(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với tiềm năng tự nhiên và nhân văn phong phú, cùng nhiều lễ hội dân gian đặc sắc; hệ thống làng nghề phát triển, đặc sản ẩm thực nổi tiếng... là cơ hội lớn để du lịch xứ Thanh phát triển, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, song ngành Du lịch Thanh Hóa phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đây cũng là điều trăn trở và thách thức không nhỏ đối với du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa: Cần nhiều nỗ lực

(VH&ĐS) Với tiềm năng tự nhiên và nhân văn phong phú, cùng nhiều lễ hội dân gian đặc sắc; hệ thống làng nghề phát triển, đặc sản ẩm thực nổi tiếng... là cơ hội lớn để du lịch xứ Thanh phát triển, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, song ngành Du lịch Thanh Hóa phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Đây cũng là điều trăn trở và thách thức không nhỏ đối với du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Điểm đến sức bật cho du lịch

Nằm trong vùng du lịch Bắc bộ, Thanh Hóa có vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ và Nam bộ, có hệ thống giao thông đường bộ khá thuận lợi với đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và đường sắt xuyên Việt, Quốc lộ 10 chạy qua vùng đồng bằng và ven biển của tỉnh, với đường chiến lược 15A xuyên suốt vùng Trung du và miền núi Thanh Hóa, đường 217 nối với nước bạn Lào. Không những vậy, địa hình miền biển đặc biệt thuận lợi cho phát triển du lịch. Với 102 km đường bờ biển, kéo dài từ huyện Nga Sơn đến huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có những điểm nghỉ mát nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, bờ thoải và rừng phi lao xanh mát như: Sầm Sơn, Quảng Lợi, Hải Tiến, Hải Hòa...

Nói đến du lịch Thanh Hóa nhiều du khách chỉ biết đến du lịch biển.

Cùng với biển, ở các vùng núi đá vôi xứ Thanh sở hữu nhiều hang động đẹp gắn liền với các truyền thuyết, di tích lịch sử văn hóa như động Từ Thức (Nga Sơn); động Long Quang (TP Thanh Hóa); động Hồ Công, Tiên Sơn (Vĩnh Lộc);... là những điểm du lịch kỳ thú. Ngoài ra, Thanh Hóa còn được thiên nhiên ban tặng Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), cùng với đó là các Khu BTTN như: Pù Hu, Pù Luông... hứa hẹn sẽ trở thành những khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Đặc biệt, Thanh Hóa có 1.535 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được phân bổ đều trên phạm vi toàn tỉnh. Trong số các di tích có 135 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, chiếm 5,25% tổng số di tích xếp hạng quốc gia của cả nước (hiện cả nước có 2.569 di tích được xếp hạng quốc gia) và 412 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bao gồm: Di tích Thành Nhà Hồ; Khu di tích lịch sử Lam Kinh; Di tích khảo cổ hang Con Moong; Chiến khu Ba Đình; Cụm di tích Sầm Sơn Lễ hội Lam Kinh; Lễ hội Lê Hoàn; Lễ hội Bà Triệu; Lễ hội Đền Sòng,..

Với tài nguyên du lịch tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú đã tạo điều kiện để ngành Du lịch Thanh Hóa phát triển những sản phẩm có giá trị và hấp dẫn du khách như: nghỉ dưỡng biển, thể thao nước, leo núi mạo hiểm, đặc biệt là du lịch tham quan, nghỉ dưỡng ở miền núi, miền biển...

Trăn trở thương hiệu

Tuy nhiên, trên thực tế Thanh Hóa vẫn chưa khai thác triệt để các lợi thế vốn có và tương xứng với tiềm năng du lịch đồ sộ. Tốc độ phát triển du lịch còn chậm, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và khai thác tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập; chất lượng dịch vụ còn thấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao; đầu tư cho du lịch chưa thỏa đáng... Du lịch Thanh Hóa cũng chưa kết nối, hợp tác hiệu quả với các điểm đến du lịch ở các tỉnh, thành phố trong nước và với các tour, tuyến du lịch quốc tế. Ngoài ra, năng lực đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên ngành du lịch còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới. Nhận thức của người dân sở tại đối với việc phát triển du lịch chưa cao, chưa coi khách du lịch là mục tiêu, chưa tạo được môi trường xã hội cho du lịch chuyên nghiệp tại địa phương.

Nói đến du lịch xứ Thanh, nhiều người chỉ biết đến Sầm Sơn - nơi tắm biển lý tưởng và nghỉ mát nổi tiếng mà người Pháp đã khai thác cách đây hơn 100 năm và mặc dù Sầm Sơn thu hút khá đông khách du lịch nội địa, nhưng chỉ tập trung vào mùa hè, thời gian còn lại trong năm ít có hoạt động diễn ra trên địa bàn khu vực ven biển. Trong khi đó, bãi biển Sầm Sơn hay Di sản văn hóa Thành Nhà Hồ, cùng các tiềm năng du lịch tâm linh và nhân văn khác chưa được khai thác và quảng bá rộng rãi...

Thanh Hóa đang là điểm sáng trong phát triển ngành du lịch và KT-XH nói chung của cả nước. Để có thể thu hút được khách du lịch không chỉ trong 3 tháng hè, mà trong cả 12 tháng của năm, rất cần những đột phá mạnh mẽ cả về nhận thức và chính sách thu hút vào ngành du lịch của tỉnh, tạo động lực, sức bật mới cho phát triển KT-XH nói chung, cho ngành du lịch nói riêng.

Trần Thương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]