(vhds.baothanhhoa.vn) - Vị trí chiến lược đặc biệt, là điểm cuối của Bắc bộ và đầu Trung bộ, là vùng Tây Bắc nối dài, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; có rừng vàng, biển bạc... đã mang cho mảnh đất Thanh Hóa những yếu tố bản địa khá đặc biệt, tạo nên nét đặc thù gọi là văn hóa xứ Thanh.

Xứ Thanh, miền đất của những điệu dân ca dân vũ

Vị trí chiến lược đặc biệt, là điểm cuối của Bắc bộ và đầu Trung bộ, là vùng Tây Bắc nối dài, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế; có rừng vàng, biển bạc... đã mang cho mảnh đất Thanh Hóa những yếu tố bản địa khá đặc biệt, tạo nên nét đặc thù gọi là văn hóa xứ Thanh.

Xứ Thanh, miền đất của những điệu dân ca dân vũHát sắc bùa của người Mường Ngọc Lặc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022.

GS Trần Quốc Vượng đã định danh: “Xứ Thanh là vị trí địa - chiến lược, địa - chính trị, địa - văn hóa quan trọng của Việt Nam”. Trải qua thời gian, từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, bắt đầu từ văn hóa đồ đá cũ (núi Đọ) tới nền văn hóa đá mới (Đa Bút), văn hóa tiền kim khí (Gò Trũng, Hoa Lộc) làm nên nền văn hóa Đông Sơn - đồ đồng, mảnh đất này đã nuôi dưỡng và là niềm tự hào của mỗi người xứ Thanh, góp phần làm cho văn hóa Việt phát triển thêm rực rỡ. Trong bức tranh đa sắc màu văn hóa ấy, không thể không nói đến các giá trị văn hóa phi vật thể, mà đặc biệt là những điệu dân ca dân vũ vô cùng đặc sắc.

Sông Mã được ví như món quà mà tự nhiên đã ưu ái dành tặng cho xứ Thanh. Dọc trên con sông này, từ nghìn đời nay mạch nguồn văn hóa cứ thế bồi đắp, đưa lại trữ lượng phù sa lớn và mang dòng nước ngọt tưới tốt ruộng đồng nuôi lớn bao người. Điều tuyệt vời là con sông này chảy qua nhiều tỉnh rồi đổ về biển cả, nhưng chỉ có ở xứ Thanh mới có điệu hò sông Mã. “Câu hò ướt đẫm mồ hôi/ Bao đời vẫn đẩy trăng trôi với thuyền”, giữa đêm khuya mênh mông sóng nước, giọng hò vang lên từ hàng trăm con đò xuôi ngược, rộn ràng như một bản hợp xướng. Vì “hò để chèo” nên có tính tập thể cao, mỗi khi cách chèo chống thay đổi thì điệu hò cũng đổi theo. 19 làn điệu hò như chất men ngấm vào những tay chèo, giúp họ thêm hào hứng đi dọc sông Mã, khi gấp gáp, mạnh mẽ, lúc lại khoan thai, nhẹ nhàng.

Sau những tiếng hò vang mênh mang sông nước, người dân Thanh Hóa lại đắm say với nhịp điệu “Đi cấy”: “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng” của dân ca Đông Anh (Đông Sơn). Ra đời, hình thành và phát triển cùng với quá trình lao động của cư dân Đông Sơn, dân ca, dân vũ Đông Anh đã trở thành một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng phản ánh đời sống sinh hoạt, văn hóa, kinh nghiệm sản xuất... của người dân làm nông nghiệp Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng. Theo một nghiên cứu cho thấy, ở Thanh Hóa có tới 11 nơi hát múa - múa đèn nhưng múa đèn Đông Anh là một điệu múa đặc sắc mang ý nghĩa tâm linh, phồn thực và đậm chất tình ca. Nói đến dân ca Đông Anh Thanh Hóa, không thể không nhắc tới Đi cấy - thuộc tổ khúc múa đèn Đông Anh. Ban đầu những bài dân ca này được người dân đưa đến hát múa thi tại nghè Sâm tế thần. Khi ngọn đèn châm lên hòa cũng điệu múa cũng là lúc sự sống của con người được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, đem lại sự sinh sôi, nảy nở. Ngoài ra, tổ khúc múa đèn còn là “bản ghi nhớ” nông lịch của cư dân nông nghiệp và là cái cớ để các đôi lứa yêu nhau bày tỏ tâm tình. Vừa phảng phất bóng dáng văn hóa nghệ thuật cung đình vừa gần gũi với đời sống thường ngày, vì thế mà múa đèn Đông Anh được người dân Thanh Hóa nói chung, Đông Sơn nói riêng trân trọng, nâng niu để giữ gìn và phát triển.

Ngược ngàn non cao, đến với mảnh đất Ngọc Lặc, nơi có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trò diễn pôồn pôông; hát xường giao duyên; hát sắc bùa của người Mường Ngọc Lặc), càng thấy mảnh đất này còn nhiều nét văn hóa, nhiều điệu múa, câu hát thật đẹp, thật tình. Nếu pôồn pôông (nhảy múa bên hoa) là lễ hội có từ rất xa xưa, bắt nguồn từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” được tổ chức nhằm cầu chúc cho mối tình chung thủy của Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm - Bồng Hương, Út Lót - Hồ Liêu, để họ có dịp về Mường vui vầy cùng dân bản. Trong lễ hội, chuyện tình yêu được “kể” qua lời ca tiếng hát từ tối đến sáng, rồi từ sáng đến tối, có khi kéo dài tới hai ngày ba đêm. Cây bông, biểu tượng của vũ trụ bao la, hội tụ đầy đủ vạn vật mà tạo hóa đã ban cho con người chứng giám tất cả những câu chuyện đó. Dù đã ngoài 75 tuổi nhưng nói về pôồn pôông là Máy Tắng (nghệ nhân Phạm Thị Tắng) vẫn nhớ đầy đủ 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc trong lễ hội. Bà không chỉ là “linh hồn” trong các trò diễn pôồn pôông ở Cao Ngọc (Ngọc Lặc) mà còn là người đang gìn giữ, bảo tồn lễ hội pôồn pôông.

Bên cạnh những điệu múa bên cây bông, xường giao duyên là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường. Thông qua điệu hát xường, những cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được xường thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc. Nét độc đáo trong điệu xường giao duyên là có thể hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng từ đời này sang đời khác, hoặc hát theo lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa. Điệu xường du dương trong những đêm trăng sáng tâm tình nhỏ to khiến tình cảm nam nữ gần nhau hơn.

Nếu pôồn pôông là múa bên cây bông, hát xường giao duyên là lời đối đáp thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa, thì sắc bùa (xách cồng) của người Mường là nghệ thuật bùa phép hay đơn giản hơn là một phương tiện văn hóa màu nhiệm cầu phúc đức, cầu cho mọi người được sống yên lành, mọi vật sinh sôi, phát triển. Lễ hội là một hoạt động nghi lễ và các trò vui chơi truyền thống mang đậm nét văn hóa của người Mường với các hình thức dân ca nghi lễ, hát chúc mừng năm mới và trừ tà được lưu truyền từ xa xưa. Khi trong làng nhà ai đó có việc vui (về nhà mới, lấy vợ, lấy chồng…) đặc biệt là mừng năm mới, người Mường lại tập trung nhau thành phường đi chơi để chúc nhau những điều tốt đẹp. Trước đó, các gia đình tổ chức nghi lễ cúng tại nhà để cảm tạ thần linh, tổ tiên phù trợ cho sức khỏe, làm ăn thuận lợi và cầu mong một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn. Sau đó gia đình đón phường sắc bùa tới chúc mừng và nhập theo đoàn đi thăm các gia đình trong bản. Hát “Sắc bùa” chẳng thể vang cao, bay xa nếu không có tiếng cồng, chiêng, trống, chuông, khánh, sáo ôi, đâm đuống... Tiếng cồng càng to thì niềm vui càng lớn, hạnh phúc càng đầy, “dưới sân lắm trâu, nhiều bò. Trên nhà nhiều cơm, nhiều lúa, nhiều ngô, khoai, sắn…”.

Dân ca dân vũ Thanh Hóa gắn liền với sinh hoạt tập thể, gắn liền với người nông dân bước chân khỏi ruộng đồng, tạm rũ đi bùn đất, rơm rạ, khoác lên những bộ trang phục truyền thống, rực rỡ như những “nghệ sĩ”. Trò Xuân Phả là một trong những trò diễn tiêu biểu, lưu dấu quá khứ hào hùng dân tộc qua các vương triều trong lịch sử phong kiến. Người dân làng Xuân Phả tự hào là trò diễn được lưu giữ từ thế kỷ thứ X, gắn với tích Thành hoàng làng giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân đến ngày nay. “Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Còn cái độc đáo nhất là trò sử dụng mặt nạ. Hàng ngày, bà con xóm làng không ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả, thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa”, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng (xã Xuân Trường, Thọ Xuân) cho biết.

Người Thanh Hóa không chỉ có hò sông Mã, giai điệu cấy lúa, múa đèn ở Đông Anh; cồng chiêng, múa pôồn pôông của người Mường, hay trò diễn Xuân Phả mà còn có khua luống, trống chiêng, múa quạt, múa nón, trò diễn kin chiêng boọc mạy của người Thái; có kèn lá, kèn môi, múa ô, khèn của người Mông; điệu nhảy, múa rùa, múa bát của người Dao... Các làn điệu dân ca, dân vũ ấy phản ánh một phần đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Thanh. Nó được kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc và chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]