(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo nghề và yêu nghề, ngao du theo những cung đường cùng du khách, những hướng dẫn viên du lịch đang góp phần quan trọng, trực tiếp để phát triển du lịch Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vui, buồn nghề hướng dẫn viên du lịch (Bài 1): Những ‘đại sứ’ ngành du lịch

Theo nghề và yêu nghề, ngao du theo những cung đường cùng du khách, những hướng dẫn viên du lịch đang góp phần quan trọng, trực tiếp để phát triển du lịch Thanh Hóa.

Tích lũy kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, rồi lại tiếp tục một hành trình mới, với sức trẻ, niềm đam mê khám phá, nghề hướng dẫn viên (HDV) du lịch chỉ dành cho những bạn trẻ đã tự trang bị bản lĩnh, kỹ năng và sự tự tin. Một người hướng dẫn viên giỏi được ví như “đại sứ” của ngành du lịch.

Hướng dẫn viên được ví như “đại sứ” của ngành du lịch.

Đâu dễ trở thành một “đại sứ”

Khi bước vào bất cứ ngành nghề nào trong xã hội mỗi người đều cần trang bị những kỹ năng cần thiết để sống và làm việc hiệu quả. HDV du lịch là một trong những ngành đặc thù, đòi hỏi ở người thực hiện cần có vốn kiến thức hiểu biết rộng, và hơn cả là có “tâm” với nghề.

Trong suy nghĩ của nhiều người, HDV du lịch không những được đi đó đi đây, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi miền, tiếp xúc với nhiều nền văn minh trên thế giới, được ở khách sạn hạng sang, mà còn thỏa sức thể hiện bản thân vì luôn là tâm điểm chú ý của cả đoàn… Thế nhưng, khi đã vào nghề, nếu chỉ nhìn ánh hào quang bên ngoài thì không một HDV nào trụ được với nghề. Bởi cũng được đi đây đó, nhưng HDV phải căng mình, vận động liên tục, tập trung làm việc để du khách được thư giãn, thoải mái khi du lịch. Họ như những cái chong chóng xoay quanh tour, đoàn khách, từ sáng lo nơi ăn chốn nghỉ cho khách, thuyết minh.

"HDV còn phải luôn chuẩn bị tư thế để đối phó với những bất trắc, từ chuyện xe hư, đường hỏng, thời tiết thay đổi làm sai lệch lộ trình" - anh Nguyễn Tiến Giáp - Chủ nhiệm CLB Hướng dẫn viên du lịch Thanh Hóa, người đã có 13 năm trong nghề HDV du lịch cho biết.

Theo ông Trần Đình Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Thanh Hóa, để có thể trở thành một HDV chuyên nghiệp, chưa nói đến vốn kiến thức nghề nghiệp, mà làm HDV du lịch cần phải biết quên bản thân mình vì công việc, không ngại mưa nắng, không ngại khó, ngại khổ trên những cung đường dài. HDV du lịch trước hết phải là người phục vụ, nhưng họ cũng là những đại sứ văn hoá. Không quá khi nói rằng HDV là linh hồn của tour. Bởi khách hàng trải nghiệm dịch vụ du lịch và tiếp nhận những kiến thức văn hoá lịch sử ở mỗi vùng có trọn vẹn và hài lòng hay không đều qua tương tác trực tiếp với người HDV. Chính vì vậy, hiện nay Thanh Hóa rất quan tâm đến vấn đề phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ HDV. Cùng với các ngành, đơn vị chức năng, hàng năm HHDL Thanh Hóa cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho những đối tượng này. Đồng thời mời các chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến trực tiếp giảng dạy.

Làm không tốt sẽ tự “đào thải”

Lần đầu tiên đến Thanh Hóa cùng đoàn khảo sát, ông Trương Hoàng Phương (đến từ TP HCM) chia sẻ: "Tôi đã nghe nói nhiều về Thanh Hóa, nhưng đến bây giờ mới có cơ hội đặt chân đến đây. Bên cạnh các điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, các món ăn phong phú… thì HDV du lịch của các điểm đến trên địa bàn tỉnh đã làm các thành viên trong đoàn rất hài lòng nhờ sự vui vẻ, nhiệt tình, đặc biệt nội dung và khả năng thuyết minh khá ấn tượng. Mỗi lần tôi hỏi về những điều mình chưa hiểu đều được HDV chỉ dẫn nhiệt tình. Chắc chắn sau này tôi và có thể là nhiều đơn vị lữ hành khác sẽ dẫn khách đến với Thanh Hóa".

Buổi gặp gỡ của các thành viên trong CLB HDV du lịch Thanh Hóa.

Là HDV có thâm niên trong nghề, thường xuyên dẫn khách đi tham quan, chị Cao Hương (Tĩnh Gia), thành viên CLB HDV du lịch Thanh Hóa cho biết: Hầu hết các HDV đi đoàn và làm việc cho các đơn vị lữ hành có thương hiệu, sau mỗi hành trình đều có phiếu đánh giá gửi cho khách để khách phản hồi về chất lượng các dịch vụ như: ăn uống, đi lại, trong đó có cả thái độ phục vụ của HDV. Chính vì vậy, để có thể tồn tại với nghề, HDV không chỉ xem khách là “thượng đế” mà cần xem khách như chính người thân của mình, để từ đó thấu hiểu và phục vụ tốt hơn. Nếu như khách có ấn tượng, có phản hồi tốt, chắc chắn mình sẽ nhận được lời mời cho những tour tiếp theo, không chỉ của một công ty mà nhiều công ty khác. Và ngược lại, HDV không tự khẳng định được chính mình có nghĩa tự “đào thải” bản thân .

Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với tình yêu, niềm đam mê dành cho nghề, đội ngũ HDV du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đã và đang cùng nhau cố gắng vững bước trên con đường mà mình đã chọn. Với họ, tài sản lớn nhất chính là niềm tin và sự hài lòng của du khách muôn phương.

Theo thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa: Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 300 HDV du lịch được cấp thẻ. Trong đó có trên 220 HDV nội địa và hơn 50 HDV quốc tế. 4 HDV trong số này có trình độ thạc sĩ, trên 180 HDV đại học, còn lại là cao đẳng và trung cấp”.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]