻ không phân biệt nam nữ, lứa tuổi, họ cầm tay nhau bước theo nhịp trống chiêng xoay quanh cây vạn vật, đống lửa, chum rượu cần, dàn trống chiêng, cùng nhau nhảy điệu cá sa, điệu xòe, khua điệu luống “mừng cơm mới”… Lễ hội Mừng cơm mới là lời cảm tạ thần linh, tổ tiên đã có công khai phá, gây dựng bản mường, cùng gửi gắm ước vọng cho bản làng bình an, cuộc sống phát triển.

Nói về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tinh thần trong đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Thường Xuân, ông Vi Văn Sinh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện, cho biết: Dân số của huyện Thường Xuân hiện có trên 90 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm hơn 55%. Đời sống tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội… phong phú đa dạng đã làm nên nét đẹp văn hóa tinh thần của vùng đất và con người nơi đây. Những năm qua, bên cạnh việc sưu tầm, phục dựng một số lễ hội đặc sắc, như lễ hội Nàng Han; lễ hội Dâng trâu tế trời; lễ hội Mừng cơm mới… huyện Thường Xuân còn đấu mối với các ngành, đơn vị trong tỉnh mở lớp truyền dạy làn điệu dân ca, dân nhạc, khặp, khèn bè, sáo, khua luống, cồng chiêng, tổ chức mở lớp truyền dạy chữ Thái trong các trường học, thôn bản...

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và quảng bá nét đẹp vùng đất, con người Thường Xuân, tháng 11-2020, UBND huyện Thường Xuân đã tổ chức lễ mừng cơm mới lần đầu tiên kết hợp với lễ hội đua thuyền. Lễ hội Nàng Han được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thường Xuân khôi phục vào năm 2007. Những năm gần đây, UBND xã Vạn Xuân đã duy trì tổ chức lễ hội này. Lễ hội Nàng Han không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục các thế hệ con, cháu về lòng yêu nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà còn bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái xã Vạn Xuân. Q Đ.T

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]