(vhds.baothanhhoa.vn) - Cổ Định - Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) là vùng đất cổ từ thời các Vua Hùng. Nơi đây được nhiều người biết đến như điểm giao hòa của đất trời với huyệt đạo Am Tiêm - Ngàn Nưa gắn liền cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vang danh sử sách, nhưng ít người để ý rằng vùng đất này còn có nhiều nhà cổ và những vị tướng nổi danh trong lịch sử, cùng với đó là một thứ ngôn ngữ khá khác biệt.

“Xứ sở” của những huyền thoại

Cổ Định - Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn) là vùng đất cổ từ thời các Vua Hùng. Nơi đây được nhiều người biết đến như điểm giao hòa của đất trời với huyệt đạo Am Tiêm - Ngàn Nưa gắn liền cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vang danh sử sách, nhưng ít người để ý rằng vùng đất này còn có nhiều nhà cổ và những vị tướng nổi danh trong lịch sử, cùng với đó là một thứ ngôn ngữ khá khác biệt.

“Xứ sở” của những huyền thoại

Nghè Giáp ở Thị trấn Nưa - nơi thờ tướng quân Trần Khát Chân.

Vùng đất tạo nên “ thổ ngữ” lạ

Vùng đất Kẻ Nưa xưa (nay là thị trấn Nưa) được hình thành từ thời các Vua Hùng, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử nơi đây vẫn luôn giữ được những nét văn hóa rất riêng, ít nơi nào có được. Một trong những điều điều tạo nên sự khác biệt của vùng đất cổ này chính là “thổ ngữ” đặc biệt của người dân.

Theo lời giới thiệu của một người bạn, cũng là người dân gốc Cổ Định, hiện đang công tác tại một trường THCS trên địa bàn huyện Triệu Sơn, chúng tôi tìm gặp cụ Lê Ngọc Bá (SN 1920 ở khu phố 2, thị trấn Nưa) - người được xem là đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về ngôi làng mình ở.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, mắt mờ, tai kém, cụ chỉ biết có khách ra vào, còn tiếp chuyện là con gái cụ - bà Lê Thị Cúc, năm nay cũng đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hi”.

“Xứ sở” của những huyền thoại

Bà Lê Thị Cúc năm nay đã 73 tuổi là con gái cụ Lê Ngọc Bá - người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Cổ Định - Tân Ninh trao đổi về “tiếng nói lạ" của vùng

Bà Cúc cho biết, theo lời truyền lại của các bậc cao niên, làng Cổ Đinh có từ rất lâu đời, vùng đất này chứa đựng những huyền bí cho đến nay vẫn không lý giải được. Trải qua đời này sang đời khác người dân trong vùng vẫn duy trì được “tiếng nói lạ".

Bà Cúc cho biêt, từ thời xa xưa người dân đã sử dụng một thứ ngôn ngữ lạ, chỉ người trong vùng mới nghe và hiểu được.

Đang tiếp chuyện chúng tôi thì có người sang sang xin nước mưa về dùng. Thay vì dùng từ nước, người phụ nữ này lại dùng từ nác. Bà Cúc giải thích ở đây gọi nác là nước, con dao là con đao, đi về gọi là đi viền, cái đầu là cái trốc, dọn cơm ra sân là đoạn cơm ra vườn, trời tối là trời tún, chân gọi là cẳng, đầu gối gọi là trốc cún, con gà gọi là con kha...

“Xứ sở” của những huyền thoại

Một góc Thị trấn Nưa ngày nay

Ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa thị trấn Nưa cho biết việc người dân phát âm như vậy là không đúng với ngữ nghĩa trong phát âm của tiếng Việt, tuy nhiên đó là thổ ngữ đặc trưng của người dân nơi đây.

Cổ Định - Tân Ninh là vùng đất cổ có từ thời xa xưa, đã nhiều lần đổi tên theo diễn trình lịch sử, ảnh hưởng của khí hậu, địa lý, nguồn nước… quyết định một phần đến tiếng nói lạ này.

Theo ông Sơn, người dân sinh sống ven núi Nưa tùy theo mạch nước, thế đất, mỗi vùng có tiếng nói nặng, nhẹ khác nhau.

Người địa phương khi giao tiếp với người ngoài, họ thường nói giọng phổ thông, tuy nhiên khi giao tiếp với người trong vùng lại sử dụng thứ ngôn ngữ đặc trưng của vùng…

Ngôi làng có nhiều văn quan, võ tướng, hiền tài được truyền tụng

Theo dòng chảy lịch sử, vùng đất này đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau như Chạ Kẻ Nứa, Giáp Cá Na, Cổ Ninh, Cổ Định. Vào thế kỷ thứ III, vùng đất này cùng với núi Nưa hiểm trở được Bà Triệu chọn làm căn cứ dấy binh khởi nghĩa chống quân Ngô. Trải qua các thời Lý, Trần, Lê đến triều Nguyễn, làng Cổ Định xuất hiện nhiều nhân tài, nhà khoa bảng, có đóng góp quan trọng cho đất nước trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, ngoại giao…

Vùng đất ấy tự hào có tới bốn vị quan đi sứ sang Trung Hoa, đó là Doãn Anh Khải đi sứ nhà Tống năm Canh Tuất (1130) Thiên Thuận thứ 3 đời Vua Lý Thần Tông; Doãn Tử Tư đi sứ nhà Tống năm Giáp Thân (1164) Chính Long năm thứ 2 đời Vua Lý Anh Tông; Doãn Băng Hiến (Hài) năm 1322 đi sứ Nhà Nguyên; Lê Bật Tứ năm 1606 đi sứ nhà Minh.

Trong số đó Lê Bật Tứ là người nổi danh nhất, ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ (Hoàng giáp) khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng 21 (1598) đời vua Lê Thế Tông, làm quan đến chức Thượng thư Bộ binh, hàm Thiếu bảo, tước diễn Gia hầu. Khi mất được truy tặng Thái Bảo, tước Diễn quận công, tên ông được ghi danh tại văn bia Quốc Tử Giám.

“Xứ sở” của những huyền thoại

Một góc đền Nưa - Am Tiên

Ông Sơn cho biết, vùng đất Cổ Định - Tân Ninh hiện có 9 di tích lịch sử, trong đó có 2 cụm di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là Đền thờ Hoàng giáp Lê Bật Tứ (1562-1627) làm quan thời Lê Trung Hưng và Cụm di tích Đền Nưa gắn liền cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô năm 248 của Bà Triệu. Bảy di tích còn lại được công nhận di tích cấp tỉnh.

Ông Lê Đình Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa cho biết, phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, hiện nay vùng đất Cổ Định - Tân Ninh có 37 tiến sỹ, 6 phó giáo sư và giáo sư, 3 vị tướng lĩnh.

Những ngôi nhà cổ có lịch sử trăm năm tuổi

Những ngôi nhà cổ này mang đậm yếu tố nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân gian. Trải qua chiến tranh một số ngôi nhà vẫn giữ nguyên được hình hài, giá trị ban đầu.

Ông Sơn cho biết, trước đây vùng đất này có 20 chục ngôi nhà trên dưới 100 năm tuổi, hiện nay còn lại 8 ngôi nhà tuổi đời trên 100 năm tuổi…

Những ngôi nhà này được xây dựng bằng các loại gỗ lim, đinh hương, chua khét… Trong đó, đáng chú ý là ngôi nhà ông Lê Bật Cầu xây dựng từ năm 1912, đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931) được trùng tu, tôn tạo lại, gồm 5 gian, 2 chái, bộ khung gỗ được cấu trúc theo kiểu giá chiêng chồng tầng kẻ bẩy…

“Xứ sở” của những huyền thoại

Ngôi nhà cổ có tuổi đời trên 100 năm của gia đình ông Hứa Như Lơng ở phố 4, thị trấn Nưa

Hay như ngôi nhà cổ của gia đình ông Hứa Như Lơng ở phố 4, thị trấn Nưa có tuổi đời trên 100 năm. Nhà có kết cấu 7 gian, hiện chỉ còn 4 gian, được bảo tồn khá nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc cũng như vật liệu xây dựng.

“Xứ sở” của những huyền thoại

Ông Lê Văn Sơn, cán bộ văn hóa thị trấn Nưa giới thiệu về giá trị của ngôi nhà cổ tại thị trấn Nưa

Thời gian cứ trôi đi, dưới bóng Ngàn Nưa vẫn còn đó biết bao dấu tích lịch sử, góp phần tạo ra sự khác biệt và đáng yêu của vùng đất. Hy vọng những di sản ấy sẽ được bảo tồn để trở thành một điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá vùng đất xứ Thanh.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]